Người Việt hạn chế 'đi cafe', chi nhiều tiền hơn cho bữa trưa

Trái ngược với chi phí cho đồ ăn, mức chi tiêu cho việc 'đi cafe' giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, báo động tới các thương hiệu ở phân khúc cao cấp như Starbucks Coffee, %Arabica, The Coffee Bean & Tea Leaf...

IPOS.vn vừa qua đã công bố kết quả khảo sát ngẫu nhiên 2.360 người tại 63 tỉnh thành, chủ yếu tại các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng để tìm hiểu về hành vi tiêu dùng của họ trong 6 tháng đầu năm 2024.

Tần suất ăn ngoài của thực khách không thay đổi nhiều so với lần khảo sát trước.

Tần suất ăn ngoài của thực khách không thay đổi nhiều so với lần khảo sát trước.

Kết quả cho thấy, kinh tế khó khăn không ảnh hưởng quá nhiều tới việc đi ăn ngoài của người Việt. Mặc dù thu nhập có thể bị ảnh hưởng, nhưng người tiêu dùng đã thể hiện sự linh hoạt đáng kể trong việc điều chỉnh thói quen tiêu dùng. Thay vì giảm chi tiêu cho ăn uống bên ngoài, nhiều người cố gắng giữ tần suất đi ăn ngoài nhưng có kế hoạch cụ thể hơn về chi tiêu. Theo khảo sát, các mức tần suất cao như 3 - 4 lần/tuần hay hàng ngày đều gần như không thay đổi so với năm 2023. Đồng thời, nhóm khách hàng có tần suất 1-2 lần/tuần, có xu hướng tăng lên 4,1% so với năm trước.

“Nhìn chung, nhóm khách hàng trung thành vẫn duy trì thói quen ăn uống như trước đây, cho thấy sức hút của ngành F&B vẫn rất lớn”, báo cáo chỉ ra.

Đi sâu vào mục đích chi tiêu, khảo sát cho thấy người Việt đang chi nhiều hơn cho bữa trưa hay chi phí cho bữa trưa đang ngày càng đắt đỏ hơn. Có tới 61,4% thực khách được hỏi chi tiêu ở mức 31.000 - 50.000 đồng cho bữa trưa, tăng tới 13,7% so với nghiên cứu năm 2023. Với khoảng giá từ 51.000 - 71.000 đồng, mức tăng tương ứng là 5%.

Theo tìm hiểu của IPOS.vn, một số cửa hàng kinh doanh ở mức giá thấp đang gặp khó khăn trong vận hành. Nhiều cửa hàng vừa và nhỏ đã không thể duy trì được mức giá đã duy trì trong vòng nhiều năm qua. Trong khi đó, phân khúc giá 31.000 - 50.000 đồng cũng vấp phải cạnh tranh gay gắt.

“Chỉ có người tiêu dùng được lợi vì có nhiều sự lựa chọn phong phú, trong khi chi phí đang ăn mòn lợi nhuận của các cửa hàng kinh doanh đồ ăn nhanh tại Việt Nam”, các chuyên gia nhận định.

Với mức chi tiêu cho bữa tối, một xu hướng đáng chú ý trong năm nay là sự dịch chuyển rõ rệt sang phân khúc cao cấp hơn. Tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng chi từ 51.000 - 70.000 đồng cho một bữa tối đã tăng 5,7% so với năm trước, đạt 22,1%. Thậm chí, có tới 14% người được khảo sát chi tiêu từ 71.000 - 100.000 đồng. Đáng ngạc nhiên hơn, 20% người Việt sẵn sàng chi hơn 100.000 đồng cho một bữa tối, tăng 5,1% so với năm 2023. Điều này cho thấy, sức mua của người tiêu dùng Việt đang ngày càng tăng và họ không ngần ngại chi tiêu cho những trải nghiệm ẩm thực hàng ngày chất lượng.

Chi tiêu cho thức uống ở phân khúc trên 100.000 đồng/ly đã giảm mạnh.

Chi tiêu cho thức uống ở phân khúc trên 100.000 đồng/ly đã giảm mạnh.

Trái ngược với chi phí cho đồ ăn, mức chi cho việc đi cafe giảm mạnh, tần suất cũng giảm đáng kể. Mặc dù mức giá từ 41.000 - 70.000 đồng/ly trở nên phổ biến hơn, với sự tăng trưởng 11,5% về tỷ lệ người lựa chọn, nhưng các phân khúc cao cấp lại gặp khó khăn. Tỷ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ly đã giảm mạnh từ 6% xuống còn 1,7%. Mức sẵn sàng chi tiêu giảm mạnh báo động tới các thương hiệu ở phân khúc cao cấp như Starbucks Coffee, %Arabica, The Coffee Bean & Tea Leaf...

Đồng thời, người tiêu dùng cũng giảm tần suất đi cà phê do áp lực công việc tăng cao. Theo đó, có tới 41,7% người được hỏi chỉ thỉnh thoảng đi cafe, và 32,3% đi cafe với tần suất 1 - 2 lần/tuần. Khi được hỏi lý do, phần đông cho rằng, họ đang phải làm việc với cường độ lớn hơn do khó khăn của nền kinh tế và nội tại doanh nghiệp đang làm việc. Điều này cũng cho thấy, kinh tế khó khăn đã khiến người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc chi tiêu cho những dịch vụ không thiết yếu.

Một phát hiện thú vị khác là người Việt ngày càng chuộng nhà hàng phân khúc trung cấp cho dịp đặc biệt. 56% người Việt chi tiêu từ 201.000 - 500.000 đồng/người cho một dịp đặc biệt, tăng nhẹ khoảng 4,1% so với năm 2023. Ở các phân khúc cao hơn từ 501.000 - 1.000.000 đồng, mức tăng là 5,1%. Một diễn biến bất ngờ khác là sự sụt giảm mạnh của phân khúc dưới 200.000 đồng.

Trong khi đó, phân khúc được xếp vào nhóm trung cấp - khoảng 300.000 - 500.000 đồng/suất ăn, đang trở thành "chiến trường" cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu lớn, nhỏ. Để thu hút khách hàng, nhiều thương hiệu cận cao cấp đã phải điều chỉnh giá cả xuống trung cấp, khiến phân khúc này trở nên hấp dẫn với thực khách hơn bao giờ hết.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/nguoi-viet-han-che-di-cafe-chi-nhieu-tien-hon-cho-bua-trua-1101882.html