Người viết khẩu hiệu tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 ở Điện Biên
Sáng 1-4, chúng tôi đến bản Noong Nhai 1, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, nằm cách trung tâm TP Điện Biên Phủ chừng 7km.
Khi chúng tôi vừa rẽ vào một con ngõ nhỏ treo đầy khẩu hiệu và thông báo, bỗng giật mình bởi tiếng hô vọng xuống từ trên mái nhà: Dừng lại! Dừng lại! Các anh ở đâu đến đây, dừng lại ngay… đó là tiếng một người đàn ông trung niên có dáng người nhỏ nhắn đang đứng treo leo trên một chiếc thang. Ông buộc nốt sợi dây căng lại chiếc băng rôn rồi trèo xuống giới thiệu, mình là Tòng Trung Tiến, nhà ở bản này, người dân trong bản mình chủ yếu là đồng báo Thái. Vì vậy mình phải viết thật nhiều khẩu hiệu, thông báo để người dân nâng cao ý thức trong phòng dịch…
Biết chúng tôi là nhà báo, ông Tiến vui vẻ mời vào nhà, nhà ông ở ngay đầu ngõ, ông bảo: Nhà báo thì vất vả rồi. Mùa dịch đang căng như thế này thì các y sĩ, bác sĩ, các anh bộ đội và các nhà báo lại càng thêm vất vả. Chúng tôi theo chân ông Tiến đi trên con đường bê tông phẳng phiu, sạch sẽ dẫn vào trong bản, những ngày này cả bản nhà ai cũng cửa đóng then cài nhưng con ngõ nhỏ lại được trang trí bằng những băng rôn nhỏ rất bắt mắt. Ngay từ đầu ngõ là chiếc băng rôn màu đỏ căng ngang với những dòng chữ trắng được cắt tay nắn nót: "Ở nhà là yêu nước, yêu cộng đồng, yêu gia đình và yêu chính mình". Dọc 2 bên ngõ là những lời kêu gọi chống dịch chân thành và tha thiết: “Không có việc cần thiết, xin đừng vào xóm chúng tôi”...
Bước vào căn nhà nhỏ nằm khiêm nhường ngay đầu bản Noong Nhai 1, nơi mà mấy ngày qua ông Tòng Trung Tiến vẫn say sưa thả hồn theo từng nét chữ để cho ra những thông báo, khẩu hiệu lạ mắt. Người đàn ông trung niên, nhỏ nhắn ngồi lọt thỏm giữa bút, mực và những chồng giấy bạt được cắt gọn gàng theo nhiều kích cỡ. Theo như lời ông Tiến thì cắt như thế sẽ tiết kiệm, viết được nhiều khẩu hiệu, thông báo hơn và tuyên truyền đến được với nhiều người hơn.
Chỉ cho chúng tôi xem những khẩu hiệu còn chưa kịp đi treo hết, ông Tiến bảo: Hơn tháng nay, ngày nào cũng nghe đài, đọc báo, xem ti vi đưa tin, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, mỗi hôm số người mắc lại tăng lên, nghĩ mà sốt ruột. Tôi cũng thấy ở nhiều nơi cũng có rất nhiều người chung tay cùng chính quyền chống dịch nên tôi bằng khả năng của mình cũng muốn được góp sức làm việc gì đó có ích cho xã hội. Mặc dù ở bản, ông Tiến chỉ làm công an viên nhưng khi nghe thông điệp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi đến toàn dân: “Tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó”, ông đã nghĩ ngay đến việc mình sẽ phải làm. Bởi từ thông điệp của Thủ tướng, ông đã hiểu điều cần thiết để phòng dịch lúc này là người dân hạn chế ra đường, không tụ tập đông người và không đi từ nơi này đến nơi kia. Nghĩ là làm, ông đi mua bút, mực, xin những tấm bạt cũ rồi bắt tay vào việc, cắt và viết.
Đọc nội dung đã được viết trên những chiếc băng rôn thấy vừa gần gũi lại vừa lạ mắt: “Xin thông cảm, từ nay đến 15-4-2020, không có việc cần thiết xin đừng vào xóm chúng tôi! Chúng tôi cũng sẽ làm như vậy, Trân trọng cảm ơn!”. Thấy chúng tôi chăm chú đọc, ông Tiến chia sẻ: Mặc dù viết như vậy hơi dài dòng một tí là vì bà con trong xóm chủ yếu đồng bào dân tộc Thái, không phải ai cũng biết thời gian cách ly toàn xã hội nên trình bày như thế để giải thích cho bà con hiểu. Còn khẩu hiệu “Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng” thì dù bà con đã nghe nhiều rồi nhưng vẫn phải nhắc lại để mọi người thường xuyên thực hiện.
Tiễn chúng tôi ra đầu ngõ, ông Tiến nói vẻ phân trần: Vì sợ ảnh hưởng mỹ quan chung nên tôi chỉ dám gắn khẩu hiệu này trên cột chỉ đường, nhưng được bà con trong bản đồng lòng ủng hộ nên tôi đã viết thêm và dán thêm trên các tường nhà. Nhiều gia đình còn xin thêm khẩu hiệu đem về treo ở cổng, ở tường nhà họ nữa. Cũng theo đề nghị của bà con trong bản, tôi đã làm thêm chiếc băng rôn lớn để treo ngang ngõ. Vừa nói ông vừa chỉ tay lên chiếc băng rôn ở đầu ngõ có nội dung: “Ở nhà là yêu nước, yêu cộng đồng, yêu gia đình và yêu chính mình”.
Bài, ảnh: VĂN THÀNH CHƯƠNG