Báo chí Nga đang thảo luận sôi nổi về khả năng những máy bay cường kích A-10 sau khi chính thức loại biên sẽ được Mỹ cung cấp cho Không quân Ukraine để sử dụng trên chiến trường.
Những chiếc máy bay diệt tăng có tên gọi Warthog hay Thunderbolt II vốn được biết đến với khả năng sống sót cao và trang bị vũ khí mạnh mẽ. Sự xuất hiện của A-10 tại chiến địa dự báo sẽ làm thay đổi đáng kể tình hình, tạo ra những thách thức mới cho Quân đội Nga.
Chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt II được Mỹ phát triển từ thập niên 1970 và qua lịch sử tham chiến, nó đã chứng tỏ là vũ khí cực kỳ hiệu quả trong việc tiêu diệt xe bọc thép cũng như các cứ điểm kiên cố.
Vũ khí chính của A-10 là pháo nòng xoay GAU-8/A Avenger cỡ 30 mm, loại đạn đặc biệt của nó có khả năng xuyên thủng lớp giáp dày của xe tăng hiện đại. Ngoài ra máy bay còn mang được nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa dẫn đường, rocket, bom có hoặc không điều khiển.
Bên cạnh đó, cường kích A-10 với khả năng cơ động cao còn có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở tốc độ và độ cao thấp, giúp nó tác chiến hiệu quả trong những môi trường mà các loại phi cơ khác tỏ ra ít hữu dụng hơn.
Nhờ hình dáng thiết kế đặc biệt và lớp giáp dày, A-10 có khả năng sống sót rất cao, cho phép nó tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ngay cả khi bị thiệt hại nghiêm trọng, ví dụ như động cơ bị bắn nát.
Viễn cảnh Mỹ cung cấp cường kích A-10 cho Ukraine đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Lực lượng vũ trang Nga, bất chấp thực tế đây là một chiến đấu cơ đã rất cao tuổi.
Đầu tiên, sự hiện diện của chiếc cường kích này trên bầu trời Ukraine sẽ làm phức tạp đáng kể hoạt động của xe bọc thép và pháo binh bởi Thunderbolt II được thiết kế để chuyên tiêu diệt thiết giáp, khiến nó trở thành công cụ răn đe rất hiệu quả.
Tiếp theo, A-10 có thể được sử dụng để trấn áp và tiêu diệt các cụm cứ điểm và nhân lực. Điều này tạo thêm khó khăn cho Quân đội Nga, đặc biệt là trong các trận chiến đô thị, khi những nơi trú ẩn và công sự đóng vai trò quan trọng.
Chưa dừng lại đây sự hiện diện của cường kích A-10 trong đội hình Không quân Ukraine dự báo sẽ dẫn đến sự gia tăng các cuộc không kích và sẽ đòi hỏi những nỗ lực đáng kể từ lực lượng phòng không - không quân Nga để vô hiệu hóa mối đe dọa này.
Nhưng việc phải dàn trải lực lượng để sẵn sàng đối phó cường kích A-10 chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến việc phân bổ nguồn lực, tạo ra thiếu hụt và lỗ hổng lớn đối với các khu vực khác của mặt trận.
Để chống lại A-10, ngoài việc sử dụng tên lửa phòng không hay chiến đấu cơ, Nga được khuyến cáo nên tính đến khả năng sử dụng hệ thống tác chiến điện tử để làm phức tạp việc điều khiển và nhắm mục tiêu của vũ khí mà chiếc Thunderbolt II mang theo.
Các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại của Nga theo nhận xét có khả năng gây nhiễu và làm mất phương hướng của khí tài dẫn đường trên máy bay, từ đó làm giảm hiệu quả của những đòn tấn công.
Thực tế chiến trường cho thấy những chiếc cường kích Su-25 - loại máy bay có cấu hình tương tự A-10 đã chịu thiệt hại rất lớn, bởi vậy nếu có biện pháp phù hợp, Nga hoàn toàn đủ khả năng vô hiệu hóa phương tiện này nếu chúng xuất hiện trên bầu trời.
Việt Dũng