Nguy cơ Ấn Độ và Pakistan sử dụng vũ khí hạt nhân khi xung đột leo thang

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đang leo thang nghiêm trọng, làm dấy lên lo ngại toàn cầu về khả năng nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Khói bốc lên tại hiện trường một vụ nổ ở Rawalpindi, Pakistan ngày 10/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Khói bốc lên tại hiện trường một vụ nổ ở Rawalpindi, Pakistan ngày 10/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Căng thẳng đã leo thang như thế nào?

Theo trang Al Jazeera, xung đột lần này bắt nguồn từ vụ tấn công ngày 22/4 tại Pahalgam, khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến 25 khách du lịch và một hướng dẫn viên thiệt mạng. Nhóm vũ trang Mặt trận Kháng chiến (TRF) ban đầu nhận trách nhiệm, song sau đó phủ nhận liên quan. New Delhi lập tức cáo buộc Islamabad đứng sau vụ việc, trong khi Pakistan kịch liệt bác bỏ.

Kể từ đó, các hành động trả đũa liên tục diễn ra. Ban đầu chỉ là các biện pháp ngoại giao như hạ cấp phái đoàn, trục xuất công dân, nhưng nhanh chóng chuyển thành những cuộc không kích, pháo kích qua biên giới.

Ngày 7/5, Ấn Độ tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào các địa điểm ở Pakistan và vùng Kashmir do Islamabad kiểm soát, với lý do phá hủy các “cơ sở hạ tầng khủng bố”. Pakistan cáo buộc các cuộc tấn công này khiến ít nhất 31 dân thường, trong đó có hai trẻ em, thiệt mạng.

Chỉ một ngày sau, Ấn Độ tiếp tục đưa thiết bị bay không người lái (UAV) xâm nhập không phận Pakistan, bay qua nhiều thành phố lớn. Đáp lại, Islamabad tuyên bố đã bắn hạ UAV và phóng tên lửa vào Ấn Độ. Trong hai đêm liên tiếp, nhiều thành phố của Ấn Độ và khu vực Kashmir do New Delhi quản lý đã ghi nhận các vụ nổ, mà Ấn Độ cho rằng là nỗ lực tấn công từ Pakistan bị ngăn chặn.

Đến ngày 10/5, Pakistan khẳng định Ấn Độ đã phóng tên lửa vào 3 căn cứ quân sự của họ, và ngay sau đó tuyên bố đã trả đũa bằng việc tấn công ít nhất 7 căn cứ của Ấn Độ. New Delhi hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức trước những cáo buộc này. Đây được coi là bước leo thang đáng kể trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng, đẩy hai nước láng giềng Nam Á tới gần nguy cơ đối đầu quân sự quy mô lớn.

Khi Ấn Độ và Pakistan leo thang các cuộc pháo kích và tấn công bằng tên lửa, nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai nước trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết. Nhưng lần này, không chỉ 1,6 tỷ người dân của hai quốc gia này bị đe dọa – mà cả thế giới cũng đứng trước hiểm họa: Nếu xảy ra, đây sẽ là cuộc chiến tranh đầu tiên trong lịch sử giữa hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ông Dan Smith, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cảnh báo: “Sẽ thật ngu ngốc nếu cả hai bên sử dụng vũ khí hạt nhân. Khả năng đó rất thấp, nhưng không thể nói là không có”.

Kho vũ khí hạt nhân của hai nước: Cán cân mong manh

Ấn Độ tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào tháng 5/1974 và tuyên bố trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sau các cuộc thử nghiệm bổ sung vào năm 1998. Chỉ vài ngày sau, Pakistan cũng thực hiện sáu vụ thử hạt nhân, chính thức gia nhập “câu lạc bộ hạt nhân” toàn cầu.

Kể từ đó, cả hai quốc gia liên tục tăng cường kho vũ khí của mình. Ước tính, Ấn Độ hiện sở hữu hơn 180 đầu đạn hạt nhân, được triển khai trên các tên lửa tầm xa, tên lửa di động trên mặt đất và cả tàu chiến, tàu ngầm – một phần nhờ hợp tác với Nga.

Trong khi đó, Pakistan nắm giữ hơn 170 đầu đạn hạt nhân, chủ yếu gắn trên các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, với sự hỗ trợ công nghệ đáng kể từ Trung Quốc. Tầm bắn của các tên lửa này đủ để tấn công sâu vào lãnh thổ Ấn Độ.

Học thuyết hạt nhân của Ấn Độ

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-5 được phóng thử thành công tại đảo Wheeler, bang Orissa, Ấn Độ ngày 15/9/2013. Ảnh: AFP/TTXVN

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-5 được phóng thử thành công tại đảo Wheeler, bang Orissa, Ấn Độ ngày 15/9/2013. Ảnh: AFP/TTXVN

Ấn Độ xây dựng học thuyết hạt nhân từ năm 2003 và cho đến nay vẫn chưa sửa đổi chính thức. Học thuyết này dựa trên bốn nguyên tắc cơ bản:

· Không sử dụng trước (No First Use - NFU): Ấn Độ cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi bị tấn công hạt nhân trước. Ngoài ra, nước này cũng cam kết không dùng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia phi hạt nhân.

· Răn đe tối thiểu đáng tin cậy: Kho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công, không phải để gây chiến.

· Trả đũa ồ ạt: Trong trường hợp bị tấn công hạt nhân, Ấn Độ sẽ đáp trả bằng một đòn tấn công hạt nhân quy mô lớn, đủ sức hủy diệt tiềm lực quân sự của đối phương.

· Ngoại lệ cho vũ khí sinh học hoặc hóa học: Nếu vũ khí sinh học hoặc hóa học được sử dụng chống lại Ấn Độ, nước này có thể xem xét đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.

Theo cơ cấu kiểm soát hiện nay, chỉ có Thủ tướng Ấn Độ – với tư cách là người đứng đầu Hội đồng Chính trị của Cơ quan Chỉ huy Hạt nhân – mới có quyền cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân.

Chính sách hạt nhân của Pakistan

Tên lửa đạn đạo đất đối đất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Shaheen-1 của Pakistan được phóng thử tại một địa điểm bí mật. Ảnh: AFP/TTXVN

Tên lửa đạn đạo đất đối đất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Shaheen-1 của Pakistan được phóng thử tại một địa điểm bí mật. Ảnh: AFP/TTXVN

Pakistan chưa từng công bố chính thức chính sách đầy đủ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Cách tiếp cận này giúp nước này duy trì sự linh hoạt, có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở bất kỳ giai đoạn nào của xung đột – điều mà Pakistan từng nhiều lần đe dọa thực hiện trong quá khứ.

Các chuyên gia nhận định rằng ngay từ đầu, Islamabad đã cố tình giữ kín thông tin nhằm mục đích răn đe, không chỉ để đối phó với kho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ mà còn nhằm kiềm chế sức mạnh quân sự thông thường vốn vượt trội của nước láng giềng.

Năm 2001, Trung tướng (nghỉ hưu) Khalid Ahmed Kidwai – một chiến lược gia chủ chốt trong chính sách hạt nhân của Pakistan – đã tiết lộ bốn “lằn ranh đỏ” có thể khiến nước này sử dụng vũ khí hạt nhân.

· Ngưỡng lãnh thổ: Nếu Pakistan mất quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ lớn, nước này có thể phản ứng bằng vũ khí hạt nhân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa của căng thẳng với Ấn Độ.

· Ngưỡng quân sự: Nếu một phần lớn lực lượng không quân hoặc lục quân của Pakistan bị phá hủy hoặc tấn công, nước này có thể cân nhắc đáp trả hạt nhân.

· Ngưỡng kinh tế: Nếu nền kinh tế Pakistan bị kẻ thù làm tê liệt nghiêm trọng, vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng như một biện pháp cuối cùng.

· Ngưỡng chính trị: Nếu xảy ra bất ổn chính trị nghiêm trọng hoặc sự chia rẽ nội bộ trên diện rộng, Pakistan có thể xem đây là lý do để kích hoạt phản ứng hạt nhân.

Tuy nhiên, Pakistan chưa từng làm rõ cụ thể mức độ tổn thất về lãnh thổ, quân sự hay kinh tế cần đạt đến đâu thì mới thực sự kích hoạt các “lằn ranh đỏ” này.

Ấn Độ có sửa đổi lập trường hạt nhân?

Mặc dù trên lý thuyết Ấn Độ vẫn duy trì chính sách “Không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” (NFU), nhưng trong những năm gần đây, một số phát ngôn của các chính trị gia cho thấy lập trường này đang dần trở nên mơ hồ hơn – có thể để phản ứng với cách tiếp cận của Pakistan.

Năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ, ông Manohar Parrikar, đã đặt câu hỏi liệu Ấn Độ có nên tiếp tục tự ràng buộc với chính sách NFU hay không? Đến năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Rajnath Singh tuyên bố rằng Ấn Độ đến nay vẫn nghiêm túc tuân thủ NFU, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng mọi thứ có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh. Ông Singh nói: “Những gì xảy ra trong tương lai phụ thuộc vào tình hình”.

Việc Ấn Độ áp dụng lập trường linh hoạt hơn có thể được coi là hành động cân bằng tương ứng với Pakistan. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng sự mơ hồ chiến lược này là con dao hai lưỡi: Một mặt, nó có thể ngăn chặn đối thủ thực hiện những hành động liều lĩnh vì không chắc chắn về “lằn ranh đỏ”. Mặt khác, thiếu sự rõ ràng cũng có nguy cơ khiến các bên vô tình leo thang xung đột.

Chuyên gia Lora Saalman tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) nhận định:
“Nếu không hiểu rõ lằn ranh đỏ của đối phương, một quốc gia có thể vô tình vượt qua giới hạn, nhưng sự mơ hồ cũng có thể đóng vai trò như một yếu tố răn đe”.

Lập trường hạt nhân của Pakistan đã thay đổi?

Trong những năm gần đây, Pakistan đã có những bước đi rõ ràng hơn trong chính sách hạt nhân của mình. Nếu trước đây nước này giữ lập trường mơ hồ, thì hiện tại Islamabad đã công khai bác bỏ chính sách NFU.

Tháng 5/2024, cố vấn chỉ huy hạt nhân Pakistan, ông Khalid Ahmed Kidwai, khẳng định tại một hội thảo rằng nước này “không áp dụng chính sách Không sử dụng vũ khí hạt nhân trước”.

Ngoài ra, từ năm 2011, Pakistan đã phát triển một loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW) – những đầu đạn hạt nhân tầm ngắn, được thiết kế để sử dụng trên chiến trường nhằm tấn công quân đội đối phương với phạm vi phá hủy hạn chế hơn so với vũ khí hạt nhân chiến lược.

Năm 2015, Ngoại trưởng Pakistan khi đó, ông Aizaz Chaudhry, cũng xác nhận rằng các vũ khí TNW có thể được sử dụng trong trường hợp xảy ra chiến sự với Ấn Độ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng dù gọi là “vũ khí chiến thuật”, một số đầu đạn này có sức công phá lên tới 300 kiloton – mạnh gấp 20 lần quả bom nguyên tử đã tàn phá Hiroshima. Điều này không chỉ đe dọa gây ra thảm họa diện rộng mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư ở khu vực biên giới của chính Pakistan.

Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/nguy-co-an-do-va-pakistan-su-dung-vu-khi-hat-nhan-khi-xung-dot-leo-thang-20250510175722524.htm