Nha chương - biểu tượng quyền lực tối cao của người Việt cổ

Bộ sưu tập Nha chương là một trong những hiện vật nổi bật được trưng bày trong chuyên đề 'Văn hóa Hùng Vương trong dòng chảy văn minh sông Hồng' tại Bào tàng Hùng Vương trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Tuần văn hóa du lịch Đất Tổ năm 2025. Đây được coi là biểu tượng quyền lực tối cao của người Việt cổ và đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2020.

Nha chương được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương

Nha chương được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương

Nha chương là loại hình đồ đá độc đáo nhất được phát hiện ở thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên. Về niên đại, Nha chương có niên đại tương đối vào khoảng 3.700-3.400 năm so với ngày nay. Nha chương làm bằng chất liệu đá ngọc, sử dụng trong các nghi lễ. Theo sách Chu Lễ (Trung Quốc), Nha chương dùng để điều động quân đội, chỉ huy quân đồn trú. Nó giống như 1 “Thượng phương bảo kiếm” đầu uy lực trong quân đội.

Các nhà nghiên cứu đều nghiêng về ý kiến cho rằng, Nha chương có công dụng như chiếc quyền trượng hay lệnh bài đại diện cho quyền lực của vị thủ lĩnh dùng để điều binh, khiển tướng. Ở Việt Nam, Nha chương ngoài ý nghĩa biểu trưng cho quyền lực của người thủ lĩnh, đây còn là báu vật của các bộ tộc tồn tại ở giai đoạn đầu của văn hóa Phùng Nguyên.

Học sinh khối 7, Trường THCS Gia Cẩm, TP Việt Trì tham quan tủ trưng bày Nha chương

Học sinh khối 7, Trường THCS Gia Cẩm, TP Việt Trì tham quan tủ trưng bày Nha chương

Về cấu trúc và tạo hình, Nha chương được chế tác bằng kỹ thuật ghè, đẽo, khoan, cưa, tạo các rãnh nhỏ đối xứng nhau và các lỗ thủng xuyên tâm tinh xảo. Bên cạnh đó, kỹ thuật mài nhẵn, bóng, mài vát hình chữ V, hình đuôi cá đạt trình độ thẩm mỹ cao. Việc chọn chất liệu đá ngọc và sử dụng kỹ thuật chế tác tương thích để làm nên sự độc đáo của Nha chương càng minh chứng cho trình độ chế tác đá đỉnh cao của cư dân Phùng Nguyên.

Hiện nay, Nha chương ở Việt Nam mới chỉ phát hiện được 8 chiếc tại 2 di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên (xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao) và Xóm Rền (xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh). Trong đó, Bảo tàng Hùng Vương hiện đang lưu giữ 4 chiếc. Mỗi chiếc Nha chương có một dáng vẻ khác nhau, ôm trọn câu chuyện hình hài đất nước cách đây gần 4.000 năm.

Hình ảnh khai quật Nha chương tại di chỉ khảo cổ (Ảnh tư liệu)

Hình ảnh khai quật Nha chương tại di chỉ khảo cổ (Ảnh tư liệu)

Chiếc Nha chương đầu tiên được một người dân tìm được vào năm 1993 và đến năm 1998 mới được công bố. Nha chương còn nguyên vẹn, được làm từ loại đá ngọc nephrite, vân màu vàng ngà; mài nhẵn bóng, thân dài 35cm, rộng lưỡi 12cm, rộng đốc 8,9cm, mấu dài 0,7cm, dày 0,4cm; đốc có khoan 2 lỗ tròn xuyên tâm cách nhau 3,3cm, đường kính 0,8cm, thân có mấu lõm hình chữ V, lưỡi được mài vát một mặt; đốc có một dấu cưa.

Chiếc Nha chương thứ hai được Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn khai quật ở di chỉ Xóm Rền vào tháng 12/2004. Nha chương được làm bằng đá ngọc màu xám xanh, mài nhẵn bóng, đốc hình chữ nhật hẹp hơn thân và lưỡi, lưỡi hình chữ V lệch xòe rộng; giữa thân và đốc có 2 cặp mấu ở 2 bên; phần ngoài của mấu được xẻ rãnh, ở giữa mấu có 1 lỗ tròn. Nha chương dài 20cm, rộng 6,6cm, dày 0,4cm, nặng 190g, đường kính lỗ khoan là 0,4cm, độ sâu của rãnh mấu là 0,5cm.

4 chiếc Nha chương được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương

4 chiếc Nha chương được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương

Chiếc Nha chương thứ 3 được người dân phát hiện vào tháng 12/2006; có dạng hình chữ nhật, thân thẳng, rìa lưỡi cong tròn, cát một mặt, hơi lõm giữa; làm bằng đá nephrite màu trắng, vân màu hồng; nặng 280g, dài 32,1cm, dày 0,7cm, rộng lưỡi 5,9cm, rộng thân 5,1cm, rộng cán 4,2cm, được mài nhẵn bóng toàn thân; các mấu lớn nhỏ được xẻ hình chữ V; gần sát phần đốc có một mấu lớn, trên mấu lớn có xẻ 6 mấu nhỏ, trên mặt của phần mấu người xưa đã dùng kỹ thuật cưa tạo các rãnh nhỏ, nông chạy song song, đối xứng với nhau; giữa phần mấu lớn về phía đốc khoan một lỗ xuyên tâm có đường kính 0,5cm.

Chiếc thứ 4 được phát hiện cùng với chiếc thứ 3. Đây là chiếc Nha chương dài nhất trong 8 chiếc Nha chương được tìm thấy có chiều dài thân là 64,2cm, rộng 10,5cm, dày 0,6cm, rộng lưỡi 7,7cm, rộng mấu 10,7cm, nặng 580g; ở đốc gần sát phần mấu có 1 lỗ khoan xuyên tâm đường kính 0,5cm; lưỡi có hình đuôi cá, được mài ở 1 mặt, mặt cắt hình chữ V lệch; phần mấu được chế tác rất cầu kỳ với nhiều mấu to, nhỏ khác nhau và được xẻ rãnh song song rất đẹp; được làm từ chất liệu đá ngọc màu trắng vân xám, toàn thân được mài nhẵn trừ phần đầu đốc vẫn còn dấu cưa và vết bẻ gẫy; đốc được cưa cắt từ 2 phía rồi bẻ ngang. Chiếc Nha chương còn khá nguyên vẹn chỉ bị sứt phần mấu.

Trong số hiện vật, Nha chương thu hút sự chú ý của các khách tham quan bảo tàng, đặc biệt là các em học sinh. Em Đặng Thị Trà My - Lớp 7A4, Trường THCS Gia Cẩm hào hứng chia sẻ: “Em rất ấn tượng với Nha chương. Qua lời cô thuyết minh, em thấy đây là báu vật rất có giá trị, đóng vai trò quan trọng trong xã hội văn hóa Phùng Nguyên”.

Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Ngàn - Phó Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương cho biết: “Bảo vật Quốc gia Nha Chương là hiện vật gốc độc bản, có giá trị đặc biệt gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc. Đặc biệt, những năm gần đây, giá trị bảo vật Quốc gia ngày càng được khẳng định khi nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, công chúng, những người yêu mến cổ vật và du khách đến với Đất Tổ”

Câu chuyện dựng nước của cha ông được truyền tải đến thế hệ sau chân thực, rõ nét qua những hiện vật khảo cổ. Qua đây cũng góp phần bồi đắp thêm lòng biết ơn, niềm tự hào với quá khứ vẻ vang, oanh liệt của các bậc tiền nhân thuở đầu dựng nước.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nha-chuong-bieu-tuong-quyen-luc-toi-cao-cua-nguoi-viet-co-231591.htm