Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh ra mắt 'Viễn ca'
'Viễn ca' là tập thơ thứ ba của tác giả Nguyễn Tiến Thanh mang đậm chiều sâu của những suy tưởng, cái khác lạ của ngôn ngữ và hệ thống thi ảnh.
Sáng 28/8, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh (Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam) ra mắt bạn đọc tập thơ “Viễn ca” gồm 39 bài thơ được ông viết sau khi đã xuất bản thành công cùng lúc 2 tập thơ “Loạn bút hành” và “Chiều không tên như vết mực giữa đời” do Nhà xuất bản Văn học xuất bản trong năm 2021.
Tham dự buổi lễ có sự góp mặt của ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Phạm Xuân Nguyên, nhà phê bình văn học; các cấp hội nhà báo cùng đông đảo đồng đội, đồng nghiệp của tác giả và bạn đọc.
Phát biểu tại buổi ra mắt thơ, ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ sự bất ngờ, vui mừng khi đọc được những dòng thơ trong Viễn ca. Không giấu được niềm vui, ông Thiều cho biết đọc tập thơ lần này đã cảm nhận được sự sáng tạo, khác biệt trong ngôn ngữ, giọng điệu so với các bài thơ trước đây của tác giả. Hơn cả, là sự trân quý, biết ơn khi làng văn chương Việt Nam vẫn được giữ gìn, phát triển. Buổi ra mắt tập thơ Viễn ca hôm nay chính là cầu nối giúp gắn kết những người yêu thi ca lại với nhau, tạo nên bầu không khí thân tình hiếm có, rất thơ ca.
Ông Thiều hy vọng lớp trẻ sẽ hiểu, giữ gìn và phát huy được nét đẹp văn chương của dân tộc ta.
Tại buổi lễ ra mắt, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo đều nhấn mạnh, Viễn ca là bước ngoặt trên con đường sáng tạo thi ca của Nguyễn Tiến Thanh. Ngòi bút phóng khoáng, tự nhiên, tinh nghịch theo dòng cảm xúc trong thơ ông đã không còn nhiều.
Chia sẻ với VietTimes, thi sĩ Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ đây là tập thơ thứ 3 được ra mắt trong hành trình thi ca của ông. Khác với 2 tập thơ trước, ở tác phẩm mới có sự khác biệt trong ngôn ngữ, giọng điệu thơ. Đây chính là kết quả đánh dấu chặng hành trình nhân sinh, sáng tạo của tác giả. Tại thời điểm sáng tác ra Viễn ca, ông có nhiều trải nghiệm hơn, suy tư hơn vì vậy ngôn ngữ, hình ảnh thơ có khác so với trước đây nhưng hồn cốt của thơ vẫn như thuở ban đầu.
Nhà phê bình văn học Hoài Nam chia sẻ: “Thơ Nguyễn Tiến Thanh trong tập Viễn ca mang hơi hướng suy tưởng những phương trời viễn mộng. Những phương trời viễn mộng ấy sẽ thành tựu khi, bằng liên tưởng và tưởng tượng, nhà thơ đã kết nối những sự vật, sự việc, tâm trạng đời thường, mang tính chất cá nhân hóa, với tất thảy những gì thuộc về phạm trù cái xa xôi, ảo diệu để làm nên thi ảnh lạ”.
Trong tập Viễn ca, còn có những bài thơ mà chất triết lý nổi lên như là phẩm chất thứ nhất, và làm thành một thi sĩ Nguyễn Tiến Thanh khác hẳn. Bài thơ có tên là “Đường thẳng” chẳng hạn. Cả bài thơ là những băn khoăn nghi vấn của một lữ khách về con đường mà mình đang đi, ở đây là đường đời. Anh ta đi đường thẳng, như một định mệnh, và khá yên ổn. Nhưng đột nhiên anh ta lại nghĩ đến lối rẽ: “Tại sao không chọn một lối rẽ/ Mất gia tốc và quán tính/ Mất thói quen và mất ngôn ngữ/ Nhưng sẽ được gập ghềnh và bụi rậm”.
Cái chất tinh nghịch, ào ạt, phóng khoáng đã bớt đi, nhưng bù lại, tập thơ mới của anh thêm sự giàu có về chiều sâu của những suy tưởng, cái khác lạ của ngôn ngữ và hệ thống thi ảnh.
Nguyễn Tiến Thanh không chủ trương cách tân thơ, thậm chí thơ anh còn nghiêng nhiều về phía cổ điển. Thế nhưng đọc thơ anh luôn cảm nhận được sự mới mẻ nào đó, sự mới mẻ trong thơ của một người thơ không ngừng đào sâu tìm kiếm chính mình. Và không ngừng suy tưởng về những phương trời viễn mộng.
Cùng chung quan điểm với nhà phê bình Hoài Nam, nhà văn Nguyên Tô cũng cảm nhận ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Tiến Thanh vốn không có xu hướng cách tân hay cầu kì. Với ông, thơ phải là khúc ca của cảm xúc và dù thi sỹ có làm gì, tìm tòi ra sao, thì cuối cùng vẫn chỉ để bật lên những cảm xúc chân thành, đắm đuối nhất.
“Đến với Viễn ca, tinh thần ấy vẫn không thay đổi. Thơ chính là một hình thức sống, một nơi ẩn trú của cảm xúc, không chỉ đóng khung trong không gian thơ ngây, mà còn mang cả bụi bặm phố phường với ý thơ táo bạo", nhà văn Nguyên Tô nói.
Ông Nguyễn Tiến Thanh, sinh năm 1968, có hơn 20 năm làm công tác quản lý tại cơ quan báo chí, trải qua nhiều chức vụ công tác: Phóng viên báo Thanh Niên (4/1991-3/1996); Phó ban biên tập báo Thanh Niên (3/1996-01/1999); Phó Tổng biên tập báo Gia đình và xã hội (01/1999-11/2001); Phó Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật (11/2001-5/2010); Tổng Biên tập báo Đời sống và Pháp luật (5/2010-4/2020); Tổng Biên tập tạp chí Đời sống và Pháp luật (4/2020-2024); Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam (từ 5/2024-Nay)
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nha-bao-nguyen-tien-thanh-ra-mat-vien-ca-post177727.html