Nhà giáo, nhà nghiên cứu Xứ 'Mường Trong'
Xứ 'Mường Trong' là danh xưng của người Mường quần cư ở Thanh Hóa để phân biệt với 'Mường Ngoài' Hòa Bình. Cách gọi này không biết có phải chỉ đơn thuần chỉ là phân biệt ranh giới địa lý hay còn có ngụ ý rằng nơi đây là 'Mường gốc' như cách người Mường Thiết Ống - Bá Thước vẫn nhận xường Thiết Ống là 'xường gốc' chăng? Cao Sơn Hải là người con của 'Mường Trong', vùng Cẩm Thủy. Có ba địa chỉ ở Thanh Hóa người Mường quần cư đông nhất là Bá Thước, Cẩm Thủy và Ngọc Lặc. Và họ Cao là một trong những họ lớn của người Mường, thuộc dòng dõi 'lang cun'.
Sinh ra trong một gia đình có ông nội biết chữ nho và mẹ đẻ là một “kho” xường (bà có thể xường bảy, tám đêm trong mùa lễ hội), trong chiếc nôi ấy, đứa trẻ ngay từ khi chào đời đã được “buộc vía” bằng những điều truyền dạy trong Đẻ đất đẻ nước, được ru tâm hồn bằng những truyện thơ Nàng Nga - Đạo Hai Mối, Út Lót - Đạo Hồi Liêu, Nàng Ờm - Chàng Bồng Hương, hoặc bằng các bài xường da diết: Thương thiệt, thương nồng em ơi/ thương mơi em à...
Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, việc trẻ em miền núi đến trường còn vô cùng hiếm hoi, bởi, với điều kiện lúc ấy, ba bốn huyện mới có một trường phổ thông, đường sá đến trường gian nan thử thách. Vì vậy, năm 1956, cậu trai Mường Cao Sơn Hải tốt nghiệp phổ thông cấp 2 (nay là THCS) với thành tích xuất sắc là cả một sự kiện lớn với “chu chương mường nước” (ông là một trong bốn học sinh đạt danh hiệu “Học sinh gương mẫu” của tỉnh).
Sứ mệnh như được trao gửi từ đây, Cao Sơn Hải vào học Trường Trung cấp sư phạm Trung ương, rồi làm giáo viên Trường Bổ túc công nông Việt Bắc. Năm 1968, niềm đam mê học vấn thúc đẩy ông tiếp tục học tập tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - chiếc nôi đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng tốt nhất miền Bắc. Thời gian được đào tạo ở môi trường này thực sự bổ ích vì ông được học tập tiếp xúc với những người thầy đồng thời là những nhà khoa học hàng đầu của nền giáo dục lúc bấy giờ. Với kết quả học tập xuất sắc, ông được phân công giảng dạy tại Đại học Sư phạm Vinh, cơ sở đào tạo giáo viên THPT cho khu vực miền Trung. 5 năm sau, theo tiếng gọi của quê hương, ông trở về Thanh Hóa để xây dựng nền tảng mở Trường Trung học chuyên nghiệp Sư phạm 7+3, đào tạo giáo viên THCS cho tỉnh nhà. Từ đây là những năm tháng tận tâm cống hiến trong vai trò nhà giáo, nhà quản lý cho giáo dục Thanh Hóa. Quãng thời gian làm giáo viên của ông là 30 năm.
Nhà nghiên cứu - khảo cứu gắn với cái tên Cao Sơn Hải xuất hiện ở thập kỷ đầu của thế kỷ 21, khi ông đã nghỉ hưu. Thật khó hình dung, 14 đầu sách là các công trình khảo cứu, nghiên cứu được ông hoàn thành ở độ tuổi 70, 80! Hiện, ông vẫn tiếp tục với những công trình lớn gắn bó với không gian văn hóa Mường. Tình yêu quê hương xứ sở, nhiệt tâm gìn giữ, bảo lưu văn hóa nguồn cội đã tiếp sức để ông trở thành một “lang cun văn hóa”, gánh vác trọng trách gìn giữ văn hóa cộng đồng mình.
Đó là lý do gần đây, giới nghiên cứu gọi ông là nhà “Mường học”. Với lợi thế là người “Mường gốc”, ông Cao Sơn Hải đi sâu nghiên cứu phương diện tâm hồn với những phát hiện, lý giải bằng hiểu biết tâm thức nguồn cội. Ông từng thổ lộ niềm trăn trở: “Mình là người Mường, mình có trải nghiệm, có cội nguồn, có kiến thức, cần phải cố gắng đi đến tận cùng gốc rễ văn hóa dân gian Mường. Mình không dấn thân thì ai làm điều đó”. Đó là công cuộc “dấn thân” đáng kính của một nhân cách văn hóa. Tuổi hưu nhẽ ra là tuổi tĩnh dưỡng, tuổi ngắm hoa thưởng trăng, trà đạo với bạn già, nhưng với ông lại là giai đoạn bước ngoặt cho cống hiến mới. Có thể nói, ông đã vắt kiệt tâm trí và sức khỏe cho mục tiêu “đi tìm tận cùng gốc rễ văn hóa dân gian” Mường để “con cháu người Mường và bạn đọc cả nước biết rằng: người Mường có một nền văn hóa đáng kính, đáng trân trọng và rất đẹp, cần gìn giữ và phát huy”.
Cụm công trình 3 tác phẩm sưu tầm, biên tập được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đánh giá cao tâm huyết bảo tồn văn hóa cộng đồng người Mường của tác giả: Những bài ca đám cưới người Mường Thanh Hóa, Lễ Pồn Pôông Eng Cháng và Truyện Nàng Út Lót - Đạo Hồi Liêu. Cả ba tác phẩm đều được phục hiện bằng song ngữ. Trong chuyển ngữ văn chương, lợi thế song ngữ sẽ giúp cho việc chuyển tải tinh thần của nguyên tác chân thực và sinh động. Ở đây cũng cho thấy công phu ký âm tiếng Mường của nhà khảo cứu. Được biết, ông đang tiếp tục theo đuổi công trình ký tự tiếng Mường nhằm bảo lưu tiếng nói của người Mường. “Tiếng nói” chính là hồn cốt của mỗi cộng đồng dân tộc, người Mường không có chữ viết nhưng có cả một kho tàng văn hóa, văn chương dân gian phong phú, ký tự hóa tiếng nói, không chỉ để lưu giữ vĩnh cửu kho tàng đó bằng chữ viết mà còn gửi gắm tình yêu, niềm tự hào về cộng đồng, về quê hương xứ sở.
Trong những công trình khảo cứu, nghiên cứu đã ra mắt của ông có những công trình rất đặc sắc, như: Sử thi Đẻ đất đẻ nước - một cách tiếp cận (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018). Bằng lập luận có tính thực tiễn sắc sảo và khoa học, ông đã tách bạch sử thi Đẻ đất đẻ nước ra khỏi hệ thống “mo ma” của người Mường. Ông khẳng định Đẻ đất đẻ nước có “đời sống riêng”, là tác phẩm văn chương dân gian đặc sắc của người Mường cổ. Tầm vóc của Đẻ đất đẻ nước là một thiên sử thi cổ sơ hùng vĩ, xứng đáng “là bộ bách khoa thư” mà thế hệ cha ông xưa “muốn thực hiện một cuộc giáo hóa”, và là “công cụ giáo dục, đưa con người đến cõi ánh sáng”. Các Ậu mo xưa đã biết khai thác, sử dụng sử thi Đẻ đất đẻ nước vào đám mo “làm cho đám mo thêm nghiêm trang và nhiều ý nghĩa”.
Văn hóa còn thì cộng đồng còn. Niềm đam mê dấn thân cho mục tiêu cao đẹp đã giúp ông vượt qua tuổi tác để hoàn thành những công trình cần nhiều tâm sức và vô giá. Với những đóng góp đáng kể của Cao Sơn Hải trong việc sưu tầm, khảo cứu, đánh giá những phong tục văn hóa đẹp đẽ của cộng đồng người Mường, ông xứng đáng với biệt danh “nhà Mường học” mà độc giả và giới nghiên cứu văn hóa Mường dành tặng.
Xen giữa sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp khảo cứu - nghiên cứu, còn có một nhà thơ Cao Sơn Hải. Ông yêu thơ và làm thơ trong những lúc “tức cảnh - sinh tình”. Thơ với ông giống như người bạn tri kỉ, tâm tình để ông bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, tình cảm của ông trước những tình huống giàu cảm xúc. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, tình huống gợi nhiều cảm xúc nhất trong ông chính là “Mường ta đó”, là “núi rừng”, là “suối dài”, là những đêm xường rang say đắm. Ông đã viết về quê hương với những câu thơ thật ngọt ngào:
Mường ta đó
Núi rừng xanh biếc
Suối ngân dài
Như tiếng hát người thương...
(Bản mường ta đó)
Anh và em cùng hát xường rang
Từ đầu canh một đã sang canh tàn
Tiếng gà xao xác tỏa lan
Nương xa chênh chếch non ngàn
hừng đông
Con bìm bịp thức dậy đánh trống
Con chim cống ra dùi đánh mõ
Gà cỏ eo óc cành cao
Đôi chào mào ríu ran tìm quả
Đàn cu cườm sà xuống ruộng mạ
Vừng hồng lan tỏa lèn đá,
đồi tranh...
(Em về sau đêm xường)
Tự hào về gốc gác, nguồn cội, nhận chân giá trị nguồn cội cũng tạo nên những vần thơ vừa trữ tình vừa minh triết:
Bọn chúng tôi
Là lũ trai Mường
Là con gái thương của bản
Lớn lên giữa ngàn trùng núi thẳm,
lũng sâu
Cha cho bắp tay gỗ sến
Mẹ cho bắp chân búp măng vầu,
măng bương
Biết vỡ ruộng làm nương
Biết dệt tình thương
Vào vuông thổ cẩm.
(Lời trai mường gái bản)
Sinh ra ở Mường, gắn tuổi thơ với Mường, sau đấy là đeo “thông nhãng” đi tìm kiếm tri thức, trở thành nhà khoa học để rồi trở về đánh thức hồn thiêng quê hương xứ sở. Trái tim ông luôn thuộc về xứ “Mường Trong”, xứ sở của mụ Dạ Dần - nữ thần sáng tạo, của Dịt Dáng hùng mạnh, của những bài xường da diết, mê đắm lòng người: Thương thiệt thương nồng anh ơi, thương mơi anh à.
Ông đã trả nghĩa cho quê hương bằng khát vọng tự hào.