Nhà báo Nguyễn Hồng Sáng - Báo Quân đội Nhân dân: Ngắm hoa lan nở giữa Trường Sa

So với các bạn đồng nghiệp, tôi được ra Trường Sa muộn màng đôi chút, nhưng may mắn được chứng kiến các giò phong lan nơi đây đua nở, khoe sắc giữa trùng khơi khi tiếng ve bắt đầu gọi hè. Gần 10 ngày lênh đênh trên biển, dù không nhiều nhưng đủ để chúng tôi thấu hiểu những gian truân, hy sinh của quân và dân nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Đất liền dần xa khuất, chỉ còn sóng, gió và biển trời bao la. Biển nước mình đẹp quá, nước xanh thăm thẳm một màu ngọc bích, bất chợt từng đàn cá Chuồn chao liệng trên những cánh sóng. Biển cũng như muốn nói giùm lên bao ngày nhớ thương của đất liền với Trường Sa. Dưới thân tàu, những con sóng bạc hiền hòa vỗ mạn tàu rồi lại hòa vào xanh thẳm, như triệu triệu người con trên đất nước này hòa trong hai tiếng Việt Nam. Tình yêu Tổ quốc vốn là thứ vô hình, nằm sâu trong tâm khảm, nhưng trong chuyến đi đặc biệt đến với Trường Sa, tựa hồ như ta cầm nắm, nhìn thấy, thổn thức ngay trong lồng ngực.

Những ngày tháng 4, biển vẫn dịu dàng nhưng đâu đó bắt đầu xuất hiện những con sóng “bạc mái đầu” khiến con tàu thêm nghiêng ngả. Song những con sóng không làm cho lòng người lay động, tình yêu của đất liền của 100 triệu trái tim người con đất Việt gửi đến với những con người can trường đang ngày đêm bám biển, bám đảo giữ vững từng thước đấc của cha ông để gìn giữ cho con cháu muôn đời sau. Những chuyến cano vẫn vượt từng lớp sóng đến với điểm đảo. Nơi đó, có những mái chùa văng vẳng tiếng chuông. Những lớp học với tiếng trẻ thơ ê a học bài hòa cùng rì rào của biển cả với bao vần thơ lay động: “Con lớn lên sẽ làm bộ đội/ Cùng bao người, con hướng tới Trường Sa/ Theo lớp cha anh bảo vệ nước non nhà/ Yêu Tổ quốc như yêu cha và mẹ…”.

 Chiến sĩ trẻ trên đảo Sinh Tồn chăm sóc những giò lan trên đảo... Ảnh: Nguyễn Hồng Sáng

Chiến sĩ trẻ trên đảo Sinh Tồn chăm sóc những giò lan trên đảo... Ảnh: Nguyễn Hồng Sáng

Những ngày đầu hè, không khí ở Trường Sa có phần hanh hao, tiết trời đặc trưng giữa biển trời Tổ quốc. Khắp các đảo lớn, đảo nhỏ trên quần đảo Trường Sa, ánh nắng ngập tràn. Dưới cái nắng vàng óng như mật, pha chút mặn chát của biển khơi, những khóm hoa bàng vuông, mù u, muống biển, phong lan... rung rinh khoe sắc. Phía xa xa, đàn cò trắng lững thững dạo chơi giữa sắc xanh mướt của cỏ cây, hoa lá; vài cánh én trao lượn, nô đùa trên sóng. Trời - biển Trường Sa xanh ngắt một màu, gió lộng bốn bề, chan hòa trong nắng vàng rực rỡ. Những hòn đảo khô cằn, chỉ có nắng, gió và cát, sức sống nơi đây vẫn vươn mình mạnh mẽ.

Trên đảo Sinh Tồn, những chàng lính trẻ đang hối hả chuẩn bị các hoạt động đón đồng bào từ đất liền ra thăm Trường Sa. Với họ, đảo là nhà - biển cả là quê hương, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi những ngày này, nơi nào trên đảo cũng rộn rã tiếng nói, tiếng cười, xen lẫn giai điệu các bài ca cách mạng phát ra từ đôi loa thùng cỡ lớn trước cửa hội trường. Hình ảnh các chiến sĩ trẻ quây quần dưới tán cây bàng vuông, cây phong ba, cùng người dân trên đảo vừa gói bánh chưng, vừa chuyện trò rôm rả thật ấm cúng, lãng mạn...

Trong không gian ấm cúng ấy, nhiều người không khỏi bất ngờ, thú vị khi bắt gặp hình ảnh những giò phong lan đang đua nhau khoe sắc. Vừa nhẹ nhàng tưới tắm cho từng giò lan, Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Dũng - nhân viên cơ yếu đảo Sinh Tồn vừa vui vẻ, tâm sự: “Vườn lan của chúng tôi tuy nho nhỏ, nhưng hội tụ tình cảm, niềm tin của đồng bào, chiến sĩ trên mọi miền Tổ quốc!”. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh giải thích, mấy năm gần đây, thỉnh thoảng các đoàn khách từ đất liền khi ra với Trường Sa thường mang theo vài ba giò lan tặng bộ đội trên đảo, cũng vì thế chủng loại cũng khá phong phú.

Nâng niu trên tay từng giò lan quý, anh giới thiệu: Đây là giống hoa lan Phi Điệp, Giáng Hương, Bạch Nhạn vùng Tây Bắc. Đây là lan Hồng Bồng Lai, Bạch Tuyết, Thảo Chi vùng Tây Nguyên. Còn đây là quà tặng của ông Huỳnh Văn Tiểng, ngư dân đánh bắt xa bờ, đến từ tỉnh Phú Yên, trong lần ghé thăm đảo mới đây đã gửi tặng lính đảo. Giò lan này ông quý lắm, thường treo trước cửa phòng ngủ trên tàu, nhưng đã quyết định đem tặng bộ đội đảo Sinh Tồn. Ông tin rằng, bàn tay khéo léo cùng tình yêu thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, cán bộ, chiến sĩ trên đảo sẽ giúp cho loài phong lan này mỗi ngày thêm khỏe chồi, xanh lá, vững vàng trước sóng dữ trùng khơi.

Đúng như kỳ vọng của ông Huỳnh Văn Tiểng cũng như đồng bào, chiến sĩ cả nước, theo cán bộ, chiến sĩ nơi đây, thời gian đầu mới “ra đảo”, phần lớn các giò lan đều “lạ nước lạ cái”, vàng vọt, khó nuôi. Nhưng bàn tay khéo léo của cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã “thuần dưỡng” từng loại lan “khó tính” nhất, giúp chúng sớm thích nghi với môi trường, khí hậu ở Trường Sa.

 Giờ sinh hoạt nghỉ ngơi của lính đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Hồng Sáng

Giờ sinh hoạt nghỉ ngơi của lính đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Hồng Sáng

Quả thật, trước đây, mỗi nghe đến Trường Sa, tôi thường hình dung đến những quả bàng vuông, những cây phong ba chống chịu mưa giông, bão táp, nghĩ đến những con ốc biển đủ mọi sắc màu... Giờ tôi hiểu thêm sự lãng mạn, yêu đời của bộ đội Trường Sa khi dành bao tâm huyết chăm bẵm cho những giò phong lan như chăm bẵm cho những đứa trẻ mới lọt lòng.

Chăm sóc hoa phong lan trên đất liền, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi vốn đã khó, chăm sóc loài hoa “đỏng đảnh” này ngoài Trường Sa, khí hậu khắc nghiệt, nắng gió quanh năm, khó khăn gấp bội phần. Tuy nhiên, nghe chỉ huy đơn vị kể về xuất xứ, kỹ thuật chăm sóc đối với của từng loài hoa, rồi chứng kiến các anh chăm sóc chúng hết sức kỳ công, tôi nhận thấy cán bộ, chiến sĩ nơi đây như tường tận từng nhịp thở, mao mạch của mỗi loài phong lan vậy.

Không phụ công người chăm sóc, vườn hoa lan của cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn gần như mùa nào cũng có trổ hoa. So với các loài lan trong đất liền, lan ở ngoài đảo nở sớm hơn. Bộ đội trên đảo thường nói vui, “những giò lan ở đảo Sinh Tồn như chiều lòng quân và dân nơi đây khi sớm bung ra những cánh hoa biêng biếc, giúp các chiến sĩ giữ đảo chúng tôi được hưởng không khí của mùa xuân sớm hơn đất liền”. Cũng là chào đón các chiến sĩ mới lần ra đảo và chia tay các chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về đất liền. Hẳn cũng như tôi, các chiến mới sẽ ngạc nhiên, thú vị lắm khi bắt gặp những giò phong lan bung hoa khoe sắc giữa trùng khơi nắng gió. Hẳn các chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, khi trở về đất liền cũng sẽ nhớ mãi những giò phong lan trên đảo...

Say ngắm những giò phong lan đang lung linh khoe sắc, tôi cũng bắt đầu hình dung ra cái Tết ở Trường Sa, chắc hẳn cũng vui vẻ, ấm áp chẳng khác nào đất liền, khi có đầy đủ bánh chưng, kẹo ngọt. Đặc biệt, sẽ có những giò phong lan đẹp nhất được bộ đội treo trong phòng đón xuân, để rồi cùng lắng nghe nhịp thở của mùa xuân đang ùa về khắp biển trời Tổ quốc.

Dưới tán bàng vuông với những bông hoa đang bung nở khoe sắc, từng tốp lính đảo quây quần đàn hát, hoan ca. Xa xa, tiếng sóng biển vỗ ì oạp vào lũy kè, hòa cùng tiếng bước chân người chiến sĩ tuần tra, bóng người in hình xuống mặt cát trắng xóa. Thế đấy! Mùa xuân cứ đều đặn đến rồi đi, người lính đảo vẫn vững vàng, kiên trung nơi đầu sóng ngọn gió...

Nguyễn Hồng Sáng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-bao-nguyen-hong-sang--bao-quan-doi-nhan-dan-ngam-hoa-lan-no-giua-truong-sa-post299606.html