Nhà đầu tư ngoại thu gom cổ phiếu nào trong tuần VN-Index vượt đỉnh?

Khối ngoại đã mua ròng trở lại 441 tỷ đồng trên HoSE trong tuần qua, chấm dứt chuỗi 11 tuần bán ròng liên tiếp trước đó.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tháng 10 với những diễn biến khá tích cực, đặc biệt là trong tuần cuối cùng. Chỉ số đại diện sàn niêm yết lớn nhất VN-Index đang lên đỉnh lịch sử hơn 1.444 điểm sau 4 phiên bứt phá.

Theo thống kê từ StockQ, chứng khoán Việt Nam đã tăng gần 4% trong tuần vừa qua để trở thành thị trường tăng mạnh nhất một tuần. Còn tính từ đầu năm, VN-Index cũng đứng ở vị trí thứ 6 với mức tăng điểm gần 31%.

Với sự bứt phá của chỉ số, giá trị vốn hóa của toàn sàn niêm yết HoSE cũng leo lên mức cao mới hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tương đương tăng gần 214.000 tỷ đồng (hơn 9,3 tỷ USD) chỉ sau một tuần giao dịch.

Sự hưng phấn còn giúp lượng tiền đưa vào thị trường tăng nhanh chóng trong tuần vừa qua. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 31.962 tỷ đồng/phiên, tăng gần 21% so với tuần trước. Trong đó giá trị khớp lệnh bình quân tăng 19% lên 29.794 tỷ đồng.

Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất trong tuần 25-29/10. Nguồn: StockQ.

Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất trong tuần 25-29/10. Nguồn: StockQ.

Diễn biến VN-Index bứt phá trong tuần 25-29/10. Đồ thị: TradingView.

Diễn biến VN-Index bứt phá trong tuần 25-29/10. Đồ thị: TradingView.

Hòa vào làn sóng tăng điểm, các nhà đầu tư cũng bất ngờ quay trở lại mua ròng cổ phiếu Việt Nam với khối lượng lớn và góp thêm một lực kéo đáng kể cho chỉ số chung.

Trong đó đáng kể nhất là phiên phá đỉnh hôm 27/10 khi nước ngoài giải ngân mạnh mua ròng gần 1.100 tỷ đồng trên toàn thị trường, là mức rót vốn mạnh nhất trong gần một năm qua. Khối ngoại còn tiếp tục mua ròng hàng trăm tỷ đồng trong 2 phiên sau đó.

Tuy nhiên do bán mạnh đầu tuần nên tính lũy kế một tuần, nước ngoài chỉ còn mua ròng với tổng giá trị gần 300 tỷ đồng. Cụ thể, nhóm này mua vào 203 triệu cổ phiếu với trị giá gần 8.600 tỷ đồng trong khi bán ra 183 triệu cổ phiếu có trị giá 8.300 tỷ đồng.

Tính riêng sàn HoSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi 11 tuần bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 441 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là gần 25 triệu cổ phiếu. Nếu chỉ tính về giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này mua ròng trên 752 tỷ đồng.

Trong đó HPG của Hòa Phát được mua ròng nhiều nhất với giá trị hơn 340 tỷ đồng. Theo báo cáo quý III, Hòa Phát vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực với lợi nhuận sau thuế 10.350 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 45% kế hoạch năm.

Tiếp đến là GAS của PV Gas cũng được khối ngoại mua ròng lớn 265 tỷ đồng. Tổng công ty khí này báo cáo lãi ròng quý III tăng 19% lên 2.417 tỷ đồng, vượt xa kỳ vọng của nhà đầu tư khi doanh nghiệp từng ước tính suy giảm lợi nhuận do sản lượng tiêu thụ thấp.

Các mã được nước ngoài mua ròng nhiều tiếp theo là STB của Sacombank, VHM của Vinhomes và CTG của Vietinbank.

Ở chiều ngược lại cũng có nhiều mã bị bán ròng rất lớn. Trong đó NLG của nhà phát triển bất động sản Nam Long bị rút ròng hơn 625 tỷ đồng khi đơn vị này báo cáo doanh thu quý III giảm đến 76% do dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao, tuy nhiên công ty vẫn có lãi lớn nhờ doanh thu tài chính bất thường.

Cổ phiếu VJC của doanh nghiệp hàng không Vietjet cũng bị nước ngoài bán mạnh hơn 440 tỷ đồng sau khi giá cổ phiếu này leo lên mức cao. Bên cạnh đó cổ phiếu của PAN Group, Vincom Retail và Vinamilk đứng tiếp theo về giá trị rút ròng.

Đối với sàn niêm yết quy mô nhỏ hơn HNX, khối ngoại giao dịch vẫn khá tiêu cực khi bán ròng tuần thứ 6 liên tiếp ở mức gần 169 tỷ đồng (tương ứng 5,5 triệu cổ phiếu), tăng 90% so với tuần liền trước. Các cổ phiếu bị bán mạnh nhất là TNG, PVS và THD.

Trên sàn giao dịch UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài chấm dứt chuỗi 4 tuần bán ròng liên tiếp khi mua ròng trở lại gần 25 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng 528.577 cổ phiếu. Trong đó ACG của Gỗ An Cường được rót ròng nhiều nhất với 58 tỷ đồng, tiếp theo là mà BSR và VTP.

Dù vậy xu hướng mua ròng chỉ xuất hiện trong tuần vượt đỉnh vừa qua. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, khối ngoại vẫn còn bán ròng kỷ lục gần 49.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, gấp 3 lần lượng bán ròng trong cả năm trước (khoảng 16.000 tỷ đồng trong năm 2020).

Trong số những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm tới nay, HPG là cái tên đứng đầu khi bị khối ngoại xả ròng hơn 16.000 tỷ đồng, xếp tiếp theo lần lượt là CTG với giá trị gần 7.000 tỷ đồng, và VNM của VInamilk bị rút hơn 6.300 tỷ đồng.

Huy Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-dau-tu-ngoai-thu-gom-co-phieu-nao-trong-tuan-vn-index-vuot-dinh-post1274305.html