Nguồn lực xã hội đang 'chôn' vào đất, chảy vào vàng?

'Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị 'chôn' vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế', Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ rõ thực trạng. Đây là một trong nhiều điểm nghẽn cần phải tháo gỡ để phát triển kinh tế.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Nhiều hệ lụy

Đáng lo ngại, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn; số DN rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn DN) cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn DN); cầu nội địa và cầu quốc tế thấp cùng với tính cạnh tranh của hàng trong nước cao là những yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong lĩnh vực chế biến, chế tạo…

Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động. Xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy: người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ); nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của DN, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Không chỉ tiền “chôn” vào đất; nguồn lực sản xuất kinh doanh cũng đang suy giảm bởi dòng tiền đầu tư không nhỏ chảy vào vàng. Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới ghi nhận nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu của Việt Nam tăng 12% trong quý I/2024 (đây là con số tăng mạnh nhất trong gần 10 năm qua), với tổng nhu cầu tiêu dùng tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hội đồng Vàng thế giới, các nhà đầu tư Việt nam bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong quý I, đặc biệt khi đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao – được dự báo sẽ thúc đẩy lạm phát - và đồng nội tệ mất giá so với đồng USD.

Đà tăng giá vàng vẫn tiếp diễn, trong ngày giá vàng miếng SJC vượt đỉnh 92 triệu đồng/lượng (10/5), nhiều người dân đã đổ đi mua, dù tiệm vàng thông báo ngừng bán ra, hoặc nhà đầu tư chấp nhận bỏ tiền tỷ nhưng chỉ nhận giấy biên nhận và lấy vàng sau 10-15 ngày.

Cần hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá trong bối cảnh kinh tế bất ổn, vàng sẽ là kênh neo giữ tài sản, đó là lý do người dân tăng mua vàng. Song xét trong bối cảnh hiện nay kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ với nhiều dấu hiệu tích cực. “Vì sao nhu cầu về mua vàng trong dân lại tăng đột biến. Ai là người mua, tại sao họ cần vàng vào lúc này?”, ông Tú Anh đặt câu hỏi. Cơ quan quản lý cần phải giải được để bình ổn thị trường này.

Trong khi đó, dòng tiền đổ vào sản xuất kinh doanh lại cho thấy những dấu hiệu kém lạc quan. Khảo sát của VCCI cho hay, mức độ lạc quan của DN ở mức thấp so với những năm trước. Cụ thể, chỉ 27% DN cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong hai năm tiếp theo, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022. Con số 27% này cũng thấp hơn cả mức đáy trước đây là năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.

Dữ liệu khảo sát còn cho thấy tỷ lệ DN dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa DN trong khảo sát 2023 lên tới 16,2%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức cao kỷ lục 16,6% của khảo sát 2021 khi Việt Nam còn nằm trong tâm dịch COVID-19.

Dù đã có đơn hàng song nhiều DN sản xuất quyết định không mở rộng nhà máy; trong khi đó một số “ông lớn” có tiềm lực lại chọn chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản công nghiệp. Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ An Cường cho biết, năm nay công ty đã nhận đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 11 và đơn hàng trong nước cũng dự kiến đến hết tháng 8-9/2024.

Tuy vậy trước câu hỏi sắp tới An Cường có dự định xây thêm nhà máy để tận dụng cơ hội thị trường phục hồi, ông Nghĩa cho biết sau quãng thời gian đối mặt với COVID-19, khủng hoảng kinh tế và nhiều vấn đề xảy ra, DN này chưa có kế hoạch mở rộng, xây thêm nhà xưởng ít nhất là trong 5 năm tới.

Trước thực tế trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, tiếp tục có giải pháp hạ lãi suất cho vay. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản cùng với các giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu khiến sức cầu trong nước giảm mạnh, GS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân…

Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam, điều này đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu, từ đó phục hồi tổng cầu, tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

Bà Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế

Trong khi sản xuất èo uột thì nhà đầu tư lại lao vào bất động sản, điều đó cho thấy chính sách thời gian qua cực kỳ có vấn đề khi không hướng vào nơi cần đầu tư. Chúng ta nói khuyến khích tư nhân nhưng không khuyến khích vốn đầu tư vào chỗ cần thiết, tức là sản xuất. Tôi cho rằng, ở khu vực tư nhân thì cần tập trung thúc đẩy hình thành DN cỡ trung, chứ không chỉ nhắm tới cỡ lớn.

Ông Nguyễn Bá Hùng

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Cần các biện pháp kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước. Khi nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng lên sẽ tăng nhu cầu về tín dụng. Câu chuyện này cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nếu tăng trưởng tín dụng không đi vào sản xuất sẽ đi vào thị trường tài sản và tạo ra bong bóng. Cần sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Theo đó, chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn cần đi kèm với chính sách tài khóa mở rộng để thúc đẩy đầu tư trong nước tạo ra hoạt động sôi động trên thị trường hàng hóa dịch vụ, từ đó tạo ra nhu cầu tín dụng thực của người dân và DN.

Ông Lưu Công Thành

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh

Vẫn có những địa bàn còn trở ngại khiến DN gặp khó khăn về đầu tư tài chính, thiệt hại nằm chờ khơi thông thủ tục hành chính. Theo đó, phía DN mong muốn Quảng Ninh và các địa phương trên cả nước tiếp tục tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về khâu san lấp mặt bằng, giao mặt bằng sớm nhất cho DN. Mong muốn của chúng tôi khi đầu tư là DN và địa phương cùng thắng, thông qua môi trường kinh doanh lành mạnh.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nguon-luc-xa-hoi-dang-chon-vao-dat-chay-vao-vang-1099883.html