Siết quản lý kinh doanh gạo

Cùng với ổn định sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng, kiểm soát chặt điều kiện kinh doanh gạo được coi là những giải pháp quan trọng để xuất khẩu gạo Việt Nam bền vững.

Giá gạo xuất khẩu phục hồi

Sau giai đoạn sụt giảm đầu năm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã phục hồi rõ rệt trong những ngày đầu tháng 5, đặc biệt ở phân khúc gạo 5% tấm. Diễn biến tích cực này đang thắp lên nhiều kỳ vọng cho cả DN xuất khẩu lẫn người trồng lúa, trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt và nhu cầu thị trường toàn cầu dần tăng cao trở lại.

Từ cuối tháng 5 đến nay, giá gạo xuất khẩu Việt Nam phục hồi rõ rệt. Ảnh minh họa

Từ cuối tháng 5 đến nay, giá gạo xuất khẩu Việt Nam phục hồi rõ rệt. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 18/5, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 397 USD/tấn, cao hơn so với mức giá của Ấn Độ và Pakistan. Ở phân khúc cao cấp, gạo OM5451 và OM18 đang được giao dịch với giá từ 500 - 530 USD/tấn. Đặc biệt, các dòng gạo đặc sản như: ST25 hay gạo hữu cơ tiếp tục giữ mức giá cao, dao động từ 800 - 200 USD/tấn. Như vậy, giá bình quân gạo xuất khẩu Việt Nam hiện duy trì trên 500 USD/tấn (quy đổi giá khoảng 12.000 đồng/kg).

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam nhận định, đà phục hồi giá gạo hiện nay phần lớn xuất phát từ yếu tố cung cầu. Vụ Đông Xuân, vụ lúa lớn nhất trong năm đã bước vào giai đoạn cuối, lượng lúa còn lại trên đồng chỉ khoảng 10 %. Trong khi đó, vụ Hè Thu dự kiến đến tháng 7 - 8 mới bắt đầu thu hoạch, khiến nguồn cung trong ngắn hạn tương đối hạn chế.

Song song đó, nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu lớn như: Philippines, Trung Quốc, châu Phi và khu vực Trung Đông đang có dấu hiệu phục hồi sau giai đoạn tạm ngưng giao dịch để theo dõi biến động giá. Hiện nay, nhu cầu mua gạo không hề giảm, chỉ là người mua đang chờ mức giá hợp lý và phản ứng từ các nước xuất khẩu lớn.

“Mặc dù giá gạo xuất khẩu hiện tại đang ở mức có lợi nhuận cho DN, nông dân nhưng nhiều DN vẫn chưa vội vàng chốt đơn hàng. DN đang kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục cải thiện, đặc biệt trong phân khúc gạo trung và cao cấp sẽ còn tăng giá trong thời gian tới, khi đó mới tung hàng ra thị trường.” – ông Đỗ Hà Nam cho hay.

Mở rộng thị trường, đưa hoạt động kinh doanh gạo vào nề nếp

Trước những diễn biến thị trường lúa gạo hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, vấn đề mở rộng thị trường mới song song với thị trường truyền thống cần tiếp tục được thực hiện. Theo đó, các thị trường truyền thống phải duy trì, bởi đây là những thị trường có khối lượng mua rất lớn.

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh Phạm Hùng

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh Phạm Hùng

Bên cạnh đó, các DN cần tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn, thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa với các phân khúc sản phẩm của Việt Nam, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc (gạo chất lượng cao, gạo thơm đặc sản giá trị cao như ST24, ST25); Trung Đông, châu Phi, ASEAN (gạo trắng).

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu gạo trong năm 2025, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, dù thị trường thế giới có nhiều biến động nhưng gạo Việt Nam vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh nhờ chất lượng ổn định và khả năng thích ứng cao của DN trong nước.

Trong bối cảnh nguồn cung từ các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ và Thái Lan có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết và chính sách điều hành, Việt Nam cần chủ động bám sát diễn biến thị trường để đưa ra chiến lược điều hành linh hoạt, đồng thời tiếp tục mở rộng thị trường, khai thác tốt các thị trường mới nổi.

Đề cập về giải pháp nâng hiệu quả quản lý trong kinh doanh mặt hàng gạo, chuyên gia Nguyễn Trọng Thủy khuyến nghị, Bộ Công Thương cần rà soát điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Hiện Việt Nam có gần 160 thương nhân xuất khẩu, song nhiều DN có hợp đồng xuất khẩu gạo nhưng lại không có vùng nguyên liệu, dẫn đến việc mua bán trao đổi lẫn nhau giữa DN xuất khẩu với DN thương mại theo hình thức B và B’. Việc này làm rối loại thị trường.

Do đó, vấn đề quan trọng ở đây là Bộ Công Thương phải đưa ra được tiêu chuẩn cụ thể đối với DN xuất khẩu. Nếu DN không đáp ứng đủ tiêu chí, sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”. Các điều kiện DN xuất khẩu gạo có thể được đưa ra như: có vùng nguyên liệu ổn định đúng quy trình, tiêu chuẩn; có hệ thống sấy; có kho thu mua, lưu trữ bảo quản hạt thóc khi trở thành hạt gạo và chất lượng của hạt gạo khi xuất khẩu; thông tin của DN phải minh bạch.

Sau đợt kiểm tra 44 thương nhân xuất khẩu gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hồi cuối tháng 3/2025, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của 10 thương nhân. Như vậy, hiện tại, cả nước còn 152 thương nhân được giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Bộ Công Thương đang theo dõi sát hoạt động, thành tích của 152 thương nhân này.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/siet-quan-ly-kinh-doanh-gao.707239.html