Nhà báo đầu tiên hi sinh trong kháng chiến chống Pháp
Nhà báo Trần Kim Xuyến, đại biểu Quốc hội khóa I, Phó Giám đốc Nha Thông tin (Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam ngày nay) là nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng nước ta hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Trên quê hương nhà báo Trần Kim Xuyến bên dòng sông Ngàn Phố, các thế hệ làm báo đang tiếp bước, noi gương ông để xây dựng, phát triển báo chí tỉnh nhà bắt kịp dòng chảy của công cuộc đổi mới.
Nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến sinh năm 1921 bên dòng sông Ngàn Phố thơ mộng, thuộc xã Sơn Mỹ (nay là Tân Mỹ Hà), huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Vinh (Nghệ An), ông được bổ nhiệm làm việc ở tòa sứ tỉnh Bắc Giang. Năm 1943, Trần Kim Xuyến chuyển về Hà Nội hoạt động cách mạng. Một năm sau đó, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò, ông vượt ngục thành công, tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng và trở thành một trong những yếu nhân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Bác Hồ chỉ thị tham gia thành lập Đài phát thanh Quốc gia. Sau Cách mạng Tháng Tám, Trần Kim Xuyến được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, vận hành các cơ quan thông tấn, cơ sở vật chất kỹ thuật thông tin của chính quyền cũ. Chính phủ lâm thời được thành lập, nhà báo Trần Kim Xuyến được cử làm Phó Giám đốc Nha Thông tin (tiền thân của Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam ngày nay), là đơn vị thuộc Bộ Thông tin Tuyên truyền. Ông được giao trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông tấn xã.
Tháng 1/1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I ở khu vực Bắc Giang và là một trong những đại biểu trẻ nhất của Quốc hội. Ngày 3/3/1947, phát hiện đài phát sóng của ta ở chùa Trầm, thực dân Pháp huy động quân giới ào ạt tấn công, Trần Kim Xuyến đạp xe đi các nơi để chỉ huy việc sơ tán tài liệu. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, ông đã trúng đạn và hy sinh tại Đầm Sen, xã Ngọc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn), huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Được tin Trần Kim Xuyến hy sinh, Bác Hồ đã khóc.
Trần Kim Xuyến là nhà lãnh đạo đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động Quốc hội, hoạt động báo chí, đặc biệt xây dựng Thông tấn xã từ những ngày đầu bằng việc phát đi toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Pháp vào ngày 15/9/1945. Trần Kim Xuyến đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Tháng 2/1954, em trai ông là Trần Kim Luyện cũng đã hy sinh trong một trận chống càn ác liệt ở Hà Nam. Mẹ ông, cụ Nguyễn Thị Lan đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Ngày 3/3/2013, đúng vào kỷ niệm 66 năm ngày mất của ông, tại quê nhà Tân Mỹ Hà, Nhà lưu niệm nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến đã được khánh thành, đưa vào sử dụng. Đây là công trình có ý nghĩa để các thế hệ làm báo cách mạng, chính quyền và nhân dân địa phương cùng bày tỏ sự biết ơn, ghi nhớ công lao của ông, người đã ngã xuống trong những ngày đầu của cuộc đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước, là niềm tự hào của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ghi nhớ, học tập và làm theo tấm gương báo chí cách mạng của liệt sĩ Trần Kim Xuyến, những người làm báo bên dòng sông Ngàn Phố quê hương ông nói riêng, các thế hệ báo chí cách mạng trong cả nước nói chung, trong suốt hành trình làm báo của mình, luôn hướng đến con đường làm báo mà nhà báo Trần Kim Xuyến đã lựa chọn, không ngại dấn thân, không ngừng sáng tạo, hướng đến nền báo chí vì cộng đồng, vì nhân dân phục vụ như cách đây 76 năm về trước, nhà báo Trần Kim Xuyến đã cống hiến.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, những người làm báo ở đất Lam Hồng luôn lấy tấm gương nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến để tiếp thêm động lực trong quá trình hoạt động báo chí của mình. Hằng năm, dịp kỉ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo ở Hà Tĩnh lại hành hương về huyện Hương Sơn, dâng hương tại Nhà tưởng niệm của nhà báo Trần Kim Xuyến, cùng với đó là chuỗi các hoạt động thăm tặng quà cho các trường hợp khó khăn, vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Những hoạt động này là thường niên, vừa để tri ân công lao của liệt sĩ, cũng là dịp nhắc nhở, răn dạy các thế hệ làm báo, nhất là những người trẻ, luôn phải học tập, noi gương các vị tiền bối, thường xuyên trau dồi kĩ năng để ngòi bút phải luôn hướng đến cộng đồng.
Ông Bùi Nhân Sâm, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn cho biết, vinh dự và tự hào khi quê mẹ Hương Sơn là nơi sản sinh và nuôi dưỡng nên một nhân tài cho nền báo chí cách mạng Việt Nam như liệt sĩ Trần Kim Xuyến. Tưởng nhớ và tri ân ông, Đảng bộ và nhân dân Hương Sơn đã có nhiều việc làm, xây đắp nên nhiều công trình, chuỗi sự kiện để khắc ghi công lao của một nhà báo luôn vì nhân dân. Tháng 6/2017, nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn đã chính thức gắn biển tên đường mang tên ông. Đường Trần Kim Xuyến có chiều dài hơn 2km, rộng 12m, bắt đầu từ ngã tư Phố Châu nối đường Hồ Chí Minh, đây cũng là một trong những con đường đẹp nhất phố huyện Hương Sơn. Với việc chọn tên ông để đặt tên đường, Hà Tĩnh đã góp tên mình vào danh sách 4 địa phương trên cả nước, tính đến thời điểm này có đường phố mang tên Trần Kim Xuyến, sau Hà Nội, Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh.
Ngày 21/8/2019, tại huyện Hương Sơn, ngôi trường Trung học cơ sở mang tên Trần Kim Xuyến cũng đã được thành lập, trên cơ sở sáp nhập trường THCS Bằng Phúc và Trường THCS Thủy Mai, đóng chân trên địa bàn xã Sơn Bằng. Ngoài ra, từ năm 2020, huyện Hương Sơn cũng đã chính thức có giải bóng chuyền nữ tranh cup Trần Kim Xuyến. Đây là hoạt động thường niên, được tổ chức vào tháng 6 hằng năm, đúng vào thời điểm kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam để tôn vinh nhà báo cách mạng đầu tiên hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với hàng trăm nhà báo đã ngã xuống trong các cuộc trường chinh của dân tộc, sự hy sinh của nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến đã truyền lửa cho các thế hệ sau, nối dài hành trình dấn thân không ngừng nghỉ của những người làm báo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.