Nguy cơ đe dọa môi trường sống từ săn bắt, mua bán động vật hoang dã

Săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã đã và đang dẫn đến nguy cơ phá vỡ đa dạng sinh học, gây hậu quả khó lường đối với môi trường sinh thái cũng như môi trường sống của con người, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của con người. Rất nhiều cảnh báo đã được đưa ra, song, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp. Đây thực sự là thách thức lớn, đòi hỏi những giải pháp quyết liệt hơn.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ việc buôn bán ĐVHD. Ảnh minh họa

Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ việc buôn bán ĐVHD. Ảnh minh họa

Những mối đe dọa khó lường

Tình trạng sắn bắn, giết hại, buôn bán và vận chuyển trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) đã tác động đến hệ sinh thái, môi trường sống của con người. Việc con người khai thác thiên nhiên và ĐVHD quá mức sẽ gây tác động lớn tới môi trường, thiên nhiên, thúc đẩy nhanh và gia tăng tác động của quá trình biến đổi khí hậu, xuất hiện nhiều thiên tai với mức độ và tần suất lớn hơn như: hạn hán, lũ lụt…

Không chỉ vậy, các chuyên gia nhìn nhận, với tốc độ khai thác như hiện nay, chắc chắn, trong tương lai gần, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều đại dịch khác có nguồn gốc từ động vật bùng phát.

Phân tích sâu hơn về những tác động này, bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện tổ chức Wildlife Conservation Society, Văn phòng đại diện tại Việt Nam (WCS Việt Nam) cho biết, tình trạng buôn bán trái pháp luật ĐVHD và các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD đi kèm như săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển ĐVHD gây ra nhiều tác động trên các khía cạnh sau:

Thứ nhất, ảnh hưởng tới các loài hoang dã ở cả 3 cấp độ: Hệ sinh thái, loài và nguồn gen: Ở cấp độ hệ sinh thái là mất và suy thoái sinh cảnh sống; Ở cấp độ loài là suy giảm và chia cắt quần thể và ở cấp độ nguồn gen là suy thoái nguồn gen do giao phối cận huyết và lai tạp.

Theo “Báo cánh đánh giá đa dạng sinh học ở Việt Nam: Phân tích tác động từ một số lĩnh vực kinh tế” (Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, 2021), khoảng 21% các loài thú, 6,5% các loài chim, 19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá tại Việt Nam đã bị đe dọa do nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó nổi bật là, do khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, khai thác gỗ trái phép và tình trạng buôn bán, tận diệt các loài hoang dã phục vụ cho các mục đích tiêu thụ của con người.

Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện tổ chức WCS Việt Nam cho biết, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD gây ra nhiều tác động, hệ lụy.

Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện tổ chức WCS Việt Nam cho biết, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD gây ra nhiều tác động, hệ lụy.

Thứ hai, đó là rủi ro về sức khỏe cho con người và động vật: Chuỗi cung ứng ĐVHD cho dù là hợp pháp và bất hợp pháp đều tiềm ẩn những nguy cơ lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật. Cụ thể, trong quá trình nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán nếu không bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh và an toàn sinh học như: chuồng nuôi chật hẹp, không được vệ sinh đúng cách, nuôi nhốt nhiều loài cùng với nhau bao gồm cả động vật ốm/bệnh và động vật khỏe mạnh, không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong quá trình tiếp xúc, chăm sóc động vật... sẽ tạo ra điều kiện lý tưởng cho các mầm bệnh sinh sôi, phát tán và lây truyền từ ĐVHD sang người và ngược lại, cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây bùng phát thành dịch bệnh và đại dịch như dịch bệnh SARS, và mới đây là COVID-19, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống xã hội và cả nền kinh tế thế giới. Hậu quả COVID-19 đến thời điểm hiện nay vẫn rất nghiêm trọng....

Trao đổi với Phóng viên, bác sỹ Phạm Đức Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y tế công cộng và hệ sinh thái, thuộc trường Đại học Y tế Công cộng cho biết, các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ ĐVHD được chia ra làm nhiều nhóm bệnh khác nhau, đa phần tác nhân từ vi rút, vi khuẩn, vi trùng... trong đó, tác nhân do vi rút là chính. Một số bệnh, dịch bệnh gần đây chúng ta gặp như: cúm H1N1, cúm A H5N1, vi rút viêm não, viêm đường hô hấp... “Nhìn chung, tác nhân gây bệnh từ ĐVHD, tự nhiên luôn luôn có, chỉ có điều xuất hiện sớm hay muộn, theo cách thức nào. Càng tăng tương tác giữa con người với con vật nhiều thì sẽ gia tăng bệnh dịch.”- ông Phúc nhìn nhận.

Cũng theo bác sỹ Phạm Đức Phúc, lây bệnh giữa động vật và người đa phần là bệnh truyền nhiễm, chiếm 70% và trong đó, đa phần 65% có nguyên nhân, gốc rễ là lây từ ĐVHD. Điều này đã gây ra những hệ lụy như: Giảm sức lao động, tử vong, làm quá tải hệ thống y tế, làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng, mất sức lao động, sản lượng lao động giảm dẫn đến các ngành kinh tế khác ảnh hưởng theo. Như bệnh H5N1 ước tính thiệt hại 50-55 tỉ USD, với bệnh COVID -19, con số thiệt hại còn hơn rất nhiều, không thể tính toán được.

“Đó chỉ là bề nổi của tảng băng, nếu không chủ động phòng chống là gây thiệt hại đối với nền kinh tế, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, của hoạt động du lịch… tác động xa nhất là tác động đến xã hội, như sự kì thị, xa lánh. Ví dụ như đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 có nhiều trường hợp khi được biết đến từ những vùng bệnh là bị mọi người tẩy chay, không muốn tiếp xúc....”- bác sỹ Phúc nói.

 Một phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Một phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Nguồn của nhiều loại tội phạm khác

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Hoàng Bích Thủy cho hay, ngoài những ảnh hưởng như trên còn có rủi ro về mặt pháp lý: Buôn bán trái pháp luật ĐVHD, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, nếu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, còn có nguy cơ bị xử lý về các vi phạm, tội phạm phái sinh khác liên quan đến trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính, bảo vệ môi trường. Trong đó, đặc biệt đáng lưu ý là, các tộiLàm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người và động vật, thực vật; tội Buôn lậu, Rửa tiền và Tham nhũng liên quan đến hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD.

Dưới góc nhìn của cơ quan tố tụng, bà Trần Thị Hoan, Phó Viện trưởng VKSND huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An - người từng tham gia xử lý nhiều vụ án liên quan đến ĐVHD cho biết, hiện nay, tình trạng các đối tượng săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép ĐVHD làm mất cân bằng sinh thái, đây cũng là một trong những nguồn lây nhiễm dịch bệnh cho người.

Đặc biệt, đây cũng là nguồn phát sinh các loại tội phạm khác. Tại địa bàn huyện Con Cuông, thời gian qua đã xảy ra 2 vụ vô ý làm chết người do làm súng tự chế để săn, bắt ĐVHD nhưng bắn nhầm vào người đi rừng.

Ngoài ra, khi người dân dựa vào tự nhiên, vào rừng, săn, bắt ĐVHD để mưu sinh nên không chịu canh tác, sản xuất dẫn đến đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tàn phá môi trường sống, khi tận diệt các loài động vật, thực vật... Đây là những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với đời sống, cũng như sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

 Bà Trần Thị Hoan, Phó Viện trưởng VKSND huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An: Các vi phạm liên quan đến ĐVHD cũng là nguồn phát sinh các loại tội phạm khác.

Bà Trần Thị Hoan, Phó Viện trưởng VKSND huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An: Các vi phạm liên quan đến ĐVHD cũng là nguồn phát sinh các loại tội phạm khác.

Giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa

Từ sự đánh giá trên, chuyên gia Phạm Đức Phúc cho rằng, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cũng như trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chủ động ngăn chặn dịch bệnh nói chung, nhất là dịch bệnh có nguồn gốc từ ĐVHD.

Về giải pháp, từ thực tiễn địa phương, theo ông Lê Xuân Hợi, Phó Chánh Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho biết, cần tăng cường phối hợp tổ chức các cuộc tuân tra đơn phương, tuần tra song phương giữa các đơn vị, lực lượng chức năng đóng quân khu vực biên giới, kịp thời cung cấp thông tin để cùng nắm rõ diễn biến trên khu vực biên giới, từ đó phân tích, nhận định sát, đúng tình hình để đưa ra các giải pháp kịp thời, phù hợp. Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ người ra vào khu vực biên giới, đặc biệt là các đối tượng cấu kết với người địa phương tham gia buôn bán ĐVHD trái pháp luật.

Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị khu vực biên giới trong công tác kiểm tra, giám sát việc lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu, lối mở, nhất là nguồn gốc lâm sản nói chung và ĐVHD trái phép nói riêng.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền người dân về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động hợp tác trong bảo vệ rừng, bảo vệ ĐVHD khu vực biên giới. Tăng cường nhận thức của người dân về những tác động đến môi trường sống, môi trường sinh thái khi săn bắt, tiêu thụ, sử dụng ĐVHD.

Khi phát hiện ra các vụ việc vi phạm phối hợp với các cơ quan như: Công an, Viện kiểm sát, Bộ đội Biên phòng... xử lý triệt để vi phạm nhằm ngăn ngừa các vi phạm tương tự.

Còn theo Phó Viện trưởng Trần Thị Hoan, cần nâng cao nhận thức cho người dân về những các chính sách pháp luật Nhà nước cũng như những hệ hụy, tác hại khi săn bắt, sử dụng, buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD thông qua các buổi tuyên truyền pháp luật, tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động các vụ án liên quan ĐVHD. Đồng thời, đối với các cơ quan chức năng, cần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức. Mỗi cán bộ, công chức cũng cần nghiên cứu, cập nhật các thông tin, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xử lý các hành vi vi phạm về ĐVHD để áp dụng vào thực tiễn được đúng quy định của pháp luật, tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm…

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh mới từ săn bắt, buôn bán động vật hoang dã

Trong hơn 10 năm qua (2010 - 2021), WCS Việt Nam đã phối hợp với các đối tác trong nước thực hiện các nghiên cứu về những mầm bệnh trên các loài ĐHVD có nguy cơ cao về lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật (linh trưởng, dơi, động vật gặm nhấm, động vật ăn thịt…) và các rủi ro lây truyền giữa người và động vật tại các mắt xích dọc theo chuỗi cung ứng ĐVHD, như các điểm thu thập phân dơi làm phân bón; cơ sở gây nuôi ĐVHD (dúi, nhím, cầy); khu vực chợ/ nhà hàng/điểm buôn bán chuột đồng và ĐVHD tịch thu được từ hoạt động buôn bán trái pháp luật... tại Việt Nam.

Kết quả của các nghiên cứu là 46 vi rút có khả năng lây truyền giữa người và động vật được phát hiện trên cả động vật và người trong đó có 26 vi rút mới, chưa từng được phát hiện trước đây và 20 vi rút đã biết. Trong số 26 vi rút mới được phát hiện, có 5 chủng vi rút thuộc họ corona (gồm các vi rút đã gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm như SARS, COVID-19, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS)…), 2 chủng vi rút thuộc họ Herpes (gồm các vi rút đã gây ra các bệnh như thủy đậu, zona), 5 chủng vi rút thuộc họ Paramyxo (gồm các vi rút đã gây ra các bệnh như sởi, quai bị và gần đây bệnh do vi rút Nipah cũng là 1 chủng vi rút thuộc họ Paramyxo-) và 14 chủng vi rút Rhabdo (gồm các vi rút gây bệnh dại…). Điều đó cho thấy, các hành vi, hoạt động liên quan đến chuỗi cung ứng ĐVHD như: Săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán ĐVHD đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người và nguy cơ xuất hiện, bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Thanh Dịu

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/nguy-co-de-doa-moi-truong-song-tu-san-bat-mua-ban-dong-vat-hoang-da-160093.html