Nhà đầu tư dự án BOT: Càng làm, chênh lệch lãi vay càng lớn
Vướng mắc về lãi suất vốn vay khiến các nhà đầu tư dự án BOT dù có năng lực, kinh nghiệm vẫn lâm vào cảnh càng làm, chênh lệch lãi vay càng lớn và có nguy cơ lỗ, âm vốn chủ sở hữu.
Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì việc triển khai đồng loạt các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, hình thức hợp đồng BOT để huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng là điều cần thiết.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã gặp phải những vướng mắc về cơ chế xác định lãi suất vốn vay dẫn đến càng làm, chênh lệch lãi vay càng lớn khiến các nhà đầu tư lâm vào nguy cơ âm vốn chủ sở hữu.
Để tháo gỡ bất cập liên quan đến quy định về lãi suất vốn vay cho các dự án đầu tư theo hình thức này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 88/2018 và Chính phủ ban hành Nghị định 28/2021. Theo đó, lãi suất vốn vay áp dụng cho dự án BOT được không còn quy định khống chế mức lãi suất vay hợp lý như quy định của thời kỳ trước, lãi suất vốn vay được xác định theo lãi suất trên thị trường trên cơ sở tham khảo lãi suất trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại.
Theo đánh giá, quy định mới phù hợp với tình hình thực tế và tạo điều kiện phát triển cho các dự án BOT. Tuy nhiên, quy định chuyển tiếp đối với các hợp đồng dự án đã ký trước ngày những quy định này có hiệu lực thi hành tiếp tục thực hiện theo hợp đồng dự án đã gây lúng túng cho cơ quan có thẩm quyền khi áp dụng, đặc biệt là đối với những hợp đồng đã có điều khoản quy định được áp dụng khi có quy định sửa đổi, bổ sung có liên quan. Không những vậy, quy định này được xem là gây bất lợi cho các dự án có hợp đồng dự án ký trước ngày các Nghị định số 28/2021/NĐ-CP và Thông tư 88/2018/TT-BTC có hiệu lực.
Đơn cử, tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức BOT với tổng chiều dài 29,7km, tổng vốn đầu tư 3.768 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia là 720 tỷ đồng, vốn BOT là 3.038 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng, còn lại là vốn vay).
Tại hợp đồng dự án đã quy định khi có các văn bản sửa đổi, bổ sung có liên quan thì sẽ áp dụng theo văn bản mới. Như vậy, nếu áp dụng theo Nghị định số 28/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư dự án có thể tính lãi suất huy động dựa trên lãi suất bình quân của ba ngân hàng.
Do vậy hiện dự án gặp vướng mắc rất lớn về mức lãi suất mà nhà đầu tư phải thanh toán cho bên cho vay so với mức trần lãi suất vay theo quy định của Thông tư số 55/2016/TT-BTC, 75/2017/TT-BTC và số 30/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính (khống chế không quá 1,5 lần mức bình quân của lãi suất trái phiếu Chính phủ). Nếu Nhà đầu tư tiếp tục triển khai Dự án trong khi không được giải quyết cho điều chỉnh lãi suất vốn vay ước tính khoản chênh lệch lãi vay trong thời gian xây dựng và khai thác khoảng trên 1.700 tỷ đồng.
“Chênh lệch lãi suất trung bình là 5%-6%, trong khi vốn vay trên 2.000 tỷ đồng để triển khai dự án, dẫn đến cứ càng làm thì chênh lệch lãi vay càng lớn, càng làm càng lỗ” - nhà đầu tư dự án này cho biết.
Điều này đẩy nhà đầu tư vào thế khó và đặt ra yêu cầu nếu cơ chế không được tháo gỡ, dự án có nguy cơ tạm dừng, không thể tiếp tục triển khai và phải tất toán hợp đồng trước hạn.
Thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xem xét xử lý kiến nghị của nhà đầu tư và nhà đầu tư hiểu rằng vấn đề này liên quan đến quy định chính sách nên không thể xử lý nhanh chóng. Nhà đầu tư đang rất kỳ vọng sự vào cuộc từ cơ quan liên quan sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là vướng ở đâu gỡ ngay ở đó, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Nếu được áp dụng chính sách tại Nghị định số 28/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư không được hưởng bất cứ lợi ích gì, mà chỉ giúp nhà đầu tư không phải bù chênh lệch lãi vay. Nhưng trên thực tế, nhà đầu tư cũng không có nguồn nào để bù trong bối cảnh doanh thu của nhiều dự án rất thấp như thời gian qua.
Theo tìm hiểu, dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua Hải Phòng và tỉnh Thái Bình dài 29,7 km đường bộ (20,782 km thuộc địa bàn TP Hải Phòng và 8,925 km thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình). Trên đoạn tuyến Hải Phòng - Thái Bình sẽ có 8 cây cầu được xây dựng. Trong đó, có 2 cây cầu lớn nhất là cầu vượt qua sông Văn Úc dài gần 2km và cầu vượt sông Thái Bình dài hơn 1km.
Tuyến đường bộ ven biển hiện đang triển khai qua các địa phương như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống người dân vùng ven biển. Việc triển khai đoạn tuyến trên địa bàn Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình nhằm rút ngắn khoảng cách từ các địa phương khác đến với TP Hải Phòng, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả vận tải, giảm tải trên các tuyến quốc lộ, giảm thiểu tai nạn giao thông. Đây cũng là tuyến đường tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống cứu hộ, cứu nạn và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, tăng cường củng cố quốc phòng an ninh khu vực ven biển.