Tiếp sức cho sản phẩm chủ lực

Bắc Giang có nhiều sản phẩm chủ lực, ngày càng khẳng định giá trị, thương hiệu. Tuy nhiên, việc phát triển chưa thực sự đồng đều, gặp một số vướng mắc, nhất là đầu tư cho chế biến. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp.

Hiệu quả sản xuất chưa đồng đều

Hiện toàn tỉnh có 7 sản phẩm chủ lực gồm: Vải thiều, lúa-gạo, rau các loại, lợn, gà, mỳ gạo, chè. Đây là những sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương; cung ứng số lượng lớn cho thị trường; năng lực cạnh tranh cao; tạo động lực phát triển các sản phẩm, dịch vụ khác. Việc sản xuất cây, con chủ lực thời gian qua giúp người dân nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

 Công ty TNHH Thái Eco (thành phố Bắc Giang) chế biến củ đậu nhằm nâng giá trị nông sản.

Công ty TNHH Thái Eco (thành phố Bắc Giang) chế biến củ đậu nhằm nâng giá trị nông sản.

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu quả sản xuất sản phẩm chủ lực chưa đồng đều, còn chịu nhiều tác động của thời tiết, dịch bệnh. Nhìn tổng thể, sản lượng sản phẩm chủ lực được tạo ra mỗi năm tương đối lớn nhưng do chưa có nhiều vùng tập trung, chuyên canh nên chi phí sản xuất cao, hạn chế trong ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật và khó mời gọi doanh nghiệp đầu tư. Để nâng giá trị cho sản phẩm, tránh tình trạng “được mùa, rớt giá”, việc chế biến nông sản được xem là giải pháp hữu hiệu, bền vững. Nhưng thực tế số lượng doanh nghiệp tham gia chế biến nông sản tại Bắc Giang chưa nhiều. Toàn tỉnh có hơn 800 hợp tác xã nông nghiệp song phần lớn quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế nên việc chủ động đầu tư cho chế biến gặp nhiều rào cản.

Ví như gà, lợn, rau màu chủ yếu tiêu thụ theo dạng tươi, chỉ một số ít đơn vị chế biến thành các loại giò, chả, xúc xích… Về sản phẩm chè, phần lớn các cơ sở hoạt động theo quy mô hộ gia đình, chưa quan tâm đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã sản phẩm, chưa có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi. Ông Hoàng Văn Sử, hộ dân trồng chè ở bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế) chia sẻ, gia đình ông có 6 sào chè, do ruộng đất manh mún nên khó đáp ứng yêu cầu sản xuất chuyên canh. Các bước từ chăm sóc, thu hoạch đến sơ chế đều làm thủ công, có thời điểm thiếu lao động vì người trẻ hầu hết đều làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Do đó, nhiều năm nay, gia đình ông ngại mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư cho sản phẩm. Những đơn vị sản xuất mỳ gạo cũng đang chịu sức ép cạnh tranh từ các thương hiệu nổi tiếng; nhu cầu thị trường ngày càng cao nhưng thiếu máy móc, thiết bị để sản xuất khối lượng lớn.

Tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ

Để khắc phục những khó khăn trên, đẩy mạnh phát triển sản phẩm chủ lực, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Ngày 18/1/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 100/QĐ-UBND phê duyệt kết quả rà soát, cập nhật, chỉnh sửa bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh nông sản chủ lực địa phương. Bám sát kết quả rà soát, các huyện, thị xã, thành phố tập trung duy trì và mở rộng vùng sản xuất chuyên canh phù hợp quy hoạch tỉnh.

Quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích sản xuất cây, con chất lượng, từng bước tạo chuỗi liên kết, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ. Ngoài 86 chuỗi liên kết sản xuất đã có, năm 2025, tỉnh tiếp tục hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ lợn thương phẩm an toàn sinh học tại thị xã Việt Yên; gà giống tại Hiệp Hòa; gà đồi thương phẩm an toàn sinh học và đậu tương rau chế biến tại huyện Lục Nam.

Hằng năm, nhiều địa phương, ngành, đoàn thể bố trí kinh phí thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đây được xem là đòn bẩy giúp sản phẩm chủ lực phát huy tiềm năng. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh có số vốn hơn 70 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã có hơn 20 tỷ đồng. Từ nguồn vay ở các quỹ, hàng trăm lượt nông dân đã được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Năm 2025, huyện Lục Nam bố trí gần 800 triệu đồng cho việc cấp giấy chứng nhận VietGAP, đánh giá, công nhận lại sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm; giao Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện triển khai 40 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Tuyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Yên Thế cho biết, địa phương xác định bên cạnh đẩy mạnh sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thì xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng. Năm 2024, lần đầu tiên Yên Thế tổ chức lễ hội xúc tiến tiêu thụ gà đồi. Việc chuyển từ hình thức hội nghị sang lễ hội với hoạt động đa dạng đã tạo hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ, kích cầu tiêu dùng. Huyện chỉ đạo đơn vị chuyên môn quan tâm chuyển giao kỹ thuật sản xuất, xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng, đẩy mạnh đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn.

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nắm bắt cơ hội, tiếp cận các chính sách hỗ trợ và chủ động đầu tư cho sản xuất, chế biến. Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao và Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Như Hoa (thị xã Việt Yên) được Liên minh Hợp xã xã tỉnh hỗ trợ hơn 700 triệu đồng trong năm 2024 để trang bị máy móc phục vụ sơ chế, chế biến nông sản. Năm nay, Hợp tác xã tiếp tục đầu tư kinh phí mở rộng nhà xưởng, mua máy chiên, tách dầu phục vụ chế biến khoai tây, khoai lang sấy nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu tư cho sản phẩm chủ lực là chủ trương đúng để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và bền vững. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương, ngành chức năng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ nông nghiệp đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân. Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm; nâng cao năng lực dự báo thị trường; hỗ trợ xúc tiến thương mại.

Được biết, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô tập trung, chủ trương của tỉnh là luôn tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên đầu tư sản xuất hàng hóa chủ lực, ứng dụng công nghệ cao, chế biến, bảo quản nông, lâm sản và huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tiep-suc-cho-san-pham-chu-luc-postid413112.bbg