Nguồn cung lúa gạo bắt đầu gia tăng

Giá lúa, gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua hầu hết đi ngang bởi nguồn cung từ vụ Hè Thu bắt đầu gia tăng.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Bùi Giang- TTXVN

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Bùi Giang- TTXVN

Giá lúa xuất khẩu vẫn giữ ở mức 397 USD/tấn, trong khi giá gạo tại các trung tâm xuất khẩu lớn của châu Á giảm nhẹ.

Theo Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, tuần qua, giá lúa khô loại IR 50404 ở Vĩnh Long là 6.600 đồng/kg; còn ở Đồng Tháp là 7.000 đồng/kg; Hậu Giang là 8.200 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg;

Với OM18, tại Cần Thơ là 7.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Sóc Trăng là 8.200 đồng/kg; Hậu Giang là 8.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg…

Với lúa Jasmine, tại Cần Thơ là 8.400 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg; Tiền Giang là 7.300 đồng/kg…

Lúa Đài thơm 8 ở Sóc Trăng là 7.900 đồng/kg; ST 25 tại Cần Thơ là 9.500 đồng/kg.

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang, giá một số loại lúa tươi được thương lái thu mua như: lúa Đài Thơm 8 dao động ở mốc 6.800 - 7.000 đồng/kg; lúa OM 18 từ 6.800 - 7.000 đồng/kg; lúa IR 50404 ở mức từ 5.300 - 5.500 đồng/kg; lúa OM 380 từ 5.400 - 5.600 đồng/kg; giá lúa OM 5451 dao động mốc 5.900 - 6.200 đồng/kg; lúa OM 380 từ 5.500 - 5.800 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 từ 6.650 - 6.750 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 13.000 – 15.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 16.000 – 18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; gạo Sóc thường dao động ở mốc 17.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 20.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg…

Giá gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 8.300 – 8.400 đồng/kg, gạo thành phẩm IR 504 từ 9.500 – 9.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 từ 8.00 – 8.100 đồng/kg; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở mức 8.800 - 9.000 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 7.150 – 9.000 đồng/kg. Giá cám khô ở mức 8.000 – 9.000 đồng/kg.

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang tiến hành kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh bán gạo ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, phát hiện gạo có vấn đề bất thường. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu gạo nói trên để kiểm tra và sẽ sớm có kết luận.

Bởi, trước đó, theo phản ảnh của một hộ dân đã mua gạo và trên bao bì ghi “Một buội đỏ” hiệu con ong. Sau nhiều ngày nấu cơm ăn cũng không phát hiện gì, đến khi hộ dân này ngâm gạo để xay bột làm bánh thì phát hiện gạo sau khi ngâm khoảng 30 phút phát hiện nhiều hạt gạo nở mềm hơi nhớt; dùng 2 ngón tay bóp nhẹ cũng giống như hạt cơm đã chín thông thường.

Về sản xuất, tính đến ngày 12/5, theo số liệu của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch dứt điểm 1,508 triệu ha với năng suất 72 tạ/ha, sản lượng ước 10,86 triệu tấn lúa.

Với vụ Hè Thu 2025, các tỉnh trong khu vực cũng đã xuống giống được 1,012 triệu ha/1,482 triệu ha diện tích kế hoạch, đã bắt đầu thu hoạch được khoảng 83.000 ha.

Về xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 397 USD/tấn trong tuần qua, gần như không đổi so với mức 398 USD/tấn của tuần trước.

Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định nguồn cung từ vụ Hè Thu đang tăng lên, nhưng các công ty chế biến và xuất khẩu chưa vội vàng mua vào do nhu cầu bên ngoài yếu.

Còn trên thị trường gạo châu Á, giá gạo tại các trung tâm xuất khẩu lớn cũng giảm trong tuần này do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng. Đáng chú ý, giá gạo Ấn Độ áp sát mức thấp nhất trong gần hai năm.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức từ 384 - 391 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, trong khi gạo trắng 5% tấm có giá từ 378 - 385 USD/tấn.

Một thương lái tại New Delhi cho biết giá đang ổn định sau một đợt điều chỉnh mạnh trong hai tháng qua. Ông hy vọng sự ổn định này sẽ thu hút người mua quay trở lại thị trường sau một thời gian “án binh”.

Gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 410 USD/tấn trong tuần này, giảm nhẹ so với mức 420 USD/tấn của tuần trước. Các nhà giao dịch cho rằng nguyên nhân của sự giảm giá này là do tỷ giá hối đoái, đồng thời cho biết nhu cầu nhìn chung đã khá trầm lắng trong một thời gian. Mặt khác, một thương lái tại Bangkok cho hay nguồn cung dồi dào cũng góp phần gây áp lực giảm giá.

Thị trường nông sản Mỹ cho thấy, giá lúa mỳ, đậu tương và ngô kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đồng loạt giảm trong phiên ngày 16/5.

Nông dân kiểm tra đậu tương tại một nông trại ở Iowa, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nông dân kiểm tra đậu tương tại một nông trại ở Iowa, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, giá đậu tương giao tháng 7/2025 đóng cửa giảm 1,25 xu Mỹ xuống còn 10,50 USD/bushel. Trong tuần này, đậu tương đã có thời điểm đạt mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 7/2024, nhờ xu hướng giảm leo thang căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung.

Giá ngô giao tháng 7/2025 giảm 5 xu Mỹ xuống còn 4,435 USD/bushel.

Điều kiện gieo trồng và sinh trưởng thuận lợi cho cây ngô và đậu tương ở vùng Trung Tây của Mỹ đã gây áp lực lên giá các mặt hàng này.

Trong phiên 16/5, giá lúa mỳ giao tháng 7/2025 giảm 7,75 xu Mỹ xuống còn 5,25 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương=27,2 kg; 1 bushel ngô=25,4 kg).

Các thương nhân cho biết triển vọng thu hoạch lúa mỳ thuận lợi của Mỹ đã lấn át lực đẩy từ nhu cầu xuất khẩu tăng và các mối đe dọa đối với vụ lúa mỳ của Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết lượng lúa mỳ xuất khẩu của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 8/5 đạt tổng cộng 804.800 tấn, vượt kỳ vọng của các nhà phân tích.

Bên cạnh đó, Trung Quốc mới đây đã đưa ra cảnh báo nguy cơ cao có gió nóng, khô trong tuần tới có thể gây thiệt hại cho vụ lúa mỳ Đông ở các khu vực sản xuất chính, bao gồm cả Hà Nam.

Sản lượng tại Kansas, bang trồng lúa mỳ hàng đầu của Mỹ, được dự báo sẽ đạt mức cao nhất trong bốn năm nhờ lượng mưa thuận lợi.

Về thị trường cà phê thế giới, trong phiên giao dịch ngày 16/5, giá cà phê trên sàn London và New York đồng loạt giảm mạnh.

Cụ thể, giá cà phê robusta giao tháng 7/2025 trên sàn London tiếp đà giảm 106 USD/tấn, hay 2,13%, xuống mức 4.865 USD/tấn. Cùng chiều đi xuống, giá cà phê arabica giao cùng kỳ trên sàn New York giảm 9,35 xu Mỹ/Ib, hay 2,49%, xuống mức 365,65 xu Mỹ/Ib (1 lb=0,4535 kg).

Theo Reuters, áp lực giảm giá cà phê toàn cầu xuất phát từ nguồn cung dồi dào, khi cà phê robusta đang được thu hoạch ồ ạt tại Indonesia và Brazil.

Còn tại Việt Nam, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên ngày 17/5 dao động trong khoảng 125.900 – 126.200 đồng/kg, tăng nhẹ 200 đồng/kg ở một số tỉnh thành sản xuất trọng điểm.

Cụ thể, giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh tăng 200 đồng/kg so với ngày hôm qua, lên mức 125.900 đồng/kg. Giá cà phê tại Đắk Lắk cũng tăng 200 đồng/kg và được giao dịch ở mốc 126.200 đồng/kg.

Còn tại hai tỉnh Đắk Nông và Gia Lai, giá cà phê hôm nay giữ ổn định ở mức 126.200 đồng/kg và 126.000 đồng/kg.

Bích Hồng - Khánh Ly/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nguon-cung-lua-gao-bat-dau-gia-tang/373987.html