Nhà báo - anh là ai?

Hôm nay, ngày 21/6/ 2024 giới báo chí cả nước nô nức kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925 - 2024). Như thông lệ, các cơ quan báo chí ngoài tổ chức lễ kỷ niệm ôn truyền thống, còn có rất nhiều hoạt động bề nổi về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, công tác xã hội- từ thiện…; và tất nhiên không thể thiếu các buổi hội thảo, tọa đàm về nghề báo.

Trong các cuộc hội thảo, tọa đàm đó nội dung thường ẩn chứa một câu hỏi luôn mang tính thời sự, liên quan đến nghề báo, chủ thể nghề báo, đó là: Nhà báo- anh là ai?

Ảnh minh họa.

Những phóng viên mới rời ghế giảng đường rất dễ dàng đáp: Nhà báo được gọi là “thư ký của thời đại”, bằng ngòi bút, ống kính, ghi âm… họ ghi chép, phân tích, bình luận, hình thành tác phẩm và được in, phát trên các phương tiện truyền thông… vân và vân vân.

Trả lời như thế cũng đúng nhưng chưa đủ, đó mới là công việc của một nhà báo, còn những nhân tố quan trọng cấu thành một nhà báo, đó là trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của nhà báo.

Trước tiên nhà báo là một công dân, một thành viên trong xã hội. Do vậy, nhà báo phải có nghĩa vụ chấp hành các quy định của pháp luật. Nhà báo phải có ý thức sống và làm việc theo khuôn khổ của pháp luật, phải biết tuân thủ những quy ước về đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt công việc của mình.

Hoạt động báo chí là hoạt động xã hội. Thông qua tác phẩm của mình, nhà báo có ảnh hưởng to lớn trong định hướng nhận thức, tác động vào tình cảm và hình thành các hành vi đối với công chúng. Một quan điểm, một tư tưởng, thông qua báo chí có thể trở thành quan điểm, tư tưởng của toàn xã hội. Đây cũng là yếu tố luôn đòi hỏi nhà báo có một trọng trách lớn lao với sự phát triển của xã hội.

Như vậy, trách nhiệm xã hội của nhà báo chỉ được phát huy, khi nhà báo là một công dân tốt. Và chỉ khi là một công dân tốt, nhà báo mới thực sự thể hiện được trách nhiệm tích cực với xã hội của mình, hoạt động của nhà báo mới thực sự trở thành động lực thúc đẩy tiến trình phát triển của xã hội.

Ngoài trách nhiệm công dân, nhà báo còn phải có trách nhiệm xã hội.

Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo trước hết thể hiện ở phẩm chất chính trị của nhà báo. Điều đầu tiên mỗi nhà báo cần phải có đó là lập trường chính trị vững vàng. Nhãn quan chính trị luôn tác động trực tiếp đến hoạt động lựa chọn sự kiện, nắm bắt tình hình, đến phân tích, luận giải các vấn đề xã hội, đất nước của nhà báo.

Thời điểm này, thời đại 4.0 cũng phải đòi hỏi “Nhà báo 4.0”. Trước cơn lốc truyền thông số, nhà báo thời kỳ 4.0 cần có những tiêu chí cụ thể: Có trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, làm chủ kỹ thuật đa phương tiện, công nghệ làm báo hiện đại. Một nhà báo đa năng phải là người làm được nhiều việc, không chỉ viết cho báo in, báo điện tử mà có thể sản xuất các sản phẩm đa phương tiện khác.

Thời đại 4.0 đem đến cho các nhà báo sự tiện lợi và cơ hội phát huy sở trường và khả năng của mình, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong quá trình tác nghiệp. Công nghệ sẽ giúp cho nhà báo khả năng tiếp cận với chủ đề, sự kiện nhanh hơn nhưng sẽ làm thui chột kiến thức và khả năng tư duy của nhà báo nếu nhà báo đó có tư tưởng ỷ lại vào kỹ thuật và công nghệ.

Không có nghề nào dễ, nghề báo là nghề tạo ra sản phẩm tinh thần xã hội cho nên càng khó hơn. Chính vì vậy, nhà báo- anh phải luôn nhận thức và rèn luyện cho mình phẩm chất nghề nghiệp toàn diện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Việc học tập và tu dưỡng đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp suốt đời luôn là mục tiêu phấn đấu của những người làm báo chân chính trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nha-bao-anh-la-ai-119761.html