Nhà băng nào 'mạnh tay' cắt giảm nhân sự nhất trong 6 tháng đầu năm?

Trong vòng vài năm qua, làn sóng số hóa mạnh mẽ đã thổi bùng xu hướng tinh giản nhân sự tại nhiều ngân hàng, với con số cắt giảm lên đến hàng nghìn người. Xu hướng này sẽ giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả cũng như tái cấu trúc nguồn nhân lực tốt hơn.

Từ các khảo sát khách hàng trong ngành ngân hàng, Vietnam Report nhận định, số lượng phòng giao dịch giờ đây không còn là thước đo phản ánh mức độ phủ sóng hay sức cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường. Thay vào đó, chỉ số lượng giao dịch trực tuyến mới là thước đo quan trọng thể hiện khả năng tiếp cận và phục vụ khách hàng trong kỷ nguyên số.

Cắt giảm chi phí, gia tăng hiệu quả

Báo cáo tài chính quý II/2025 vừa công bố cho thấy, Ngân hàng Lộc Phát (LPBank) đã cắt giảm 367 nhân sự chỉ trong 3 tháng, nâng tổng số lao động tinh gọn trong 12 tháng qua lên 2.900 người, tương đương mức sụt giảm tới 24%. Đây là một con số gây chú ý khi so với quy mô nhân sự của nhà băng này trước đó.

Không chỉ LPBank, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đang chứng kiến sự co hẹp mạnh mẽ về lực lượng nhân sự. Trong quý I/2025, Sacombank giảm 930 nhân viên xuống còn 16.128 nhân viên, tương đương giảm 5,45% so với cuối năm 2024. Trước đó, trong suốt năm 2024, nhà băng này cũng duy trì xu hướng cắt giảm dần qua từng quý, từ 17.412 nhân viên xuống còn 17.058 nhân viên.

Tương tự, VIB ghi nhận mức giảm 495 người (4,37%) trong quý I/2025 và tổng cộng 750 người (6,47%) trong một năm qua tính đến cuối quý I/2025. TPBank cũng không nằm ngoài xu thế khi tinh gọn 124 nhân sự trong 3 tháng đầu năm, tương đương 1,57%.

"Việc đổi mới quy trình, tinh gọn bộ máy sẽ giúp TPBank tiết giảm thêm 300-500 nhân sự, giảm thêm chi phí vận hành, tối ưu hóa hoạt động", lãnh đạo nhà băng thông tin.

TPBank theo đuổi chiến lược số hóa từ sớm nên sớm tinh gọn nhân sự.

TPBank theo đuổi chiến lược số hóa từ sớm nên sớm tinh gọn nhân sự.

Một số ngân hàng như VPBank, NCB, KienlongBank… cũng cắt giảm nhân sự trong thời gian qua nhưng với số lượng ít hơn, dưới 100 nhân viên.

Theo khảo sát của VnBusiness từ báo cáo tài chính quý II/2025 đã được công bố, những ngân hàng cắt giảm nhân sự trong nửa đầu năm nay đều có lợi nhuận tăng trưởng.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý II/2025 của LPBank đạt 3.735 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do chi phí hoạt động tăng cao, lợi nhuận trước thuế giảm 1,5%, còn 2.988 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của LPBank đạt 7.018 tỷ đồng, giảm 1,3%; trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 6.164 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2024.

Đáng chú ý, dù số lượng nhân sự giảm, tổng chi phí cho người lao động của LPBank vẫn tăng 8% so với cùng kỳ, lên 1.557 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Thu nhập bình quân/tháng của nhân viên tăng từ 21,19 triệu đồng vào cùng kỳ năm ngoái lên 26,94 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm nay.

Tương tự, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của TPBank cũng có nhiều gam màu sáng, với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt trên 4.100 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Sở dĩ lợi nhuận 6 tháng đầu năm của TPBank tích cực là nhờ tăng trưởng tín dụng đạt gần 11,7%, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bán lẻ, bất động sản có kiểm soát và tài chính tiêu dùng - những mảng mang lại biên lãi ròng cao.

Trong khi đó, NCB tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương trong quý II/2025, ước đạt hơn 311 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, lợi nhuận sau thuế của NCB ước đạt hơn 462 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 6 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2024 (cao gấp 77 lần).

Kienlongbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý II/2025 đạt 565 tỷ đồng, tăng 67,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất của Kienlongbank kể từ quý I/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 921 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ 2024 và thực hiện được gần 67% kế hoạch kinh doanh năm 2025 (1.379 tỷ đồng).

Trong nửa đầu năm, động lực tăng trưởng lợi nhuận của Kienlongbank đến từ việc gia tăng nguồn thu và cắt giảm chi phí hoạt động.

Trong khi đó, một số ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2025, nhưng kết quả kinh doanh quý I ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh như: Sacombank lãi trước thuế hơn 3.674 tỷ đồng, tăng 38%; VIB đạt lợi nhuận trước thuế hơn 2.400 tỷ đồng, tăng 7%...

Số hóa thúc đẩy tái cấu trúc nhân sự

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng làn sóng cắt giảm nhân sự không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà là xu hướng chung trên toàn thế giới và diễn ra ở nhiều ngành khác nhau, trong đó có ngành ngân hàng. Trong đó, nguyên nhân nổi bật là việc các ngân hàng ứng dụng chuyển đổi số, nhiều công việc chuyển lên môi trường online nên số lượng nhân viên giảm đi.

"Nhiều ngân hàng vẫn liên tục tăng trưởng về thị phần, số lượng khách hàng, doanh thu mà không cần phải mở thêm chi nhánh vì tăng cường khả năng phục vụ khách hàng online. Câu chuyện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số khiến nhiều người bị mất việc là có xảy ra. Vì vậy, người lao động bắt buộc phải làm quen với công nghệ mới nhanh hơn, cập nhật thêm kỹ năng, trau dồi nghề nghiệp… để tránh bị cơn lốc này cuốn đi", ông Huân nói.

Điểm chung khi các ngân hàng thu gọn bộ máy là tập trung cắt giảm đầu mối nhân sự trung gian. Lãnh đạo ABBank cho biết trong quý đầu năm đã sắp xếp lại Hội sở theo hướng giảm tầng trung gian, đưa nhân sự về các đơn vị kinh doanh. Những vị trí trung gian có vai trò mờ nhạt ở các đơn vị kinh doanh cũng được tinh giản.

Theo ông Vũ Văn Tiền, Phó chủ tịch HĐQT ABBank, trong thời đại số hóa, ngân hàng đã và đang tinh giản bộ máy mạnh mẽ, có những bộ phận tinh giản 30 - 40% nhằm cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.

Ông Tiền cũng chia sẻ, ABBank đã đầu tư mạnh vào hệ thống công nghệ suốt nhiều năm qua, song song với việc giao việc kèm chỉ tiêu buộc nhân sự sử dụng công nghệ hiệu quả hơn. "Trước đây, các dự án được tư vấn dù tốn kém nhưng chưa thành công do thiếu phân công rõ ràng. Hiện tại, từng cá nhân phải năng động và chịu trách nhiệm với công việc được giao”, ông Tiền thông tin.

Trong khi đó, TPBank đẩy mạnh tự động hóa bằng việc đưa hàng trăm robot vào thay thế các tác vụ lặp đi lặp lại tại các bộ phận vận hành, giao dịch. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Hưng, điều này giúp nhân sự chuyển từ những công việc thủ công sang các nhiệm vụ đòi hỏi sáng tạo và giá trị gia tăng cao hơn.

Dự báo về xu hướng thời gian tới, theo Ngân hàng Nhà nước, tình hình việc làm ngành ngân hàng sẽ "khả quan" trong nửa cuối năm nay khi gần phân nửa tổ chức tín dụng có kế hoạch tuyển người, trong khi chưa đến 1/4 số ngân hàng dự kiến cắt giảm tiếp.

Nhìn về dài hạn, lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng xu hướng tinh gọn kéo dài ít nhất đến năm 2030, nhưng các vị trí về công nghệ, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng... vẫn không ngừng phải tuyển thêm.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/nha-bang-nao-manh-tay-cat-giam-nhan-su-nhat-trong-6-thang-dau-nam-1108349.html