Nhà bia lưu niệm ghi dấu tình đoàn kết 3 dân tộc

Nhà bia lưu niệm Chi bộ Lạc Hòa (tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải) – tiền thân của Đảng bộ TX. Vĩnh Châu, nơi lưu dấu ấn đoàn kết 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhà bia lưu niệm được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2019.

Ngày 1-6-1931, tại xóm Mỹ Thanh, làng Lạc Hòa xưa - nay là ấp Huỳnh Kỳ, xã Vinh Hải, Chi bộ Lạc Hòa được thành lập. Ban đầu chỉ có 3 đảng viên, do đồng chí Trần Thạnh Mậu làm Bí thư Chi bộ, đã tập hợp, đoàn kết nhân dân 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, được nhân dân tin yêu, che chở. Chi bộ đã lãnh đạo phong trào cách mạng không ngừng lớn mạnh. Trong chiến tranh, chính những điều kiện, hoàn cảnh khó khăn đó đã tạo ra cho nhân dân các dân tộc anh em ý thức được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chống kẻ thù chung, nhất là từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng như làng Lạc Hòa, địa bàn xã Vĩnh Hải là nơi có phong trào cách mạng sớm, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của thị xã; là nơi đón những nhà lãnh đạo cách mạng, như các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Phan Trọng Tuệ… từ nhà tù Côn Đảo trở về cập bến cửa sông Mỹ Thanh. Nơi đây từng là địa điểm tiếp nhận vũ khí vận chuyển từ Bắc vào Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như: Cồn Đầm, Cồn Nóc của ấp Mỹ Thanh.

Nhà bia lưu niệm Chi bộ Lạc Hòa (ảnh chụp trước khi diễn ra dịch bệnh Covid-19). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Nhà bia lưu niệm Chi bộ Lạc Hòa (ảnh chụp trước khi diễn ra dịch bệnh Covid-19). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Chi bộ đã bố trí các mũi đấu tranh chính trị kết hợp với lực lượng vũ trang, dân quân chiến đấu, binh vận từ các hướng như xã Vĩnh Châu (nay là Phường 2), xã Khánh Hòa (nay là phường Khánh Hòa), xã Vĩnh Phước (nay là phường Vĩnh Phước) và trong nội ô thị trấn (nay là Phường 1) phối hợp đồng loạt tấn công vào quận lỵ. Với khí thế cách mạng sôi sục, lực lượng ta gây áp đảo quân địch cả về quân sự và chính trị, làm suy sụp tinh thần chiến đấu, từng bước làm tan rã hàng ngũ của địch. Nhiều cuộc cách mạng diễn ra làm nên những chiến công đi vào lịch sử, như: chiến thắng Xẻo Me năm 1951; đồng khởi Trà Teo năm 1960; trận Giầy Lăng năm 1965; tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968... Cuộc chiến quyết liệt với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, cuối cùng là đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Với thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, quân và dân Vĩnh Châu vinh dự được Nhà nước phong tặng 5 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; có 151 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Nhà nước bà mẹ Việt Nam anh hùng; nhiều tổ chức, cá nhân được tặng thưởng hàng ngàn huân chương, huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Với ý nghĩa lịch sử là địa điểm thành lập chi bộ đầu tiên, năm 1998, Vĩnh Châu đã xây dựng Bia lưu niệm thành lập Chi bộ Lạc Hòa - tiền thân của Đảng bộ TX. Vĩnh Châu, tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải. Đến năm 2015, tiến hành xây mới thành Nhà bia lưu niệm như ngày nay.

Hiện nay, TX. Vĩnh Châu ngày càng đổi mới, đặc biệt là chính quyền địa phương luôn thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer. Điển hình là chính sách vốn phát triển sản xuất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục dạy nghề, tạo công ăn việc làm được thực hiện thường xuyên và phát huy hiệu quả. Cùng với đó, vai trò của người có uy tín tiếp tục được phát huy; các giá trị truyền thống văn hóa, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói và chữ viết được bảo tồn.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/nha-bia-luu-niem-ghi-dau-tinh-doan-ket-3-dan-toc-51200.html