Nguồn thu từ xuất khẩu vào các thị trường lớn của TPHCM sụt giảm
Khép lại một năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 kéo dài, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TPHCM trong năm 2021 giảm hơn một điểm phần trăm so với năm 2020. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực của thành phố như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… đều sụt giảm trong năm 2021.Tính chung năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước cả nước đạt 336,25 tỉ đô la, tăng 19% so với năm trước.
Kết quả này của TPHCM trái ngược hoàn toàn với kết quả chung về kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm 2021, với mức tăng đến 19% và những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong năm qua đều tăng.
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam phát biểu trực tuyến tại hội thảo. Ảnh: Thùy Dương
Thông tin này được ghi nhận tại Hội thảo “Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh Covid–19” vào ngày 18-1. Sự kiện do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) phối hợp với Sở Công Thương TPHCM tổ chức.
Các thị trường chủ lực đều sụt giảm
Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, dù TPHCM đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu nhưng do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển kinh tế thành phố trong năm vừa qua đều giảm so với năm 2020.
Riêng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố chỉ đạt 43,9 tỉ đô la, giảm hơn một điểm phần trăm so với năm 2020. Đáng chú ý là hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu của TPHCM đều có kim ngạch giảm như: Trung Quốc giảm 8,7%, Mỹ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và EU giảm 0,8%…
Về mặt hàng xuất khẩu, ngoại trừ các mặt hàng thuộc nhóm nông sản như gạo tăng 11,7%, cà phê tăng 9,3%, hạt điều tăng 13,3%, cao su tăng 48,6%, hạt tiêu tăng 61,1%… theo ông Tú, các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp, có kim ngạch xuất khẩu lớn đều giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể như sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 5,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 2,2%; sản phẩm dệt may giảm 21,4%; và sản phẩm giày dép giảm 24,8%…
Hiện nay, dù công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang được triển khai tốt với kết quả ngày càng khả quan; các doanh nghiệp đang từng bước khắc phục khó khăn, linh hoạt thích ứng trong điều kiện “bình thường mới”, nhưng theo đại diện Sở Công Thương, nhìn chung hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp khó có thể sớm phục hồi do còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, lao động, sức ép chi phí đầu vào gia tăng và sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào…
Bên cạnh đó, các vấn đề về nhân công, tài xế, kho bãi, giá cước vận tải biển tăng cao, tình trạng thiếu hụt container, thiết bị bốc dỡ và tàu chuyên chở vẫn đang khiến các chuỗi cung ứng đối mặt áp lực lớn. Đáng chú ý là tình hình dịch bệnh với biến chủng mới Omicron đang có chiều hướng diễn biến phức tạp tại Việt Nam và các nước trên thế giới; các thị trường xuất khẩu trọng điểm của thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung đang có xu hướng tăng cường áp dụng nhiều biện pháp để phòng chống dịch, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Ông Tú dẫn chứng như trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã tăng cường công tác phòng chống dịch, hạn chế hoạt động biên mậu với hàng hóa Việt Nam, hệ quả là nhiều hàng hóa xuất khẩu, nhất là hàng nông sản đã ùn ứ tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc, gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này.
Phí dịch vụ logistics tăng cao và container rỗng khan hiếm là một trong những trở ngại lớn của doanh nghiệp TPHCM xuất khẩu trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid 19. Ảnh minh họa: TL
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu
Trước bối cảnh trên, việc tổ chức Hội thảo trên ngay từ những ngày đầu năm 2022 được cho là kịp thời và có ý nghĩa để các chuyên gia, nhà quản lý, sở ngành, hiệp hội, doanh nghiệp cùng trao đổi, nhận diện về bối cảnh, những khó khăn, thách thức để có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Khó khăn và vướng mắc lớn được các doanh nghiệp nêu ra tại hội thảo là hoạt động logistics. Trước khi cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn ra, chuỗi cung ứng toàn cầu đã luôn trong tình trạng mong manh, dễ bị tổn thương và chỉ chực chờ một “mồi lửa” để đẩy các hoạt động trong chuỗi rơi vào tình trạng gián đoạn thậm chí đứt gãy. Và đại dịch Covid-19 đã phơi bày những lỗ hổng trong hoạt động quản lý chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp ở khắp nơi.
Hoạt động Logistics tại Việt Nam đóng vai trò then chốt cho tăng trưởng xuất nhập khẩu, đồng thời là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, dịch vụ này gặp nhiều khó khăn từ hoạt động hàng hải quốc tế. Giá cước tàu tăng cao và liên tục lập kỷ lục mới, thiếu rỗng, thiếu chỗ trên tàu, tình trạng kẹt cảng trên thế giới làm cho tổng hành trình của mỗi tàu đều kéo dài, thiếu hụt nguyên liệu sản xuất; phát sinh chi phí cho doanh nghiệp…
Từ những khó khăn nêu trên khiến các doanh nghiệp đã khó khăn nay còn thêm khó. Để giải quyết cần phải có sự chung tay vào cuộc của tất cả các thành phần trong chuỗi cung ứng, đặc biệt cần có sự quan tâm, định hướng từ các cấp lãnh đạo thành phố, lãnh đạo trung ương.
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp tại TPHCM. USAID thông qua Dự án Tạo thuận lợi thương mại” (Dự án USAID TFP) luôn xem TPHCM là đối tác chiến lược trong các hoạt động tạo thuận lợi thương mại.
Thông qua hội thảo, bà Ann Marie Yastishock hy vọng thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan; từ đó có các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và khắc phục những khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9,5%/năm trong giai đoạn 2021 – 2025 và 9%/năm trong giai đoạn 2026 – 2030. Kim ngạch xuất khẩu của thành phố đến năm 2025 ước đạt 70 tỉ đô la và đến năm 2030 đạt 108 tỉ đô la.
Cũng theo Đề án, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại thành phố hiện còn một số hạn chế. Trong đó, thủ tục hành chính của hải quan, kiểm tra chuyên ngành dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn bị doanh nghiệp đánh giá là chưa tiện lợi. Vì vậy, cải cách và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần được đẩy mạnh, nhất là trong định hướng phát triển TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ xuất khẩu của cả vùng phía Nam.
Tại hội thảo, đại diện Hải quan TPHCM thông tin về tình hình xuất nhập khẩu trong đại dịch Covid–19. Lãnh đạo Sở Công thương và Cục Hải quan chia sẻ, trao đổi với đại diện Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, Hiệp hội Logistics TPHCM và các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay và bàn các giải pháp tháo gỡ nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động, xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh Covid–19.
Mục tiêu tổng thể của Dự án USAID TFP là cải cách, chuẩn hóa, hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phù hợp với các chuẩn mục quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO TFA) và chủ trương của Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trong 6 địa phương được lựa chọn triển khai Dự án, TPHCM là địa bàn trọng điểm được USAID và Dự án quan tâm hàng đầu về tạo thuận lợi thương mại và thành lập Ban tạo thuận lợi thương mại tại địa phương. Thời gian qua, dự án USAID TFP đã triển khai các báo cáo “Cải thiện hoạt động thương mại và logistics tại cảng Cát Lái và khu vực lân cận tại TPHCM”; tổ chức các hoạt động đào tạo liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
Lê Hoàng