Nguồn năng lượng mới, kỳ vọng mới
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ngày 27/11 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được đánh giá là cần thiết, có cơ sở và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Một số quan điểm phát triển điện hạt nhân được nêu trong tờ trình gồm: Vì mục đích hòa bình, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường; gắn với phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng quốc gia.
Trước đó, Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII) cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Điện hạt nhân Ninh Thuận tái khởi động có vai trò là “viên gạch” đặt nền móng để Việt Nam từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân, đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ của đất nước.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được chuẩn bị điều kiện trên cơ sở Nghị quyết 41/2009/QH12 của Quốc hội (khóa XII). Sau đó, Chính phủ đã triển khai một số nội dung quan trọng như: Tổ chức khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng địa điểm xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; chuẩn bị đầu tư, cơ sở hạ tầng dự án; đào tạo nhân lực để quản lý, vận hành. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân khách quan, dự án dừng thực hiện theo Nghị quyết số 31/2016/QH14.
Bên cạnh các văn bản về chính sách phát triển năng lượng của Trung ương; về pháp lý, Việt Nam đã có Luật Năng lượng nguyên tử (năm 2008); dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này cũng đề cập tới chính sách phát triển điện hạt nhân.
Để tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong trường hợp được Quốc hội thông qua, còn rất nhiều việc phải làm. Đó là nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý phù hợp về điện hạt nhân; rà soát, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến điện hạt nhân; bổ sung Quy hoạch điện VIII. Đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, gắn với chương trình tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân. Nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, phù hợp tình hình thực tế và pháp luật hiện hành... Và một điều quan trọng nữa là thực hiện tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguon-nang-luong-moi-ky-vong-moi-post533288.html