Bình Dương thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ, hướng đến tăng trưởng hai con số
Trong năm 2025, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng GRDP trên 10%, riêng ngành công nghiệp tăng trưởng trên 12%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng, mở rộng các khu công nghiệp và thu hút vốn đầu tư...
![Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_3_51458596/0fc113b224fccda294ed.jpg)
Ảnh minh họa.
Theo Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng hai con số trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong năm 2025, tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 10%, riêng ngành công nghiệp tăng trưởng trên 12% và dịch vụ tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2024; quy mô nền kinh tế tỉnh ước đạt trên 572.442 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt trên 195 triệu đồng/người.
THU HÚT FDI TRÊN 3 TỶ USD TRONG NĂM 2025
Theo đó, tỉnh Bình Dương hướng đến cơ cấu các ngành kinh tế có bước chuyển dịch mạnh mẽ, đối với khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 65,01%; thương mại - dịch vụ đạt 25,20%; nông, lâm, thủy sản đạt 2,61%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 7,18%.
Đồng thời, kim ngạch xuất - nhập khẩu phấn đấu tăng trên 10%/năm, đạt lần lượt khoảng 38.000 triệu đô la Mỹ xuất khẩu và 26.800 triệu đô la Mỹ nhập khẩu.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 179.798 tỷ đồng tăng tối thiểu 11%/năm, đạt 31,4% GRDP toàn tỉnh. Trong đó, dự kiến tập trung mọi nguồn lực đầu tư khoảng 36.000 tỷ đồng cho khu vực đầu tư công. Tổng thu ngân sách đạt trên 80.000 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 52.488 tỷ đồng.
Phấn đấu trong năm 2025 đạt số thu ngân sách 80.000 tỷ đồng; thu hút vốn FDI đạt trên 3 tỷ đô la Mỹ với tỷ lệ giải ngân vốn FDI đạt trên 70%.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đưa ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó, đối với nhóm nhiệm vụ xây dựng và triển khai chính sách ổn định và tăng trưởng kinh tế, Bình Dương sẽ đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá theo Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 6/12/2024 của tỉnh gồm đột phá về huy động mọi nguồn lực đầu tư với phương châm đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Cùng với đó là đột phá về đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, giao thông nội vùng để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các tuyến đường cao tốc, vành đai, tạo kết nối thông suốt với TP.HCM và hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế; đột phá về khâu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra theo hướng rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện, rõ kết quả và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Với nhóm nhiệm vụ về đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tỉnh sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đẩy nhanh đấu giá quyền sử dụng đất với mục tiêu đạt trên 6.400 tỷ đồng, cũng như có lộ trình đảm bảo tập trung thực hiện và giải ngân hết 36.000 tỷ đồng đầu tư công trong năm 2025.
Với nhóm nhiệm vụ thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, tỉnh phát triển mới đồng bộ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy hoạch; trong đó thành lập 1 - 2 khu công nghiệp, 3 - 5 cụm công nghiệp chuyên ngành phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, ưu tiên các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp hỗ trợ tạo nền tảng hình thành hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới.
Tỉnh cũng tiếp tục triển khai nhóm nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng; nhóm nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và nhóm nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
LẬP KHU CÔNG NGHIỆP CƠ KHÍ QUY MÔ 786 HA
Bình Dương là một trong những tỉnh công nghiệp phát triển mạnh nhất Việt Nam, với hơn 30 khu công nghiệp hiện đại như VSIP, Mỹ Phước, Sóng Thần. Các ngành chủ lực gồm chế biến, chế tạo, dệt may, chế biến gỗ và thực phẩm. Nhờ hạ tầng tốt và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, tỉnh luôn nằm trong top đầu về FDI.
![Khu công nghiệp cơ khí quy mô lớn - Hình minh họa do AI thực hiện,](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_3_51458596/0cbf2bcc1c82f5dcac93.jpg)
Khu công nghiệp cơ khí quy mô lớn - Hình minh họa do AI thực hiện,
Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-HĐND về việc thông qua Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) Khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1 (Khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí).
Theo đó, dự án có diện tích lập quy hoạch 786 ha, được đầu tư thành Khu công nghiệp tập trung chuyên ngành cơ khí. Theo quy hoạch được thông qua, quy mô lao động của Khu công nghiệp này khoảng 32.000 người.
Khu vực quy hoạch Khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1 (Khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí) có vị trí tại xã Bình Mỹ, xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên và phường Hội Nghĩa, thành phố Tân Uyên.
Trong đó, ranh giới tiếp giáp như sau: Phía Đông giáp đất cao su (giáp đường ĐT.745 - Vành đai 5 theo Quy hoạch vùng huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2040); phía Tây giáp đất cao su và đất dân (giáp khu vực phát triển đô thị số 3 theo Quy hoạch vùng huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2040); phía Nam giáp đường ĐT.746B (đường ĐT.746F theo điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Tân Uyên đến năm 2040); phía Bắc giáp đất cao su (giáp Khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 4 theo Quy hoạch vùng huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2040).
Theo quyết định được phê duyệt, tính chất là Khu công nghiệp tập trung với các loại hình công nghiệp sản xuất chuyên ngành cơ khí.
Nghị quyết số 04/NQ-HĐND nêu rõ Ủy ban nhân dân tỉnh có nhiệm vụ căn cứ quy định pháp luật hiện hành hoàn chỉnh và phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phù hợp với quy định về quy hoạch xây dựng; các chỉ tiêu quy hoạch đảm bảo phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan. Đồng thời, dự toán kinh phí lập quy hoạch theo định mức, quy định hiện hành và được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Trước đó, Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khóa X, kỳ họp thứ 20 (chuyên đề) thông qua ngày 23/1/2025 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, lũy kế đến 31/12/2024, toàn tỉnh Bình Dương có 4.399 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 42,5 tỷ USD. Trong đó, các khu công nghiệp 2.887 dự án với tổng vốn 30,3 tỷ USD; ngoài khu công nghiệp 1.512 dự án với tổng vốn 12,2 tỷ USD.