Nhà giáo tiên phong đổi mới, sáng tạo

Thi đua 'Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học' là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT. Hà Nội đã cụ thể phong trào này bằng Giải thưởng 'Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo'.

Cô Nguyễn Kim Thoa hạnh phúc bên trẻ thơ.

Cô Nguyễn Kim Thoa hạnh phúc bên trẻ thơ.

Năm 2020, 120 nhà giáo được vinh danh thực sự là những người tiên phong trong đổi mới, sáng tạo dạy và học.

Vì trò không ngại khó

Trường MN Kim Chung A nằm trên địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, nơi có khu công nghiệp Thăng Long. Năm 2016, nhà trường được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân và nhân dân trên địa bàn xã. Nhà trường có 3 điểm trường và đang chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục 845 học sinh, trong đó 80% trẻ là con công nhân khu công nghiệp Thăng Long.

Nhận nhiệm vụ công tác tại trường, bên cạnh những thuận lợi, cô Nguyễn Kim Thoa - Hiệu trưởng Trường MN Kim Chung A xác định hai vấn đề khó khăn cần tập trung giải quyết: Thiếu đồ dùng, đồ chơi, môi trường trong và ngoài lớp chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi và học tập của trẻ. Ngoài ra, số học sinh trong nhà trường là con công nhân đến từ hơn 20 tỉnh thành trong cả nước, còn nhiều trẻ con hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi, con thương binh, dân tộc thiểu số vùng khó khăn.

Với trách nhiệm của người “chèo lái”, cô Thoa luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để tạo dựng một ngôi trường với khung cảnh sư phạm sáng, xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn, lấy trẻ làm trung tâm. Để giải quyết những khó khăn trên, cô cùng ban giám hiệu (BGH) nhà trường và tập thể GV, nhân viên bám sát nhiệm vụ năm học, tham mưu các cấp, ngành quan tâm, bổ sung kinh phí xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi với tổng kinh phí 32 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục với mục tiêu là tạo môi trường vui chơi, học tập tốt cho HS, cô là người tiên phong đầu tiên trong các hoạt động góp quỹ, tài trợ, ủng hộ các hoạt động của nhà trường. Sau đó tuyên truyền, động viên cán bộ GV, nhân viên trong trường ủng hộ. Nhờ đó, các nội dung xã hội hóa của nhà trường được phụ huynh, nhân dân, các tổ chức, cá nhân đồng tình và tích cực phối hợp thực hiện. Nhờ sự tuyên truyền hiệu quả và sự quan tâm tới giáo dục của các cấp các ngành, các phụ huynh, tổ chức, cá nhân mà khung cảnh nhà trường đã được thay đổi, môi trường sáng – xanh - sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, thuận lợi cho trẻ vui chơi và học tập.

Cô Nguyễn Kim Thoa bộc bạch: Nhìn những nụ cười hồn nhiên, vô tư của trẻ thơ, tôi có thêm động lực để mỗi ngày thêm đổi mới và sáng tạo hơn. Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ thơ giống như chăm cây từ gốc, đòi hỏi sự chân thành, yêu thương và không ngừng sáng tạo, đổi mới của mỗi cô giáo...

Nỗ lực đổi mới, sáng tạo vì mỗi ngày đến trường của trẻ là một ngày vui.

Nỗ lực đổi mới, sáng tạo vì mỗi ngày đến trường của trẻ là một ngày vui.

“Hóa thân” vào HS để dạy tốt

Thấm nhuần câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”, cô Đào Thị Sáu - Trường Tiểu học Liên Mạc A, huyện Mê Linh luôn trăn trở, làm sao cho xứng đáng với “nghề cao quý” ấy. Cô tự nhủ, dù làm bất cứ công việc nào, muốn thành công thì phải xuất phát từ chữ tâm, lòng yêu nghề thực sự.

13 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, cô Đào Thị Sáu luôn nỗ lực, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, với mong muốn sẽ đem đến cho HS những giờ học thú vị, bổ ích và hiệu quả. Với những HS chậm tiến trong lớp, cô Sáu dành nhiều thời gian cho các em hơn, phát hiện con khó khăn chỗ nào, yếu ở đâu, nguyên nhân là gì... để tìm cách khắc phục. Hằng ngày sau giờ tan học, cô thường nán lại để bồi dưỡng, kèm cặp bổ sung miễn phí cho các em, mỗi tuần lại khảo sát kiến thức đã học để kiểm tra sự tiến bộ. Nhờ vậy, cuối năm học, không còn HS chậm tiến trong lớp, các em đều hoàn thành kiến thức kĩ năng các môn học.

Đối với HS khá giỏi, cô Sáu thường kích thích tư duy các em bằng những câu hỏi bắt đầu bằng các từ: Vì sao? Bằng cách nào? Làm thế nào?… Vì vậy, các em rất thích thú, tò mò khám phá và đặt câu hỏi ngược lại với GV. Với cách làm này, lớp học của cô lúc nào cũng sôi nổi, HS tự tin trình bày, thảo luận trước lớp, đánh giá lẫn nhau, góp ý cho nhau cùng tiến bộ… Năng lực của HS cứ như vậy được phát huy hằng ngày.

Nắm vững quan điểm đổi mới dạy học hiện nay là dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS, cô Sáu quan niệm, không có HS yếu, chỉ có HS chưa phát huy được hết năng lực của mình. Bởi vậy để khơi dậy được năng lực tiềm tàng trong mỗi HS, mỗi GV trước hết phải tạo cho các em sự tự tin, dám bày tỏ ý kiến của mình trước tập thể.

Đảm nhận dạy HS lớp Một, cô Sáu hóa thân vào HS, luyện viết từng con chữ, tìm những điểm chung của các con chữ, nghiên cứu cách để hướng dẫn HS dễ viết nhất. Ngày nào cô cũng thu vở HS về, chấm, chữa, nhận xét, tìm ra những lỗi HS thường mắc để khắc phục, rồi tỉ mỉ viết mẫu bài hôm sau cho từng em.

Kết thúc năm học, dựa vào những kinh nghiệm đúc rút được trong quá trình giảng dạy, cô thiết kế ra cuốn vở luyện viết để giúp HS dễ viết hơn, viết nhanh và đúng hơn, GV không phải viết mẫu nhiều. Cách làm sáng tạo này thực sự hiệu quả với HS dạy lớp Một. Ban đầu áp dụng ở lớp cô, sau đó đồng nghiệp thấy tính ưu việt của cuốn vở thì nhân rộng ra cả khối. Đến giờ nhiều bạn bè đồng nghiệp và phụ huynh vẫn sử dụng làm tài liệu bổ trợ cho HS viết chữ…

Tấm gương tâm huyết, sáng tạo của 120 thầy cô giáo, cán bộ quản lý các nhà trường được vinh danh năm 2020 là bằng chứng cho sự tâm huyết, tận tụy với nghề, sự sáng tạo lớn lao trên cương vị công tác của mỗi nhà giáo Hà Nội hôm nay. Đó cũng là sự kết tinh của lòng yêu nghề, mến trẻ, yêu cuộc sống của mỗi người và quan trọng là tình yêu, sự tâm huyết đó đã thôi thúc mỗi thầy cô năng động, sáng tạo, khắc phục những khó khăn, trở ngại để tạo ra việc làm ngày một hiệu quả, khoa học hơn… - Bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nha-giao-tien-phong-doi-moi-sang-tao-dPS2a9TMg.html