Nguyên nhân khiến tàu ngầm Mỹ va phải núi ngầm ở Biển Đông

Đáy biển ở Biển Đông là nơi có địa hình phức tạp, vì thế ngay cả những sai lầm nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả lớn.

USS Connecticut được cho là loại tàu ngầm tối tân nhất trong số các tàu ngầm của Mỹ. Nó có giá thành 3 tỷ USD, di chuyển với tốc độ nhanh và được trang bị những thiết bị điện tử mới nhất. Dù được tích hợp những công nghệ phức tạp, con tàu vẫn gặp sự cố va vào một ngọn núi ngầm ở Biển Đông ngày 2/10. USS Connecticut hiện đang đồn trú tại một căn cứ hải quân của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương để sửa chữa sau sự cố này.

Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của Mỹ. Ảnh: AFP

Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của Mỹ. Ảnh: AFP

Tầm quan sát bị hạn chế

Hải quân Mỹ hôm 4/11 đã cung cấp một số manh mối về nguyên nhân dẫn đến sự cố này đồng thời sa thải một số nhân vật liên quan vụ việc. Sĩ quan chỉ huy của tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut, ông Cameron Aljilani, cùng sĩ quan điều hành - Trung tá Patrick Cashin và Chỉ huy trưởng Boat Cory Rodgers đã bị cách chức. Phát biểu khi công bố quyết định này, Phó Đô đốc Karl Thomas - chỉ huy Hạm đội 7 của hải quân Mỹ cho biết: “Nếu như các chỉ huy tàu ngầm phán đoán đúng đắn, ra quyết định thận trọng và tuân thủ quy trình bắt buộc trong lập kế hoạch điều hướng, theo sát sao công việc của nhóm vận hành và quản lý nguy cơ rủi ro, thì sự cố có thể đã không xảy ra”.

Môi trường dưới biển rất phức tạp và ngay cả những sai lầm nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả lớn. Bryan Clark, người đã có 25 năm kinh nghiệm làm việc với tàu ngầm cho biết: “Bạn không có bất cứ cửa sổ nào và không thể nhìn thấy bên ngoài. Bạn di chuyển trong đêm tối mà không có một cái nhìn rõ ràng về những gì đang diễn ra trước mặt”. Nhiệm vụ của tàu USS Connecticut ngày 2/10 thậm chí còn khó khăn hơn khi con tàu lặn ở độ sâu nông giữa địa hình phức tạp tại Biển Đông.

Ông Thomas Shugart, thành viên cấp cao của Trung tâm An ninh Mỹ, người đã có hơn 11 năm làm việc trên các tàu ngầm Mỹ cho biết: “Điều khiển tàu ngầm rất khó. Không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra theo đúng ý muốn”.

Theo chuyên gia này, tàu mặt nước hoặc những tàu ngầm lặn ở độ sâu mà kính tiềm vọng hoạt động được, có thể thu nhận thông tin từ các hệ thống định vị toàn cầu để cung cấp cho các thủy thủ vị trí chính xác. Nhưng khi lặn xuống sâu hơn, hệ thống GPS không sẵn có, các tàu ngầm phải sử dụng la bàn và bản đồ địa hình đáy biển.

Bản đồ đáy biển được tổng hợp bằng cách điều các tàu mặt nước qua một khu vực và thăm dò đáy bằng sóng âm- một phương pháp có tên gọi quét thủy âm đa tia. Tuy nhiên, quá trình này rất tốn kém và mất thời gian. Hiện 80% diện tích đáy biển trên Trái đất vẫn chưa được lập bản đồ.

Địa hình đáy biển phức tạp

Phát biểu với CNN, ông David Sandwell, giáo sư địa vật lý tại Viện Hải dương học Scripps ở California, Mỹ cho biết, riêng tại Biển Đông, khoảng 50% diện tích đáy biển chưa được lập bản đồ.

Biển Đông là tuyến đường biển nhộn nhịp, chiếm 1/3 lưu lượng vận chuyển hàng hóa của thế giới. Đây cũng là nơi Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng và bồi lấp các đảo nhân tạo trái phép. “Do đó không có gì ngạc nhiên khi tàu ngầm va phải một vật thể nào đó”, ông David Sandwell nói. Mặc dù Hải quân Mỹ chưa công bố chính thức vị trí mà con tàu USS Connecticut va phải núi ngầm, nhưng sử dụng phương pháp lấy các phép đo của vệ tinh về từ trường Trái Đất và kết hợp với kết quả thăm dò Biển Đông, ông Sandwell có thể xác địch được 27 địa điểm mà tàu Connecticut có khả năng đã va phải núi ngầm. Những địa điểm này đều không có trên bản đồ của Hải quân Mỹ.

Hải quân Mỹ cho biết, các tàu ngầm lớp Seawolf có thể lặn ở độ sâu tối đa hơn 243m, nhưng một số chuyên gia cho rằng con tàu này có thể lặn sâu gấp đôi. Các tàu ngầm đều có thiết bị định vị bằng sóng âm (sonar), nhưng khi sử dụng thiết bị này chúng sẽ mất khả năng tàng hình. Khi sonar hoạt động, nó tạo ra một xung âm thanh, thường được gọi là “ping” và sau đó theo dõi tín hiệu phản xạ từ các chướng ngại vật dưới nước.

“Việc sử dụng sonar là cách duy nhất giúp bạn quan sát được đáy biển, nhưng nó lại tạo ra nhiều âm thanh hơn mức cần thiết. Để có được hình ảnh chính xác chúng phải phát ra âm thanh khoảng 20 giây/lần, gây ra rất nhiều tiếng ồn”, ông David Sandwell nói.

Và ngay cả khi quan sát được địa hình bên dưới, cũng rất khó xác định những chướng ngại. “Về cơ bản, bề mặt của Mặt Trăng được vẽ biểu đồ tốt hơn đáy đại dương”, chuyên gia này nhận định.

Gregory B.Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận xét rằng: “Biển Đông không chỉ là một điểm nóng trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Nơi đây cũng gây quan ngại vì có địa hình phức tạp”. Theo chuyên gia này, một số khu vực ở Biển Đông đã được đánh dấu là khu vực nguy hiểm trên bản đồ trong nhiều thế kỷ.

Ông Clark cho biết thêm, một số vùng biển chỉ sâu hơn 150m hoặc hơn 180m, vì thế tàu ngầm phải đi qua một dải hẹp để làm sao vừa giữ khoảng cách với đáy biển lại vừa cách xa mặt nước nhằm tránh bị phát hiện.

“Bạn không thể lặn quá sâu để tránh va phải một vật thể chưa được phát hiện dưới đáy biển nhưng cũng phải nằm cách xa mặt nước để tránh thiết bị dò tìm của đối phương. Để có thể hoạt động an toàn bạn cần phải có bản đồ chính xác”. Chuyên gia này lưu ý, bản đồ đáy biển ở khu vực Biển Đông của Hải quân Mỹ có thể không chính xác bằng bản đồ đáy biển ở các vùng biển khác.

USS Connecticut không phải là tàu ngầm duy nhất va phải núi ngầm khi lặn sâu dưới biển. Vào ngày 8/1/2005, USS San Francisco - tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles của Mỹ đã lao vào một ngọn núi ngầm cách đảo Guam khoảng 563 km về phía nam, khiến 1 thủy thủ thiệt mạng và 97 người khác bị thương./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nguyen-nhan-khien-tau-ngam-my-va-phai-nui-ngam-o-bien-dong-903042.vov