Nguy cơ tàn phế khi bị đột quỵ tái phát

Nhiều người bị đột quỵ nhập viện cấp cứu, sau khi điều trị giai đoạn cấp ổn định, họ đã quên lời dặn của bác sĩ là tái khám và duy trì uống thuốc phòng ngừa tái phát đều đặn, nên không lâu sau lại tái phát. Đột quỵ tái phát nặng nề hơn rất nhiều so với lần trước đó.

Theo Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, tại đây vừa tiếp nhận 7 ca tái phát đột quỵ vào cấp cứu. Nhiều người lẽ ra được trở lại cuộc sống sinh hoạt và làm việc bình thường, nhưng phải trả giá đắt trước tình trạng liệt, tàn phế, thậm chí còn mất mạng.

Hậu quả khi người bệnh chủ quan không tái khám

Vừa xuất viện không lâu, nam bệnh nhân N.V.T (SN 1993, Ninh Bình) lại phải nhập viện cấp cứu vì đột quỵ tái phát. Bệnh nhân còn rất trẻ, có tiền sử khỏe mạnh, nhưng cách đây 2 tháng, anh T bị đột quỵ nhồi máu não, được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Do liệt nặng nửa người bên phải, bệnh nhân được xử trí cấp cứu và điều trị tích cực tại Trung tâm Đột quỵ 10 ngày, sau đó điều trị nội khoa và tập phục hồi chức năng tích cực. Sau 1,5 tháng điều trị, anh T phục hồi tốt được xuất viện, bác sĩ kê đơn thuốc uống tại nhà, hẹn 1 tháng sau đến khám lại bởi anh cần phải duy trì thuốc phòng ngừa tái phát lâu dài.

Tuy nhiên, nam bệnh nhân cho rằng mình còn trẻ, sức khỏe đã tốt rồi, sinh hoạt gần như bình thường so với trước đây nên chủ quan không khám lại và không uống thuốc dự phòng tái phát đột quỵ. Sau 5 ngày ngừng thuốc, anh T thấy triệu chứng liệt nửa người, méo miệng, nói ngọng và tiếp tục được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Đột quỵ. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán nam bệnh nhân bị nhồi máu não tái phát. “Thật đáng tiếc lần này bệnh nhân liệt nặng hơn, liệt nửa người một bên và vận động rất kém. Tiên lượng hồi phục khó khăn hơn rất nhiều so với lần trước”, BSCKII Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Cùng vào cấp cứu vì đột quỵ tái phát là chị N.T.H (44 tuổi, Kim Bảng, Hà Nam) có tiền sử mổ thay van tim 2 lá cơ học, đã bị đột quỵ nhồi máu não cách đây 5 năm nhưng hồi phục tốt. Vì có bệnh tim nên chị phải duy trì thuốc kháng đông suốt đời và cần phải đi khám định kỳ để chỉnh liều thuốc chống đông. Mặc dù phải tuân thủ chặt chẽ dặn dò của bác sĩ, nhưng vì chủ quan, thấy rằng mình hồi phục tốt, nên 6 tháng nay, chị H không đi khám lại để điều chỉnh liều, mà tự ý cứ duy trì 1 đơn thuốc cũ trước đó. “Lần này bệnh nhân vào nhập viện vì nhồi máu não tái phát, xét nghiệm chỉ số đông máu không đạt mục tiêu điều trị - lẽ ra chỉ số này cần phải hiệu chỉnh chặt chẽ hơn, đủ mục tiêu điều trị thì sẽ phòng ngừa nhồi máu não tốt hơn. Tiên lượng của bệnh nhân lần này nặng hơn so với lần trước”, BS Dũng cho hay.

Theo BS Dũng, 7 ca tái phát vừa vào cấp cứu đều bỏ thuốc, đều nặng hơn lần trước, có cả người trẻ, người già. Những lần đột quỵ sau chắc chắn nặng hơn lần trước.

Đột quỵ tái phát sẽ nặng hơn nhiều so với lần đột quỵ trước. Ảnh minh họa.

Đột quỵ tái phát sẽ nặng hơn nhiều so với lần đột quỵ trước. Ảnh minh họa.

Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình

Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai có 55 giường, nhưng lượng bệnh nhân vào cấp cứu lúc nào cũng vượt quá. Trung bình một ngày, Trung tâm tiếp nhận từ 50-60 ca đột quỵ nặng từ các tuyến chuyển lên, trong đó có nhiều bệnh nhân rất chủ quan với sức khỏe của mình. Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ, nhưng nhiều người gần như không biết chỉ số huyết áp của mình, không thăm khám và không đo huyết áp. Thậm chí, có người biết mình bị huyết áp cao, nhưng lại chủ quan bỏ mặc.

Nằm trên giường bệnh với nửa người bên trái đang bị liệt nặng, anh N.V.T (43 tuổi, Nghệ An) phát hiện cao huyết áp từ năm 28 tuổi, đi khám xác định tăng huyết áp nguyên nhân vô căn. Anh có ra trạm xá và bệnh viện huyện khám nhưng uống thuốc huyết áp không hạ nên anh chán bỏ về, mà đáng ra phải khám tiếp bác sĩ để tăng liều thuốc nhằm đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp tốt hơn. Nhưng anh không làm vậy, không uống thuốc, cũng không điều trị gì. Gần đây anh thấy mệt mỏi, choáng, chóng mặt, nói khó, yếu tay chân bên phải, huyết áp đo lên tới 230, gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu, được chẩn đoán chảy máu não do tăng huyết áp. Sau đó, anh được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai. Khi biết mình bị đột quỵ, khả năng liệt nửa người, anh T rất lo lắng và hối hận, nhưng đã muộn.

BS Dũng cho biết, mỗi một bệnh nhân xuất viện về gia đình, bác sĩ đều nhắc cả người nhà lẫn bệnh nhân 3-4 lần phải tuân thủ tái khám và uống thuốc phòng ngừa tái phát, nhưng người bệnh vẫn bỏ thuốc. Có nhiều người cao tuổi không ở với con, hoặc con mải đi làm, nên sao nhãng trông nom cha mẹ uống thuốc, dẫn đến các cụ bỏ thuốc và bị đột quỵ tái phát. Nhiều người phải đối mặt với nguy cơ tàn phế, liệt, sức khỏe khó hồi phục.

“Theo Hội Đột quỵ Hoa Kỳ, tái phát đột quỵ có thể phòng ngừa được và tỷ lệ thành công rất cao, có 80% người đột quỵ có khả năng phòng ngừa tái phát thành công. Nhưng ở Việt Nam, người bệnh còn chủ quan, kém tuân thủ điều trị. Với những người đã điều trị đột quỵ, buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt uống thuốc và tái khám nếu không muốn tàn phế và người thân phải vất vả, tốn kém chăm sóc, trở thành gánh nặng cho gia đình”, BS Dũng khuyến cáo.

Bên cạnh đó, người dân phải biết cách nhận diện triệu chứng đột quỵ, chịu khó lắng nghe cơ thể và ghi nhớ dấu hiệu đột quỵ; khi đã nghi ngờ mình đột quỵ phải khẩn trương, nhanh chóng, đừng chần chừ mất thời gian mà vào viện ngay. Người dân hãy đo huyết áp thường xuyên (kể cả người trẻ) và hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình để phòng tránh bệnh đột quỵ và các biến chứng khác của tăng huyết áp như suy tim, phình và bóc tách động mạch chủ, nhồi máu cơ tim…

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/nguy-co-tan-phe-khi-bi-dot-quy-tai-phat--i735615/