Nhà báo cao tuổi với kịch bản truyền hình đạt giải A
Tôi quen biết ông Lê Quang Thông từ những năm đầu tỉnh mới được lập lại, cách đây cũng đã hơn 30 năm. Lúc đó ông là Phó Giám đốc Đài Phát thanh Quảng Trị. Tuy mới gặp lần đầu cùng với một người bạn đang công tác ở đài, ông hỏi tôi 'có muốn về làm việc ở đài không' nhưng lúc đó tôi đang là phóng viên của Báo Quảng Trị. Thời điểm ấy mới chia tỉnh nên Đài Phát thanh Quảng Trị thiếu các phương tiện, trang thiết bị và cả nguồn nhân lực. Đài không đủ người để làm các chương trình cần thiết, thấy ai tốt nghiệp đại học, có năng khiếu, viết được, tâm huyết với nghề thì ông Thông và các thành viên trong ban giám đốc sẵn sàng đón nhận.
Sau khi tốt nghiệp Trường Tuyên huấn Trung ương, ông Lê Quang Thông về công tác tại Đài Phát thanh tỉnh Bình Trị Thiên, là phóng viên chuyên viết về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong những năm còn bao cấp, khó khăn.
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhà báo Lê Quang Thông không quản ngại đi thực tế đến các địa bàn còn khó khăn để phản ánh cuộc sống, lao động, sản xuất của người dân, từ Bến Hải đến Hướng Hóa, Triệu Hải, Phong Điền…
Trung bình 2-3 ngày, ông hoàn thành một bài viết. Năng lực viết của ông được thừa nhận nên sau một thời gian, ông được bổ nhiệm phó phòng thời sự. Đến năm 1989, khi về Đài Phát thanh Quảng Trị làm việc, ông được bổ nhiệm làm trưởng phòng nội dung, sau đó được đề bạt, bổ nhiệm làm phó giám đốc phụ trách về nội dung.
Sinh ra ở xã Vĩnh Thành (nay là xã Hiền Thành), huyện Vĩnh Linh, bên bờ Bắc vĩ tuyến 17, tuổi thơ ông Thông chứng kiến bao đau thương, mất mát của một cuộc chiến tranh kéo dài.
Sống ở một “điểm nóng” như vậy nên hằn sâu trong ký ức của ông là tiếng bom đạn, tiếng khóc, lời chia tay tiễn biệt, là cảnh hy sinh, đau thương mất mát. Cùng với đó là nỗi khát khao hòa bình, thống nhất, cuộc sống đoàn tụ, yên vui. Tất cả những ký ức và niềm ước vọng ấy được ông dồn nén trong kịch bản phim “Bao giờ thuyền lại sang sông”.
Ông cho biết, sau ngày giải phóng miền Nam, ông có ý định viết tác phẩm này nhưng mãi đến năm 1996 mới viết xong và sau đó Hãng phim Đài Truyền hình Việt Nam đưa vào sản xuất với thời lượng 2 tập. Bộ phim khắc họa những năm tháng chiến tranh ác liệt với nhiều mất mát, hy sinh ở một bến đò khu vực phía Bắc vĩ tuyến 17.
Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là o Hiền, nữ du kích, nhân viên y tế trong đội tải thương, người con của quê hương Vĩnh Linh gan dạ, anh dũng trong những ngày mưa bom bão đạn. O Hiền có tình yêu đẹp, trong sáng với anh bộ đội từ miền Bắc vào là anh Thành.
Thành được o Hiền chữa trị vết thương và tình yêu của họ nảy nở trong những tháng ngày gần gũi ở hầm trú ẩn. Trải qua bao sóng gió, tưởng rằng người yêu đã hy sinh ở chiến trường miền Nam, o Hiền thầm lặng chịu đựng nuôi con, thờ chồng cho đến ngày 2 người gặp lại nhau.
Người xem phim có cảm nhận giữa bom đạn chết chóc, tình yêu của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi lại nảy nở, đơm hoa một cách tự nhiên. Họ dành cho nhau bao lời yêu thương và sự chăm sóc ân cần, chu đáo. Bộ phim như một bài ca về chiến tranh và tình yêu của những người cùng chung chiến hào.
Cách kể chuyện dung dị, không ồn ào, khoa trương, nhiều chi tiết chọn lọc, không nhiều lời thoại, có những quãng lặng đầy cảm xúc. Bộ phim cũng chất chứa nhiều ước vọng về hòa bình, một cuộc sống mới tươi vui. Xem phần cuối tập 2 mặc dù là cảnh tươi sáng của bến đò năm cũ nhưng người xem vẫn cảm thấy xúc động khi anh Thành - người yêu của o Hiền sau nhiều năm xa cách, thất lạc đã trở về với tâm nguyện xây dựng cầu tình nghĩa tại bến đò xưa.
Trong ngày khởi công, anh đã gặp lại người yêu và cô con gái nay đã trưởng thành. Đó là kết thúc có hậu của những người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Và niềm vui, hạnh phúc của họ thực sự trọn vẹn khi mọi người được đoàn tụ bên nhau.
Bộ phim mang lại vinh dự cho ông Lê Quang Thông và đạo diễn Trần Quốc Trọng khi được chiếu nhiều lần trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 2022, trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao tặng giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Quảng Trị 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển (1972-2022) cho tác giả của kịch bản này.
Một kịch bản khác của ông Thông là “Cò về tháng 7”, cũng viết về đề tài chiến tranh được Đài Truyền hình Việt Nam dựng thành phim. Viết kịch bản phim chỉ là một sự rẽ ngang, là sự thôi thúc viết những điều không thể không viết nhưng không ngờ sự rẽ ngang đầy ngẫu hứng này mang lại cho ông một phần quả ngọt.
Công việc chính trong nhiều năm của ông Thông vẫn là làm báo nói, báo hình, làm nhà quản lý, biên tập hay chỉ đạo sản xuất các chương trình của đài đáp ứng nhiệm vụ chính trị hay yêu cầu của người nghe, người xem.
Ngoài một số ít kịch bản truyền hình, sau ngày về hưu, ông gom góp những bài viết tâm đắc của mình trong suốt 25 năm qua để xuất bản tập ký “Mưa xổ bùn” cùng với một tập thơ có tên rất trẻ là “Trốn tìm”.
“Mưa xổ bùn” có một số bài viết sâu lắng về vùng quê Vĩnh Linh, về dòng sông Bến Hải như “Dưới bóng cờ Hiền Lương”; “Âm vang một dòng sông”; “Hương chè Bến Hải”; “Với Cồn Cỏ”. Nhà báo Quang Thông cũng rất xông xáo, trăn trở trong các bài đậm chất thời sự như “Mắt bão”, “Mưa xổ bùn”, “Chuyện từ Khe Gió”…
Đọc tập ký thấy hơi thở cuộc sống với nhiều sự kiện xảy ra trên quê hương được ông ghi chép, lưu giữ. Trong đó thật khó quên trận lũ dữ dội đêm 30/10/1983, được ông ghi lại rất sinh động: “Triệu Hải lại đang mưa to. Mưa ầm ầm đổ trên mái nhà. Mưa ào ào đổ xuống mặt đường lầy lội như muốn xóa đi dấu vết của cơn “đại hồng thủy” thế kỷ XX vừa xảy ra trên vùng đất này…
Các xã phía trên đường 1 như Hải Sơn, Hải Lâm, Hải Chánh, nhiều nhà cửa, trâu bò bị cuốn trôi, nhiều người chết và mất tích. Nước từ trên núi băng băng đổ về vùng đồi tuôn ra các sông lớn rồi tràn lên uy hiếp công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn và các vùng xung yếu Triệu Thượng, Triệu Long, Triệu Thành, Triệu Giang…” (Mưa xổ bùn).
Một số bài trong tập ký phản ánh cuộc sống với nhiều đổi thay ở các miền quê như “Bài ca Quảng Phước”, “Mầm xuân vẫy gọi”, “Dưới màn khói bạc”, “Chuyện từ Khe Gió”… Đọc “Mưa xổ bùn”, ta như thấy tác giả đang đứng ở nơi đầu của sự kiện để cùng san sẻ nỗi vui buồn với người dân…
Cũng xin nói thêm, vợ chồng ông Lê Quang Thông cùng làm “nhà đài” Quảng Trị cho đến ngày nghỉ hưu.
Ông làm quản lý, còn chị là phóng viên, về sau làm ở bộ phận tư liệu. Hiện vợ chồng ông ở trong ngôi nhà yên tĩnh ở đường Phạm Đình Hổ, Phường 5, TP. Đông Hà, thảnh thơi tuổi già với con cháu. Bước sang tuổi 80, ông vẫn còn trẻ trung, phong độ và niềm tin yêu lạc quan với đời như trong 2 câu thơ của ông: “Bất chợt bông mai vàng trước ngõ/Ô hay lên lão lại là xuân” (Lên lão).