Nhà khoa học nặng lòng với đô thị và không gian ký ức
Nói đến PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa, nhiều độc giả liên hệ ngay đến những tiếng nói phản biện góp ý không chỉ gói gọn ở lĩnh vực lý thuyết đô thị học, mà mở rộng ra nhiều vấn đề xã hội của những đô thị phát triển.
Ngoài những bài viết trên các diễn đàn thông tin đại chúng, PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa còn là thành viên trong các hội đồng tư vấn phản biện góp ý chủ trương chính sách hàng chục năm qua, nhất là khi các đô thị ở Việt Nam bắt đầu chuyển mình theo nhịp điệu thị trường, xã hội mở cửa.
PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa vừa mới ra mắt bạn đọc cuốn sách Đô thị - những vấn đề tiếp nối, mà ông nói là “đưa người đọc bước ra khỏi hệ thống khái niệm, nguyên lý hàn lâm, bắt đầu từ những tình huống mang hơi thở cuộc sống. Nhưng, bàng bạc ý văn câu từ trong cuốn sách này, như một tiếng thở dài của ký ức.
Nhân dịp này, PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa đã dành cho Người Đô Thị cuộc trò chuyện.
Dù Sài Gòn-TP.HCM không phải là nơi ông sinh ra và lớn lên, nhưng ông đã nặng lòng với vùng đất này. Liệu tâm thế ấy có phải là nỗi niềm hoài cổ của một nhà khoa học?
PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa.
Hiển nhiên là như thế, bất kỳ ai sống ở Sài Gòn một thời gian là quyến luyến nó, huống chi tôi có đến 47 năm gắn bó. Tôi không chỉ là người dân mà còn trực tiếp tham gia tiến trình biến đổi thành phố qua nhiều vai trò khác nhau như nghiên cứu, tư vấn và giảng dạy cho nên hiểu thành phố này, yêu thành phố này và có cả những nỗi đau nữa.
Các bạn trẻ hôm nay thấy những tòa cao ốc to lớn, những đại lộ thênh thang, những siêu thị đầy ắp hàng hóa nhưng không biết nó đã phải đánh đổi quá nhiều thứ, rất nhiều thứ chỉ còn trong ký ức bàng bạc của người lớn tuổi.
Tôi có một vài người bạn đồng tuế, định cư ở nước ngoài, mỗi lần về là các anh chị ấy không màng khách sạn năm sao, không một lần tới các nhà hàng sang trọng mà chỉ lui cui đến các chợ xóm, cố công đi tìm cà phê vợt, đi tìm các món ăn có hương vị từ thời ông bà còn sót lại. Nhiều thế hệ thích nói “ngày xưa, hồi ấy”. Lối sống, văn hóa của những thế hệ đi trước, cộng với những di sản, di tích lịch sử-kiến trúc kiến tạo nên cái gọi là “hồn cốt” của một vùng đất. Le Corbusier, kiến trúc sư lừng danh nhất của thế kỷ XX nói rằng một thành phố không có các di sản, di tích thì “giống như khuôn mặt người không có nếp nhăn” và “như con người không ký ức”.
Trong văn hóa học có một khái niệm “nơi ấy ta thuộc về”, đó không hẳn là quê hương có nhúm nhau của mẹ sau khi sinh và cuống rốn của mình sau khi rụng, mà nơi ấy ta đã chọn để sống, để buồn vui và không muốn thay đổi nữa cho đến điểm cuối của đời người. Sài Gòn chính là nơi như thế, là nơi “đáng sống” không chỉ vì điều kiện sống mà còn vì con người, vì muôn thứ “tạp pí lù” như cụ Vương Hồng Sển nói.
Lối sống, văn hóa của những thế hệ đi trước, cộng với những di sản, di tích lịch sử-kiến trúc kiến tạo nên cái gọi là “hồn cốt” của một vùng đất.
Người sống xa Sài Gòn nhớ quay quắt về nó là một lẽ, ngay cả chúng ta đang sống, đang thở trong lòng thành phố này mà vẫn có lúc nhớ về nó một cách kỳ lạ, mà không phải nhớ cái hoành tráng, chót vót mà là những cái đã mất. Cho dù với bất cứ lý do nào thì khi một hàng cây cổ thụ, một dãy phố cũ kỹ, một cây cầu ba cẳng, một công viên nho nhỏ không còn nữa, làm sao những người từng biết nó không có những lúc ngẩn ngơ tiếc nuối, và hơn thế nữa những phong cách sống rất Nam bộ: trẻ con xếp hàng chào khách tới nhà, bỏ nón tiễn biệt một người không quen... lần lượt ra đi thì làm sao mà không thở dài cho được.
Suy cho cùng, đô thị cũng là một ngôi nhà chung, những nhu cầu, tiện ích của không gian đô thị cũng thay đổi theo sự phát triển. Ông chọn cách tiếp cận căn bản nào trước những đòi hỏi mà xem ra luôn mâu thuẫn ở nhiều cấp độ giữa bảo tồn và phát triển? Nếu không dung hòa giữa chúng thì theo ông, điều gì cần được cân nhắc trước tiên?
Tôi không hiểu từ ai và từ khi nào lại cho hai thứ đó xung đột, triệt tiêu nhau theo kiểu “có cái này thì không có cái kia”, trong khi trên thực tế nó lại không như thế và nhiều nước không quan niệm như thế.
Tháng 10 năm ngoái, tôi cùng với các thành viên trong Hội đồng Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM đi làm việc tại TP. Copenhagen, Đan Mạch. Họ đưa chúng tôi đến thăm một cái âu thuyền từ thế kỷ XVII được biến đổi thành một sân khấu hòa nhạc giao hưởng vào mỗi tối cuối tuần. Vì âu thuyền âm dưới lòng đất nên tiếng vọng của nó tạo nên âm thanh vòm, không cần phải dùng thiết bị tăng âm, cộng với cảnh quan lãng mạn cho nên vé bán cực kỳ đắt mà muốn xem phải đặt trước cả năm!
So với âu thuyền của Ba Son thì nó bé hơn, đơn giản hơn nhiều và khá xa trung tâm chứ không phải nằm ngay tại trung tâm như Ba Son. Như vậy đấy, bất cứ một di sản, di tích, thậm chí phế tích nếu có tầm nhìn, nếu biết nâng tầm, thổi hồn vào thì chúng sẽ mang lại không chỉ lợi ích kinh tế mà cả giá trị văn hóa nữa. Cũng Le Corbusier, ông nói di sản như một chuỗi ngọc trai, chúng ta có thể tháo rời nó ra và sắp xếp lại làm sao tôn lên giá trị vĩnh cửu của nó và cả những cái xung quanh nó.
Sài Gòn - TP.HCM là một vùng đất nhiều biến động. Dưới góc nhìn của một nhà xã hội học đô thị, ông nhìn sự thay đổi xã hội công dân ở vùng đất này (về lối sống, về niềm tin cộng đồng...) là thuận sự phát triển chung theo thời đại mới hay có những yếu tố riêng biệt tác động từ vùng miền?
Sau hơn 300 năm, có biết bao nhiêu biến động ở vùng đất Sài Gòn-Gia Định-TP.HCM này. Nhiều thứ mất đi, nhiều thứ mới xuất hiện và nhiều thứ còn về hình thức nhưng đã biến đổi về nội dung, mặc dù tính cách “Người Sài Gòn” thì vẫn còn. “Người Sài Gòn”, một khái niệm không dùng để chỉ cụ thể một ai đó, bởi nói cho cùng hầu hết “Người Sài Gòn” là người tứ xứ tụ lại, mà nó nói về một tính cách được hình thành trên một vùng đất.
Muốn Sài Gòn phát triển thì xin đừng can thiệp sâu quá, đừng tước đoạt những gì là của nó một cách thô bạo, hãy trả lại cho nó sức mạnh nó vốn có.
Tôi rất thích câu nói truyền đời của người Việt - “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, điều đó có nghĩa là tổ chức không gian sống, văn hóa truyền thống, quan hệ xã hội ở mỗi vùng miền sẽ như là cái khuôn “bầu” hay “ống” mà con người được nhào nặn biến đổi trong đó.
Tất cả chúng ta đến đây chấp nhận cuộc sống ở mảnh đất này, coi mình thuộc về nơi ấy, và tự nguyện nhiễm những đặc tính được hình thành lâu đời từ vùng đất này. Ai đến đây cũng phải thay đổi, người ác độc sẽ thuần tính hơn, người keo kiệt sẽ bớt keo kiệt, người khép kín sẽ cởi mở hơn, người chuộng hình thức sẽ sống thật tình hơn, người ù lỳ sẽ năng động hơn... Vùng đất này rất năng động và đổi mới, chấp nhận những cái mới từ bên ngoài, nhưng không từ bỏ những “đặc sản” của riêng nó.
Ông có thể nói một cách cô đọng nhất về “những vấn đề tiếp nối” của thành phố này?
Không phải tôi mà bất cứ ai nặng lòng với thành phố này đều ưu tư với những vấn đề tiếp nối của Sài Gòn-TP.HCM. Là một nhà nghiên cứu dành hết một đời nghiên cứu về đô thị, nghiên cứu về Sài Gòn - TP.HCM, tôi cứ mãi vật vã với câu hỏi một thành phố hội tụ sức mạnh kinh tế, công nghệ - kỹ thuật, nhân văn và thời đại vượt trội hầu hết các thành phố khác, mà tại sao không làm nên một “kỳ tích sông Sài Gòn”?
Thành phố này có đầy đủ những tiềm năng để lập nên một “kỳ tích” như Seoul (kỳ tích sông Hán), như Thượng Hải (kỳ tích sông Hoàng Phố). Nó có vị thế thuận lợi nhất cho giao thương nội vùng và quốc tế, là cửa ngõ thông thương dễ dàng với thế giới bên ngoài. Thành phố này tọa lạc trên vùng đất ổn định về địa chất, chưa bao giờ có động đất, hầu như không phải chịu một trận bão lớn nào, chưa khi nào bị hạn hán thiếu nước, mưa nắng hai mùa rõ rệt.
Cha ông chúng ta và những người đi trước đã lựa chọn và xây dựng nên một thành phố thật là “thiên thời, địa lợi” có đủ đất đai, sông nước, rừng, biển và cả gió. So với các vùng miền khác trong cả nước, thành phố này là nơi tiếp nhận kinh tế thị trường với những tinh hoa của nó sớm nhất, tiếp nhận nền công nghiệp tiên tiến với các kỹ thuật và công nghệ hiện đại sớm nhất, tiếp nhận văn minh đô thị sớm nhất và đầy đủ nhất trong cả nước...
Một thành phố giàu có tiềm năng như thế mà cứ lẹt đẹt sau hàng xóm, khi chúng ta bước đi được mười bước thì Bangkok, Singapore, Seoul, Kuala Lumpur bước được 50 thậm chí một 100 bước.
Những ngày gần đây tôi bị ám ảnh bởi câu nói của một nữ đồng nghiệp, TS. Nguyễn Thị Hậu: khi hỏi làm sao để cho thành phố này phát triển, Tiến sĩ nói là làm sao để “Sài Gòn chỉ cần được là chính nó”. Muốn Sài Gòn phát triển thì xin đừng can thiệp sâu quá, đừng tước đoạt những gì là của nó một cách thô bạo, hãy trả lại cho nó sức mạnh nó vốn có. Ngay cả những cải tiến, đột phá, giải pháp, chính sách được cho là xuất phát từ tinh thần “vì thành phố” nhưng đầy ngẫu hứng, thiếu khoa học cũng làm cho nó tổn thương lâu dài, chưa kể những hoạt động sai lầm, những người cố tình xẻo thịt, lóc da làm cho nó đau đớn vật vã triền miên.
Ngẫm mà đau.
Duy Thông thực hiện