Nguy cơ chiến tranh hạt nhân và nỗ lực tìm kiếm hồi kết cho xung đột ở Ukraine
Nhiều nhà phân tích đều đồng ý rằng đã đến lúc xây dựng hòa bình ở Ukraine. Chiến tranh, giống như hỏa hoạn, có thể vượt ngoài tầm kiểm soát bất kỳ lúc nào, nhất là khi nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân vẫn treo lơ lửng trong một cuộc xung đột tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường như hiện nay.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân
Trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Belarus, Tổng thống Putin đã thông báo Nga sẽ chuyển các tên lửa Iskander M cho Belarus. Những tên lửa này có thể mang các đầu đạn hạt nhân và động thái trên dường như giống với thỏa thuận chia sẻ hạt nhân giữa Mỹ với 5 đồng minh NATO gồm Bỉ, Hà Lan, Đức, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các vũ khí hạt nhân của Mỹ được giới thiệu ở châu Âu vào những năm 1950 như một biện pháp thu hẹp khoảng cách để bảo vệ các nước NATO khi các lực lượng theo quy ước của họ vẫn còn yếu. Số lượng vũ khí hạt nhân ở 5 quốc gia trên đã đạt đến đỉnh điểm là 7.300 đầu đạn vào những năm 1960 và sau đó giảm xuống còn khoảng 150 đầu đạn ngày nay. Điều đó đã phản ánh sức mạnh tăng lên của các lực lượng theo quy ước của NATO và hạ bớt mức độ hữu ích của các loại vũ khí hạt nhân. Nhưng ngay cả 150 vũ khí hạt nhân cũng đủ để gây ra một cuộc đối đầu nguy hiểm với Nga.
Thế giới từng tiến gần đến một thảm họa hạt nhân trong thời kỳ Khủng hoảng Tên lửa Cuba. Trên thực tế, hiện nay, rủi ro chiến tranh hạt nhân thực sự còn tồi tệ hơn. Trong khi cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba chỉ kéo dài 13 ngày thì cuộc xung đột ở Ukraine có thể sẽ tiếp diễn và kéo dài nhiều tháng tới.
Vì thế, việc tiến hành những cuộc đàm phán có ý nghĩa vô cùng cấp bách để tháo ngòi nổ căng thẳng hạt nhân. Mặc dù không có vai trò trực tiếp trong cuộc chiến ở Ukraine nhưng theo các nhà quan sát Oscar Arias – cựu Tổng thống Costa Rica, đồng thời là người từng nhận được giải Nobel Hòa bình và Jonathan Granoff – Chủ tịch Viện An ninh Toàn cầu, ứng viên được đề cử cho giải Nobel Hòa bình cho rằng, NATO nên đóng vai trò chủ động trong việc khuyến khích đàm phán để chấm dứt chiến tranh.
Ngoài ra, các nước thành viên NATO cũng có nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân. Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo NATO ở Madrid gần đây đã tái khẳng định rằng: "Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân là một bức tường thành quan trọng nhằm ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân và chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ thực hiện đầy đủ hiệp ước này".
Tìm kiếm hồi kết cho cuộc xung đột ở Ukraine
Tuy nhiên, để khởi động lại các cuộc trao đổi, NATO sẽ phải tìm ra cách để khuyến khích tháo gỡ căng thẳng và hướng tới đối thoại. Việc đưa các bên vào bàn đàm phán sẽ cần một động thái mạnh mẽ. Các nhà quan sát Oscar Arias và Jonathan Granoff đề xuất, NATO nên chuẩn bị kế hoạch cho việc tất cả các đầu đạn hạt nhân của Mỹ sẽ rút khỏi châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ để tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán. Việc rút các loại vũ khí hạt nhân này sẽ được tiến hành khi các điều khoản hòa bình giữa Nga và Ukraine được nhất trí. Một đề xuất như vậy, theo hai nhà quan sát trên, sẽ khiến Tổng thống Putin chú ý và có lẽ đưa Nga vào bàn đàm phán.
Các nhà quan sát này lập luận rằng, việc đưa các vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không làm suy yếu NATO về mặt quân sự bởi vũ khí hạt nhân hầu như có rất ít hoặc gần như không có tính hữu dụng trên chiến trường. Nếu thực sự cần phải sử dụng những vũ khí này như một phương sách cuối cùng thì cũng không cần thiết phải triển khai chúng quá gần biên giới với Nga. Theo đề xuất này, Pháp, Anh và Mỹ vẫn sẽ duy trì kho hạt nhân của họ và nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, họ có thể sử dụng chúng trên danh nghĩa của NATO.
Bất chấp việc 70 năm qua không có cuộc chiến nào, không thể đảm bảo rằng sự răn đe hạt nhân sẽ kéo dài mãi mãi. Nó sẽ chỉ có hiệu quả khi con người đưa ra quyết định đúng đắn nhưng chúng ta đều biết, con người không hoàn hảo và tất cả chúng ta đều có thể mắc sai lầm.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres từng nói rằng: 'Những vũ khí này mang đến một cam kết giả cho an ninh và phòng vệ trong khi chỉ dẫn đến sự hủy diệt, chết chóc và tình trạng bên bờ vực chiến tranh liên miên".
Giáo hoàng Francis cũng đồng quan điểm khi nhận định: "Vũ khí hạt nhân tồn tại nhằm gây ra nỗi sợ hãi về mặt tinh thần không chỉ với các bên trong xung đột mà là với toàn nhân loại".
Cuộc chiến đổ lỗi không giúp chấm dứt khủng hoảng. Cuối cùng, những cuộc đàm phán cần phải diễn ra giữa Nga và Ukraine. Phương Tây cũng sẽ phải thừa nhận những lợi ích an ninh của Nga tại quốc gia này. Vấn đề ở đây là cuộc chiến hiện nay đang được định hình bởi những quan điểm đối lập giữa tốt và xấu, hợp pháp và phi pháp, tuân theo trật tự dựa trên các quy tắc và phá vỡ các trật tự. Điều đó khiến cho sự nhượng bộ trở nên khó khăn hơn.
Nhà phân tích Rakesh Sood thuộc Quỹ Nghiên cứu Quan sát nhận định, Nga sẽ không thể bị đánh bại trừ khi NATO muốn tham gia vào một cuộc xung đột toàn diện.
Chiến tranh càng kéo dài, Ukraine càng chịu nhiều tổn thất. Ukraine càng mất nhiều lãnh thổ, vị thế đàm phán của nước này càng suy yếu. Và khi chiến tranh kéo dài, nguy cơ leo thang căng thẳng ngoài tầm kiểm soát sẽ gia tăng.
Kho vũ khí hạt nhân của NATO đã không thể ngăn cản Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và gần như không có khả năng thực tế để sử dụng như một vũ khí chiến tranh. Nhưng theo hai nhà quan sát Oscar Arias và Jonathan Granoff, kho vũ khí nào cũng có thể hữu ích, song không phải bằng cách triển khai chúng và khiến xung đột leo thang mà bằng cách thu hồi chúng để tạo điều kiện cho những cuộc đàm phán mới và cuối cùng là một nền hòa bình.
Chiến tranh chấm dứt càng sớm, điều đó càng tốt cho Ukraine, Nga và thế giới. Đây có thể là một thế giới không hoàn hảo nhưng chúng ta không còn lựa chọn nào khác./.