Nguyên nhân khiến nền nhà bị lún và cách khắc phục

Nền nhà bị lún ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ và tính an toàn của các thành viên trong gia đình, vì vậy, việc sửa chữa hoặc thay mới là điều cần thiết.

Nhà bị lún là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sự an toàn của ngôi nhà. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân khiến nền nhà bị lún để tìm cách khắc phục kịp thời là điều vô cùng quan trọng.

Vì sao nền nhà bị lún?

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới nền nhà bị lún, nhưng phổ biến là những nguyên nhân sau:

Sai kết cấu

Sai kết cấu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nền nhà bị lún. Kết cấu sai do kiến trúc sư hoặc thợ thi công tính sai lực lún hoặc thi công móng sai lệch so với bản thiết kế ban đầu.

Cột nhà, tường nhà, ban công... là những vị trí trong nhà thường xảy ra hiện tượng lún cao nhất do lực của cột, tường và ban công lớn hơn lực ở bên trong. Nếu người thiết kế bỏ qua tính toán lực lún sẽ dẫn đến tính lực cột không đúng, diện tích móng không phù hợp, gây ra hiện tượng lún không đều.

Gia cố móng không chuẩn

Việc gia cố móng không chính xác là nguyên nhân ảnh hưởng đến độ lún của ngôi nhà. Theo đó, nhiều công trình được đóng cừ tràm và phủ lớp cát dày 10 - 20 cm ảnh hưởng lớn đến cấu tạo móng. Áp lực của ngôi nhà dẫn tới móng cát bị lún xuống tạo dòng chảy gây lún.

Nền nhà bị lún cũng có thể do ngôi nhà có chiều dày lớp cát đệm không đều nhau.

Thi công kém chất lượng là một trong những nguyên nhân khiến nền nhà bị lún. (Ảnh: Vận tải An Khang)

Thi công kém chất lượng là một trong những nguyên nhân khiến nền nhà bị lún. (Ảnh: Vận tải An Khang)

Thi công kém chất lượng

Quá trình thi công không đúng kỹ thuật, kém chất lượng cũng là nguyên nhân phổ biến gây lún công trình. Vật liệu thi công chất lượng kém ảnh hưởng đến cấu trúc móng, khiến móng không chắc chắn.

Bên cạnh đó, nền nhà bị lún còn có thể do các công trình xung quanh không đảm bảo chất lượng. Nhà mới xây đào móng có thể ảnh hưởng đến độ lún, độ nghiêng của ngôi nhà đã xây bên cạnh.

Giải pháp khắc phục nền nhà bị lún

Sau khi xác định nguyên nhân khiến nền nhà bị lún, cần đánh giá các yếu tố như tình trạng sụt lún (lún nhiều hay ít); mức độ phá hủy của khối công trình (phần lớn hay chỉ một phần); mức độ rủi ro trong tương lai. Sau đó, lựa chọn giải pháp khắc phục phù hợp.

Nếu chỉ lún một phần nhỏ trong ngôi nhà, có thể đập bỏ lớp xi măng hoặc gạch phía trên nền nhà. Sau đó gia cố thêm đất và lát gạch mới. Trường hợp lún tại cột nhà hoặc ban công nên tìm biện pháp giảm bớt áp lực cho nền nhà trước khi sửa chữa.

Trường hợp nền móng yếu, có thể tiến hành gia cố nền đất vững chắc hơn để chịu tải trọng của công trình và không lún thêm trong tương lai. Ngoài ra, có thể gia cố hoặc điều chỉnh hệ móng để phân bổ tải trọng công trình lên diện tích bề mặt lớn hơn.

Trường hợp khối công trình bị phá hủy nhiều đồng thời nền đất không đảm bảo, cần lập tức di dời nơi khác để đảm bảo an toàn. Bởi, việc khắc phục sẽ tốn nhiều thời gian, chi phí và có thể không đem lại hiệu quả.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và người ở, nên tránh xây tại khu vực có khả năng sụt lún cao. Trước khi xây, nên thuê đơn vị thiết kế chuyên nghiệp để chọn phương án phù hợp và đảm bảo quá trình thi công đúng tiêu chuẩn.

Với công trình xây ở vị trí có độ rủi ro cao như cạnh sông, sườn đồi, bắt buộc phải khảo sát địa chất bằng cách khoan, tạo giếng thăm dò hoặc phương pháp xuyên. Qua đó, đơn vị thiết kế sẽ tính toán và chọn kết cấu móng cùng biện pháp thi công phù hợp.

Bằng Lăng (tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nguyen-nhan-khien-nen-nha-bi-lun-va-cach-khac-phuc-ar942980.html