Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp tính ở trẻ thường do một số loại virus gây ra hoặc nhiễm trùng đường ruột, ngộ độc thực phẩm hoặc một số bệnh không truyền nhiễm khác như viêm đại tràng.

 Các triệu chứng tiêu chảy cấp dao động từ đau bụng nhẹ trong 1-2 ngày kèm theo tiêu chảy nhẹ, đến tiêu chảy phân nước nghiêm trọng kéo dài vài ngày. Ảnh: Kidspot.

Các triệu chứng tiêu chảy cấp dao động từ đau bụng nhẹ trong 1-2 ngày kèm theo tiêu chảy nhẹ, đến tiêu chảy phân nước nghiêm trọng kéo dài vài ngày. Ảnh: Kidspot.

Tiêu chảy có thể khởi phát đột ngột và kéo dài dưới 2 tuần (cấp tính) hoặc dai dẳng (mạn tính). Trong hầu hết trường hợp, tiêu chảy sẽ cải thiện và hết trong vòng vài ngày, nhưng đôi khi có thể kéo dài hơn.

Nguyên nhân

Theo tạp chí Parents, nhiễm trùng đường ruột là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ. Thông thường virus là yếu tố phổ biến nhất gây tiêu chảy. Virus dễ dàng lây lan từ người sang người qua tiếp xúc gần hoặc khi người nhiễm bệnh chuẩn bị thức ăn cho người khác. Rotavirus, adenovirus và norovirus là những loại virus phổ biến gây bệnh tiêu chảy.

Ngộ độc thực phẩm gây ra một số trường hợp tiêu chảy. Ví dụ phổ biến nhất là các loài vi khuẩn như Campylobacter, Salmonella và Escherichia coli (E. coli).

Nước bị ô nhiễm bởi vi khuẩn hoặc các mầm bệnh khác cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh tiêu chảy truyền nhiễm trên toàn thế giới, đặc biệt ở các quốc gia có điều kiện vệ sinh kém.

Trong khi đó, các nguyên nhân không do nhiễm trùng gây tiêu chảy đột ngột thường không phổ biến ở trẻ em - bao gồm viêm ruột (viêm đại tràng), không dung nạp thực phẩm hoặc dị ứng như bệnh celiac.

Triệu chứng

Các triệu chứng phổ biến của bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em bao gồm:

Phân lỏng hoặc phân nhiều nước, ít nhất 3 lần trong 24 giờ
Đau quặn bụng. Cơn đau có thể giảm bớt sau mỗi lần tiêu chảy
Nôn mửa, thường tự khỏi trong vòng 24-48 giờ
Sốt
Đau nhức chân tay
Đau đầu

Tiêu chảy thường kéo dài trong 3-5 ngày, đôi khi lâu hơn. Nó thường tiếp tục trong vài ngày sau khi hết nôn mửa. Phân hơi lỏng có thể tiếp tục trong khoảng một tuần hoặc lâu hơn trước khi trở lại trạng thái bình thường.

Tiêu chảy và nôn mửa có thể gây mất nước. Mất nước nhẹ là tình trạng phổ biến và thường dễ dàng và nhanh chóng được khắc phục bằng cách uống nước. Mất nước nặng có thể rất nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời vì các cơ quan trong cơ thể cần lượng nước nhất định để hoạt động bình thường.

Các triệu chứng mất nước ở trẻ em bao gồm:

Đi tiểu ít
Miệng khô
Lưỡi và môi khô
Ít nước mắt hơn khi khóc
Mắt trũng sâu
Yếu ớt
Dễ cáu kỉnh hoặc thiếu năng lượng (lờ đờ)

Các triệu chứng mất nước nghiêm trọng ở trẻ em, cần được cấp cứu ngay lập tức, bao gồm:

Buồn ngủ
Da nhợt nhạt hoặc có đốm
Tay hoặc chân lạnh
Tã ướt rất ít
Thở nhanh (nhưng thường nông)

 Ngộ độc thực phẩm, nhiễm virus đường ruột là lý do phổ biến khiến trẻ bị tiêu chảy cấp. Ảnh: Freepik.

Ngộ độc thực phẩm, nhiễm virus đường ruột là lý do phổ biến khiến trẻ bị tiêu chảy cấp. Ảnh: Freepik.

Trẻ nào có nguy cơ?

Tình trạng mất nước ở trẻ em bị tiêu chảy cấp có nhiều khả năng xảy ra ở:

Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi và đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi có cân nặng khi sinh thấp và chưa đạt được cân nặng mong đợi.
Trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ nhưng đã ngừng bú trong thời gian bị bệnh.
Bất kỳ trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ nào không uống nhiều nước trong thời gian bị nhiễm trùng đường ruột (viêm dạ dày ruột).
Bất kỳ trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ nào bị tiêu chảy nặng và nôn mửa, đặc biệt nếu trẻ đã đi ngoài phân tiêu chảy 6 lần trở lên và/hoặc nôn 3 lần trở lên trong 24 giờ trước đó.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguyen-nhan-khien-tre-bi-tieu-chay-cap-post1567531.html