Người vực dậy nghề dệt lụa Phùng Xá
Ở xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội – nơi từng được mệnh danh là 'thủ phủ dâu tằm của miền Bắc' – có một người phụ nữ mà tên tuổi của bà gắn liền với sự hồi sinh của nghề tổ nơi đây. Bà là nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, 69 tuổi, ở đội 13, thôn Hạ – người có tiếng là lắm đam mê nhiều ý tưởng.Hiện nay nghề dệt truyền thống ở Phùng Xá đã hồi sinh. Toàn xã hiện có khoảng 1.700/2.230 hộ gia đình chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm… Khoảng 4.500 lao động trên địa bàn và 2.000 lao động vùng lân cận có việc làm với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Giá trị kinh tế làng nghề chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế toàn xã.
Nhiều lần ngồi quan sát con tằm làm tơ, kéo kén ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào, bà Phan Thị Thuận ở thủ phủ dâu tằm Phùng Xá bỗng có sự so sánh. Rõ ràng, con tằm dệt ra cho mình một chiếc vỏ bền chặt mà không kỹ thuật dệt tay nào của con người có thể đạt được. Bà Thuận nảy ra ý tưởng huấn luyện những con tằm thành những “thợ dệt” lên những tấm mền (chăn) tơ.
Từ mền bông tằm tự dệt…
Bà Thuận nghĩ rồi làm ngay. Thay vì để tằm bò tự do nhả tơ, cuộn tròn kén như thông thường, bà Thuận canh thời điểm tằm nhả tơ rồi bắt từng con xếp chúng vào vị trí mong muốn để chúng thả tơ. Hàng chục ngàn con tằm cùng nằm trên một mặt phẳng chăm chỉ nhả ra từng sợi tơ kết vào nhau, trải qua 12 công đoạn nghiêm ngặt, cuối cùng đã tạo ra một sản phẩm đặc biệt.
Một tấm thảm với kích thước 8 mét vuông cần 30 ki lô gam tằm chín. Sau ba đến bốn ngày tằm tự dệt, lớp thảm có lớp keo bao cứng. Bà cho vào nồi luộc trong ba ngày rưỡi đến bốn ngày vừa để tiệt trùng vừa để xả lớp keo. Cuối cùng là may hoàn thiện thành chiếc mền. Mỗi chiếc mền thường phải dùng hết 45 ki lô gam tằm. Vào năm 2012, chiếc mền đầu tiên do con tằm tự dệt đã được giới thiệu đến công chúng.
Theo lời bà Thuận, việc biến con tằm thành “thợ dệt” thuần thục rất kỳ công. Thông thường, con tằm nhả tơ làm thành tổ kén che chắn cho nó nên chúng miệt mài kéo tơ. Khi làm “thợ dệt” phải nằm trơ thân trên một mặt phẳng để dệt chúng tỏ ra sợ sệt khi gặp phải tia sáng, tiếng động hay một làn gió thổi qua. Vì vậy, nhà kéo tơ của tằm phải được thiết kế kín để không có tiếng động, ánh sáng, gió lùa vào.
Vào đêm đầu tiên con tằm nhả tơ dệt thảm, phải có người trực liên tục. Nếu tằm chết, phải nhặt tằm khỏi lưới, lau vết nước do tằm để lại bằng bông khô. Theo bản năng, các con tằm thường chồng sát lên nhau, kéo tơ quanh thân mình để tạo kén. Người canh phải nhặt các con tằm ra, san đều chúng, không để con này chồng lên con kia, kéo kén phủ lên người nhau tạo ra những vệt lồi lõm trên tấm thảm. Ngay cả làm khung thảm cũng cần chú ý, khung không có biên mà hoàn toàn là mặt phẳng. Vì nếu khung có biên, các con tằm sẽ dựa vào biên, kéo kén đúng theo bản năng.
Ngoài ra, vào mùa thu, một con tằm chứa trong bụng khoảng 400-450 mét tơ, còn vào mùa hè thì tằm chứa trong bụng khoảng 300 mét tơ. Từ đó, bà Thuận cũng phải tính toán khoảng cách thích hợp để cho con tằm vươn cổ, nhả tơ vừa tầm mà không vướng vào nhau. Tơ con này cuốn vào con kia sẽ đan thành các lớp lang dày như những chiếc kén được cán phẳng. Khi hết chu kỳ nhả tơ cũng có nghĩa là đã hoàn thành sản phẩm.
Nhiều ưu điểm vượt trội
Lê Vân Nam, con trai bà Phan Thị Thuận, chia sẻ: “Giai đoạn đầu không ai tin, vì tập tính con tằm là đan tơ thành áo kén để bảo vệ cơ thể, nhưng bây giờ bắt nó làm ra dạng phẳng để làm mền bông thì nghe còn mơ hồ lắm. Thế nhưng mẹ tôi kiên trì, sau hai năm thử nghiệm, thất bại cũng nhiều. Cuối cùng bà điều khiển nó làm được theo ý mình”.
So với việc sản xuất mền bông theo kiểu truyền thống thì loại do tằm tự dệt có rất nhiều ưu điểm vượt trội, Lê Vân Nam nói. Nếu làm mền bông truyền thống phải mất 15 nhân công, còn với mền do tằm dệt thì chỉ mất sáu nhân công. Mền bông tằm dệt bền, có độ đồng nhất cao, không có máy móc nào có thể làm được tinh xảo như vậy. Đặc biệt, loại mền bông này xốp, nhẹ, đắp ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè; lại chắc, bền, dùng một thời gian dài cũng không bị co rút hay vón cục.
Mền tằm dệt không có giá bán cố định mà phụ thuộc vào chiều dài, chiều rộng, độ dày mỏng và được bán theo cân nặng với giá 4 triệu đồng mỗi ki lô gam. Một chiếc mền bông tằm dệt 2 ki lô gam, tính thêm tiền công hoàn thiện, tiền lụa nữa sẽ có giá bán khoảng 11 triệu đồng. So ra, giá bán mền tằm dệt cao gấp 2-2,5 lần giá bán mền bông truyền thống nhưng không phải đặt mua là có.
Ngoài mền bông tằm dệt, nhà bà Thuận còn cho ra lò loại áo chần bông, áo bông tơ tằm nhẹ, mượt mà, ấm áp có khả năng hút ẩm, chống tĩnh điện rất tốt tạo cảm giác thông thoáng dễ chịu cho người dùng. Áo bông tơ tằm có giá bán khoảng 2-3 triệu đồng/chiếc.
Việc huấn luyện thành công con tằm tự dệt của bà Phan Thị Thuận đã đạt giải nhất “Đề tài sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 6” năm 2015 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương xét chọn. “Mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt” của bà được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền sáng chế, hữu ích năm 2016. Năm 2020, sản phẩm khăn lụa tơ tằm, mền bông tơ tằm của bà được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao của thành phố Hà Nội.
…đến kéo tơ sen dệt lụa
Ở Việt Nam, diện tích trồng sen rất nhiều, hoa sen được xem là quốc hoa nhưng người Việt mới chỉ ngắm hoa sen, dùng sen ướp trà chứ chưa biết rằng nó còn có thể làm được lụa. Năm 2016, bà Phan Thị Thuận, khi ấy là Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, đã nhận lời đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh tham gia đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen” do Viện Kinh tế sinh thái (Bộ Khoa học và Công nghệ) thực hiện.
Vào lúc đó, bà Thuận chỉ biết rằng dệt lụa từ sợi sen rất phổ biến ở Myanmar, còn ở Việt Nam chưa có người nào làm. Bản tính ưa thích làm những điều mới mẻ một lần nữa lại thôi thúc bà Thuận bắt tay vào việc. Bà Thuận mua hồ trồng cây sen hồng (tên khoa học: Nelumbo nucifera) và bắt đầu nếm mùi vị khó nhằn của chuyện kéo sợi sen.
Mỗi ngày, bà và các cộng sự bơi thuyền ra hồ cắt cọng sen về rửa sạch, tuốt gai, ngâm vào xô nước cho tươi rồi phải kéo sợi ngay trong vòng 24 giờ để sợi không khô giòn, dễ đứt. Để tối ưu hóa công việc, cọng sen sẽ được chia làm ba phần. Phần ngọn sẽ là phần non nhất, nhiều tơ, dễ bẻ nên sẽ làm đầu tiên. Tiếp đến là phần gốc sẽ già hơn phần ngọn một chút nên làm ở công đoạn hai; còn phần ở giữa sẽ là phần già nhất, ít tơ nhất và bẻ cũng khó nhất nên để làm sau cùng.
Người thợ ngồi trước một cái bàn gỗ dài, một tay cầm một bó chừng năm, sáu cọng sen, một tay cầm con dao nhỏ, cắt từng đoạn chừng 3-4 cen ti mét, nhẹ nhàng kéo hai đầu cọng sen để rút những sợi tơ mong manh như tơ nhện đặt lên mặt bàn miết nhẹ để bện lại với nhau, quy trình lặp lại đến khi tơ đủ dày.
Để sợi tơ không chỗ to chỗ nhỏ, người vê sợi cần phải đều tay và thật mềm mại. Ban đầu, sợi sen còn ướt dễ dính và rối, bà Thuận đã nghĩ ra cách trộn lẫn hạt ngô khô vào để sợi sen không bị dính và rối. Mọi công đoạn đều rất tỉ mỉ và thủ công. Khi cho sợi lên cuộn cần phải đều tay, sau đó cho lên máy để làm cho sợi khô và se lại. Sợi sen nguyên chất thu về sẽ có màu trắng đục. Lúc này mới đến phần việc của thợ dệt.
Một người thợ chăm chỉ, thạo nghề một ngày kéo tơ được từ 200-250 cuống (30 ki lô gam), se được 250 mét tơ. Một người thợ dệt giàu kinh nghiệm cũng chỉ dệt được một mét vải tơ sen mỗi ngày.
Tháng 7-2018, sau rất nhiều nỗ lực, sản phẩm lụa từ tơ sen đầu tiên của bà Thuận cùng với các cán bộ của Viện Kinh tế sinh thái thực hiện đã thành công. Tiếp đó, năm 2019, bà Thuận ra mắt khăn lụa tơ sen. Đây cũng là mặt hàng được Chính phủ Việt Nam lựa chọn mang tới Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản làm quà tặng cho khách quốc tế.
Trung bình một chiếc khăn làm từ tơ sen có giá bán hơn 8 triệu đồng và chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng, hoặc phục vụ các dòng khách cao cấp, khách nước ngoài. Lụa sen của bà đã được sử dụng trên những sản phẩm may đo cao cấp của thương hiệu thời trang Giovanni. Sản phẩm từ tơ sen của bà đã có mặt ở nhiều quốc gia, như Pháp, Mỹ, Nhật Bản…
Vực dậy nghề tổ
Ông Vũ Văn Chùy, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá, cho biết: Làng nghề dệt lụa ở xã Phùng Xá ra đời từ năm 1929. Những năm 1970 của thế kỷ 20, nơi đây từng được mệnh danh là “thủ phủ dâu tằm của miền Bắc” với hàng chục ngàn héc ta ruộng dâu trải dài qua nhiều làng xã ven sông Đáy. Nghề dệt Phùng Xá phát triển nhất từ năm 1986-1990. Thời gian này, làng có hàng trăm hộ làm nghề dệt, sản phẩm đa dạng như lụa, satin, khăn bông… Sản phẩm không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là xuất khẩu sang Liên Xô cũ.
Nhưng rồi, năm 1991, Liên Xô tan rã, nhiều HTX dệt ở Phùng Xá phải giải thể do sản phẩm không có đầu ra tiêu thụ; sản phẩm lụa tơ tằm không thể cạnh tranh được về giá cả với các mặt hàng dệt may khác. Toàn bộ diện tích trồng dâu trong xã bị phá bỏ để chuyển sang trồng các loại cây, hoa màu khác; hàng loạt thợ bỏ nghề.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có ba đời làm nghề dệt lụa, được truyền nghề từ lúc sáu tuổi, vì vậy, với bà Phan Thị Thuận (sinh năm 1954), cây dâu, nong tằm, nong kén gắn bó với bà như máu thịt. Chứng kiến nghề truyền thống lụi tàn, bà không cam lòng. Bà quyết tâm giữ lại nong tằm nhà mình và bỏ nhiều công sức đi vận động, tổ chức các hộ nuôi tằm để gìn giữ nghề.
“Để có lá dâu cho tằm ăn, tôi từng phải đi xin, nhặt nhạnh từng lá dâu ở các bờ rào, có khi đạp xe hơn 20 cây số xuống tận nông trường Thanh Hà (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) để lấy lá dâu về cho tằm ăn”, bà Thuận nhớ lại. Bà Thuận cho hay, nhờ công việc làm kế toán tổng hợp của Hợp tác xã Phùng Xá nên bà biết cách tính năng suất dự kiến cho lá của từng sào dâu, nuôi được bao nhiêu con tằm, tạo ra bao nhiêu cân kén, cân tơ, cân nhộng…
“Tôi chỉ ra cho bà con thấy rằng, nếu đi làm thuê thì phải hết tháng mới được trả lương, còn nuôi dâu tằm thì chỉ cần 20 ngày là đã có thu nhập. Đây là một quy trình khép kín, thân thiện với môi trường, tạo thu nhập ổn định, lại phù hợp với lao động ở các độ tuổi nên đó chắc chắn là hướng phát triển bền vững”, bà Thuận kể.
Thuyết phục được dân làng giữ nghề, bà Thuận lại tất tả ngược xuôi tìm đầu mối để tiêu thụ sản phẩm, ký gửi sản phẩm sang Thái Lan, móc nối với các thương lái Trung Quốc để đưa hàng sang Trung Quốc…
“Nhưng tất cả đều bấp bênh, phụ thuộc vào các thương lái. Lúc thương lái không nhập xe Dream Thái về nữa thì các mặt hàng tơ tằm cũng dừng bán; Trung Quốc thì cứ hai năm mua xong lại dừng. Đã vậy, khi lụa tơ tằm Trung Quốc tràn vào, lụa Việt Nam rất khó cạnh tranh. Nhiều lúc giá kén bán ra ế sưng, giảm chỉ còn 4.000-5.000 đồng/ki lô gam. Bởi vậy, người nuôi tằm tơ Mỹ Đức lại một lần nữa thêm lao đao”, bà nhớ lại.
Chính từ những khó khăn đó mà bà phải mày mò tìm cách để làm sao có được sản phẩm tơ tằm thật đặc biệt, vừa đánh bại được hàng Trung Quốc, vừa xuất khẩu được. Từ đó, dân làng mới sống được bằng nghề. Niềm đam mê và sự sáng tạo không mệt mỏi của bà đã cho trái ngọt.
Hiện tại, bà Thuận có vùng nguyên liệu trồng dâu rộng 50 héc ta, nhà xưởng rộng 300 mét vuông với 20 công nhân làm việc thường xuyên và 50 hộ dân nhận gia công. Các sản phẩm đa dạng của công ty như vải tơ tằm (lụa hoa, lụa trơn, đũi…), chăn tơ tằm tự dệt, lụa tơ sen… được tiêu thụ rộng rãi ở trong nước; được đăng ký thương hiệu độc quyền với tên quốc tế là silk4world và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Đức, Thái Lan, Pháp, Mỹ….
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nhận xét: “Không chỉ có công vực dậy nghề truyền thống, mà từ những sản phẩm độc đáo từ tơ tằm và tơ sen giàu tính sáng tạo của mình, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nâng tầm nghề dệt lụa truyền thống của quê hương Phùng Xá. Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức của gia đình bà đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong vùng, với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng”.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nguoi-vuc-day-nghe-det-lua-phung-xa/