'Nguy cơ tuyệt chủng' tại thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc
Với việc dân số suy giảm nhanh chóng, Busan - thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc - đang lo ngại về một thảm họa nhân khẩu học.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51457007/30868021b76f5e31077e.jpg)
EH Seo sinh ra và lớn lên tại thành phố cảng Busan ở phía nam Hàn Quốc, nhưng cô đã tâm niệm về việc mình sẽ học tập và làm việc ở nơi khác.
"Không chỉ bố mẹ tôi mà bố mẹ của mọi người đều muốn con cái họ chuyển đến Seoul. Tôi cũng đã muốn đến đó và tôi không hối tiếc", Seo, 32 tuổi, cho biết. Cô đã rời thành phố lớn thứ 2 của Hàn Quốc ngay sau khi tốt nghiệp trung học và đang làm việc tại thủ đô.
Trong hầu hết thế kỷ XX, Busan là trung tâm thương mại và công nghiệp thịnh vượng. Song thành phố này đang phải vật lộn với cuộc di cư của những người trẻ, khiến nơi đây "già" đi nhanh hơn bất kỳ khu vực đô thị nào khác ở một quốc gia vốn đã có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
Theo Financial Times, vận may của Busan đã trở nên tồi tệ hơn kể từ những năm 1990, khi các ngành công nghiệp địa phương chịu ảnh hưởng từ quá trình chuyển đổi của Hàn Quốc sang nền kinh tế công nghiệp công nghệ cao.
Năm ngoái, Cơ quan Thông tin Việc làm Hàn Quốc đã chính thức xếp Busan vào loại “có nguy cơ tuyệt chủng”. Sự mất cân bằng giữa dân số ở trong và ngoài độ tuổi lao động khiến thành phố trở nên không bền vững về mặt kinh tế.
"Mất dần sức sống"
Dân số tại thành phố 3,3 triệu người này đã giảm 600.000 người trong giai đoạn 1995-2023. Các nhà nhân khẩu học cảnh báo xu hướng này đang tăng tốc, khi dân số thành phố già đi và Seoul siết chặt quyền kiểm soát nền kinh tế của đất nước.
Busan vẫn giữ nhiều lợi thế, với núi non và bãi biển, đền thờ và cuộc sống về đêm, các lễ hội phim và nghệ thuật nổi tiếng. Bên cạnh đó, thành phố cũng gần Nhật Bản và các trung tâm công nghiệp tập trung dọc bờ biển phía đông của Hàn Quốc.
Mặc dù Busan là nơi khai sinh ra các tập đoàn hàng đầu Samsung và LG, không công ty nào trong nhóm 100 công ty lớn nhất của Hàn Quốc nào đặt trụ sở chính tại thành phố này.
"Làn sóng di cư của những người trẻ tuổi đang ngày càng lớn. Mỗi lần tôi quay lại, tôi có thể thấy thành phố này đang mất dần sức sống", Seo chia sẻ.
Busan bùng nổ vào nửa sau thế kỷ XIX vì gần Nhật Bản - đầu cầu cho hoạt động thương mại và đầu tư và sau đó là thực dân hóa.
![Dân số theo giới tính và độ tuổi tại Busan và Seoul. Đồ họa: Financial Times.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51457007/0529b98e8ec0679e3ed1.jpg)
Dân số theo giới tính và độ tuổi tại Busan và Seoul. Đồ họa: Financial Times.
Người Nhật đã thành lập các nhà máy tại Busan sản xuất các mặt hàng giá rẻ từ cao su và giày dép đến gỗ. Sau thất bại của Tokyo trong Thế chiến II, người Hàn Quốc tiếp quản các nhà máy và Busan đón nhận một làn sóng người hồi hương từ Nhật Bản.
Xung đột năm 1950 trên bán đảo Triều Tiên đã thúc đẩy làn sóng người di cư thứ hai, sau khi chính phủ Hàn Quốc tạm thời rút lui khỏi Seoul đến Busan. Trong giai đoạn 1945-1951, dân số của thành phố tăng từ 280.000 lên 840.000.
Busan được hưởng lợi từ “chiến lược phát triển quốc gia” trong những năm 1960 và 1970 về việc xây dựng một hành lang công nghiệp giữa thành phố này và Seoul. Cảng Busan đóng vai trò là trung tâm thương mại chính cho nền kinh tế hướng đến xuất khẩu đang bùng nổ.
Dẫu vây, vận mệnh của thành phố đã thay đổi khi Hàn Quốc chuyển hướng khỏi việc sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ mà các nhà máy của Busan chuyên sản xuất.
Việc phát triển kinh tế Hàn Quốc ngày càng được thúc đẩy bởi việc sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng tinh vi hơn, chẳng hạn các nhà máy chế tạo chất bán dẫn của Samsung Electronics ở ngoại ô Seoul.
Các trường đại học và viện nghiên cứu đã di dời để đáp ứng nhu cầu về lao động lành nghề. Cảng Incheon ở bờ biển phía tây - gần Seoul hơn và thuận tiện hơn cho việc giao dịch với Trung Quốc - đã thay thế Busan trở thành trung tâm xuất khẩu hàng đầu của đất nước.
“Các chính phủ kế tiếp theo đuổi chính sách tập trung hóa quốc gia như một cách để tối đa hóa hiệu quả nhằm cạnh tranh với Nhật Bản và Trung Quốc”. Chúng tôi đã bị bỏ lại phía sau”, Phó thị trưởng Busan Lee Jun Seung chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lee Sang Ho, một nhà nghiên cứu tại Dịch vụ Thông tin Việc làm của chính phủ (KEIS), cho biết sự tập trung hóa đã đẩy Busan và các trung tâm kinh tế khu vực khác của Hàn Quốc vào một "phản ứng dây chuyền suy thoái" trầm trọng hơn do sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Theo ông Lee, trong khi nhiều nam thanh niên từ Busan vẫn có thể tìm được công việc thuộc nhóm ngành sản xuất tại các trung tâm công nghiệp khác ở phía đông nam, phụ nữ có nhiều khả năng phải đến Seoul để tìm việc làm trong lĩnh vực dịch vụ.
Không những vậy, những tổ chức dân sự địa phương cho rằng sự suy thoái của thành phố đã trở nên trầm trọng hơn do sự quản lý yếu kém của chính quyền địa phương.
Lee Seung Han, Tổng thư ký của tổ chức Busan Social Welfare Solidarity, cho biết thay vì xác định các khu vực tăng trưởng mới cho nền kinh tế địa phương vào những năm 1990, nhiều đời thị trưởng đã bán đất công ở ngoại ô thành phố cho các nhà phát triển. Hoạt động bán đất đã thúc đẩy sự bùng nổ bất động sản do người nước ngoài bỏ tiền mua các căn hộ ven sông sang trọng làm khoản đầu tư.
Theo ông Lee, điều đó đã mang lại lợi ích cho những chủ sở hữu bất động sản lớn tuổi, trong khi những cư dân trẻ lại chật vật mua nhà. Điều đó nới rộng khoảng cách giàu nghèo giữa các thế hệ và khiến những người trẻ tuổi càng khó sống trong thành phố này hơn.
Nguy cơ "tuyệt chủng" theo nghĩa đen vẫn xa vời
Bên cạnh đó, ông Lee Sang Ho cho rằng khu ngoại ô nghỉ dưỡng bãi biển Haeundae của Busan, được phát triển như một phần của cơn sốt bất động sản những năm 1990 và được gọi là “Copacabana của Hàn Quốc”, là một trong những phường của thành phố có chỉ số rủi ro tuyệt chủng cao nhất. Chỉ số này dựa trên tỷ lệ cư dân nữ trong độ tuổi 20-39 và dân số từ 65 tuổi trở lên.
“Haeundae là nơi tập trung nhiều tòa nhà cao tầng, nhưng những người trẻ tuổi không đủ khả năng sống ở đó. Phần lớn người dân địa phương sống sau những tòa nhà cao tầng ở những khu vực chưa phát triển, vì thành phố ngày càng trở nên phân cực”, ông Lee cho biết.
Tuy nhiên, Phó thị trưởng Lee Jun Seung cho biết rằng trong những năm 1980 và 1990, vấn đề chính của thành phố là thiếu nhà ở, đất công nghiệp và các tuyến giao thông phù hợp.
Giới quan sát lưu ý rằng ngay cả Seoul, nơi thu hút những người trẻ từ khắp cả nước, cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.
Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc là mức thấp nhất thế giới vào năm 2023 ở mức 0.72. Mặc dù thu hút những người trẻ tuổi từ khắp cả nước, tỷ lệ sinh của Seoul vào năm 2023 thậm chí còn thấp hơn - ở mức 0.55. OECD coi tỷ lệ sinh là 2.1 là cần thiết để đảm bảo dân số ổn định nói chung.
![Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Ảnh: Reuters.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51457007/e6f45e53691d8043d90c.jpg)
Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Ảnh: Reuters.
"Trong khi dân số Busan dự kiến giảm 33,57 điểm % năm 2020-2050, dân số Seoul dự kiến giảm 21,45 điểm % trong cùng kỳ", Kim Se Hyun, người đứng đầu Trung tâm đánh giá tác động dân số tại Viện phát triển Busan, cho biết.
"Điểm khác biệt là ở Busan, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm nhiều hơn nhiều so với toàn bộ dân số", ông Kim cho biết. Mặc dù có sự suy giảm, nguy cơ "tuyệt chủng" theo nghĩa đen của thành phố vẫn cực kỳ xa vời, ông nói thêm.
Vào năm ngoái, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Rhee Chang Yong cho biết "các giải pháp quyết liệt" bao gồm cả việc đặt giới hạn tuyển sinh đại học từ các khu phố cao cấp nhất của Seoul là cần thiết để khuyến khích mọi người rời khỏi Seoul và trở về các khu vực tỉnh lẻ.
Phó thị trưởng Busan Lee Jun Seung cho biết thành phố này cần nhiều quyền tự chủ hơn, bao gồm cả việc phân cấp các quyền quản lý của khu vực tài chính để thu hút lao động trẻ có tay nghề.
Ông cũng khẳng định nhập cư là "rất quan trọng", vạch ra kế hoạch cấp thị thực khu vực đặc biệt cho sinh viên và lao động có tay nghề từ Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ông Lee Sang Ho cho biết nếu không giải quyết được vấn đề cơ bản về phát triển khu vực mất cân bằng, những người nhập cư sẽ - giống với người dân địa phương - cuối cùng chỉ đơn giản là chuyển đến Seoul.
Những cư dân Busan như bà Yang Mi Sook, người đứng đầu nhóm vận động của công dân địa phương, than thở về sự suy thoái của thành phố khi hàng nghìn người tiếp tục rời đi mỗi tháng.
"Thật đáng buồn và bực bội. Chính phủ nên thừa nhận rằng chúng ta đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng. Xét cho cùng, nếu không còn công dân nào nữa, chúng ta cũng sẽ không cần đến các chính trị gia”, bà nói.