Nguồn gốc và sự tích ngày vía thần Tài

Thần Tài được nhiều gia đình, chủ doanh nghiệp thờ cúng, cầu khấn, tuy nhiên không phải ai cũng biết ngày vía thần Tài mùng 10 tháng Giêng bắt nguồn từ đâu.

Mùng 10 tháng Giêng hằng năm là ngày vía thần Tài. Năm Ất Tỵ 2025, ngày vía thần Tài rơi vào thứ Sáu, ngày 7/2 Dương lịch. Đây là ngày mà nhiều người dân, đặc biệt là những người kinh doanh buôn bán, làm lễ cúng để được thần Tài ban tài lộc, cả năm làm ăn phát đạt, tiền bạc dồi dào.

Nguồn gốc ngày vía thần Tài

Có nhiều sự tích dân gian về thần Tài. Một trong những câu chuyện được lưu truyền nhiều nhất kể rằng thần Tài vốn chịu trách nhiệm cai quản tiền bạc, của cải ở thiên đình nhưng vì gây chuyện nên bị đuổi ra khỏi thiên đình, ngã xuống trần gian. Ở hạ giới, ông lang thang khắp nơi với bộ dạng nghèo khó và mất trí nhớ. Sau khi lưu lạc và ăn xin nhiều ngày, thần Tài được một người buôn bán nhỏ cho ăn uống. Để tỏ lòng biết ơn, ông giúp cửa hàng này buôn bán phát đạt hẳn lên. Vậy nên dân gian mới có câu "thần Tài gõ cửa".

Đến một ngày nọ, thần Tài nhớ ra mọi chuyện và bay về trời, hôm đó nhằm vào mùng 10, từ đó người dân cúng thần Tài vào ngày mùng 10 mỗi tháng để được ban tài lộc. Mùng 10 tháng Giêng - tháng đầu tiên trong năm - được coi là quan trọng nhất, các gia đình, hộ kinh doanh cầu khấn để được thần phù hộ cho một năm làm ăn thuận lợi. Ngày này được gọi là ngày vía thần Tài.

Ngày vía Thần Tài bắt nguồn từ đâu? (Ảnh: Pinterest)

Ngày vía Thần Tài bắt nguồn từ đâu? (Ảnh: Pinterest)

Một sự tích của Trung Quốc được chép trong "Sưu thần ký" kể lại rằng, có người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần ban cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Sau khi đem Như Nguyệt về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, trở nên giàu có.

Vào ngày mùng 1 Tết năm ấy, không biết vì lý do gì, Âu Minh tức giận đánh Như Nguyệt, cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà. Vợ Âu Minh không để ý nên khi quét nhà vô tình hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi. Từ đó về sau, nhà Âu Minh nghèo dần. Người ta nhận ra Như Nguyệt chính là thần Tài và lập bàn thờ để thờ.

Từ sự tích này mà nhiều gia đình kiêng quét nhà, hốt rác vào 3 ngày Tết vì sợ làm mất thần Tài ẩn trong đống rác, cũng vì thế mà bàn thờ thần Tài mà thường được đặt ở góc nhà.

Một truyền thuyết khác lại kể tằng thần Tài là Triệu Công Minh, người đã giúp Khương Tử Nha đánh Trụ Vương. Sau khi tử trận, Triệu Công Minh được phong làm Chính Nhất Long Hồ Huyền chân quân, thống lĩnh bốn vị thần trên trời là Chiêu Bảo - Nạp Trân - Chiêu Tài - Lợi Thị. Vì thế, ông có nhiệm vụ cai quản tiền bạc, của cải. Mọi người thường thờ cúng thần Tài để cầu mong tài lộc, may mắn sẽ đến với họ.

Theo một sự tích khác, thần Tài nguyên là Bố Đại La Hán, còn gọi là Nhân Yết Đà tôn giả ở Ấn Độ (là một trong 18 vị La hán). Ông là người chuyên bắt rắn, thường mang túi vải to trên lưng vào rừng bắt rắn độc, nhổ bỏ răng độc rồi thả rắn đi.

Người Trung Quốc cho là Bố Đại đầu thai tại nước Lương tên là Phó Đại Sĩ, tính tình vui vẻ, ăn mặc xộc xệch, vai mang cái túi vải to, ai cho gì cũng dồn vào túi rồi đem phân phát cho trẻ em. Do đó, tượng thần Tài thường đứng, có mang túi to, hai tay đưa thẳng lên trời cười thoải mái, tượng trưng cho sự may mắn, thành công.

Tập tục trong ngày vía thần Tài

Trong ngày vía thần Tài, người dân thường sửa soạn lễ cúng với các lễ vật cơ bản và mâm cỗ mặn chứa các món ăn quen thuộc tùy theo từng vùng miền. Ngoài ra, trong mâm cúng ngày vía thần Tài thường có bộ tam sên, còn gọi là tam sinh hay tam sanh, bao gồm 3 loại thực phẩm đại diện cho các loài bay trên trời, chạy trên đất và bơi dưới nước, thường là một miếng thịt heo (đại diện cho Thổ), một quả trứng luộc (đại diện cho Thiên), ba con tôm hoặc một con cua (đại diện cho Thủy).

Mâm cỗ cúng ngày vía thần Tài. (Ảnh: Huyền Bi)

Mâm cỗ cúng ngày vía thần Tài. (Ảnh: Huyền Bi)

Ngoài lễ cúng, nhiều người còn mua vàng để lấy may trong ngày này. Việc mua vàng không chỉ là một hình thức tiết kiệm mà còn là cách để "giữ của", "giữ lộc", hy vọng năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, hanh thông trong công việc và cuộc sống.

Bài văn khấn cúng thần Tài

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật! (vái 3 vái)

Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương. Kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần. Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân. Con kính lạy thần Tài vị tiền. Con kính lạy các ngài thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.

Tín chủ con là…

Ngụ tại…

Hôm nay là ngày mùng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ.

Tín chủ thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài thần Tài tiền vị. Cúi xin thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật! (vái 3 vái).

Nhật Thùy

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nguon-goc-va-su-tich-ngay-via-than-tai-ar924035.html