Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4: Hành trình tiêu thụ tro, xỉ

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4

Bài 1: Các thông số kỹ thuật tro, xỉ nằm trong giới hạn cho phép

Bài 2: Thị trường tiêu thụ tro, xỉ

Bài 3: Hướng xử lý, tiêu thụ tro, xỉ thời gian tới

Bằng nhiều nghiên cứu và kết quả thực tế, hiện nay đã có thể khẳng định tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than không những không phải là nguồn chất thải nguy hại, mà còn là nguồn nguyên liệu có giá trị đối với những sản xuất vật liệu xây dựng. Nhưng để đạt được các mục tiêu về xử lý, sử dụng tro, xỉ đặt ra, cần sự tham gia của tất cả các chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước, chủ các nhà máy nhiệt điện than, các đơn vị tiếp nhận, sử dụng tro xỉ... nhằm triển khai đồng bộ và có tính hệ thống các công việc liên quan.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2019, Việt Nam sử dụng khoảng 140 triệu m3 bê tông, trong đó 50% được sản xuất tại các cơ sở sản xuất bê tông thương phẩm và 50% được sản xuất thủ công. Dự báo sản lượng bê tông theo chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thì đến năm 2030 sản lượng bê tông ở mức 250 - 270 triệu m3. Với công nghệ trong nước hiện nay đã cho phép sử dụng tro, xỉ như một thành phần trong cấp phối của bê tông. Ở nhiều nước trên thế giới, việc sử dụng tro, xỉ trong bê tông thương phẩm đã trở thành bắt buộc, ví dụ như ở Canada hầu như tất cả bê tông đều chứa từ 10 đến 25% tro bay. Do đó, cần phải có quy định cụ thể về sử dụng tro, xỉ trong bê tông thương phẩm phù hợp với từng địa phương, khu vực có đặt NMNĐ.

Ở Việt Nam, các NMNĐ thuộc EVN đã phối hợp với các đơn vị kiểm định độc lập như VinaControl, Trung tâm Năng lượng than Nhật Bản (JCOAL) để tổ chức lấy mẫu tro xỉ và phân tích, đồng thời qua kết quả nghiên cứu của Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, tro xỉ NMNĐ có các đặc điểm phù hợp để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và dùng trong các công trình xây dựng.

Trong nhưng năm qua, tro xỉ của các NMNĐ than của EVN đã được sử dụng trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng như bê tông, xi măng, gạch không nung, cấu kiện xây dựng… Điển hình như tại 2 công trình thủy điện lớn là Sơn La và Lai Châu đã sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn, trong đó thành phần khối lượng tro bay tương đối lớn được tuyển chọn từ tro bay của NMNĐ Phả Lại.

Đối với các NMNĐ than khu vực phía Nam là Duyên Hải và Vĩnh Tân, các NMNĐ mới đưa vào vận hành tại Duyên Hải và Vĩnh Tân trong thời gian vừa qua đã làm việc với các đơn vị có khả năng tiêu thụ tro xỉ, tạo điều kiện để các đơn vị này tiến hành lấy mẫu thí nghiệm nhằm đưa ra phương án tiêu thụ. Cụ thể như tại Nhiệt điện Duyên Hải đã ký hợp đồng tiêu thụ tro xỉ với tổng khối lượng 2,9 triệu tấn/năm bằng 210% tổng khối lượng tro xỉ trung bình hàng năm của hai nhà máy. Nhiệt điện Vĩnh Tân đã làm việc với 9 công ty để nghiên cứu xử lý tro xỉ. Riêng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, năm 2020, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã tiến hành ký kết hợp đồng thu mua tro bay NMNĐ Vĩnh Tân 4 với các đối tác là: Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển đầu tư THT, Công ty TNHH Hoàng Sơn, Công ty TNHH ĐT&XNK An Sinh, Công Ty TNHH Oirent Wealth. Tuy nhiên do thị trường tiêu thụ tại các tỉnh miền trung rất hạn chế trong khi việc vận chuyển tro xỉ ra tiêu thụ ở miền bắc và miền nam rất khó khăn do chi phí vận chuyển rất cao nên việc tiêu thụ tro xỉ của các đối tác nêu trên chỉ đạt trung bình khoảng 30% lượng tro xỉ thải ra trong quá trình sản xuất. Hiện nay, thị trường tiêu thụ tro xỉ các NMNĐ tại khu vực Vĩnh Tân tập trung vào các lĩnh vực phụ gia xi măng, phụ gia bê tông, vật liệu không nung, một phần nhỏ vận chuyển đi các địa phương khác và xuất khẩu. Khả năng tiêu thụ tối đa của thị trường là khoảng 50% khối lượng tro xỉ phát sinh tại TTĐL Vĩnh Tân và hiện nay đã bão hòa do giới hạn nhu cầu của thị trường.

Rõ ràng, tro, xỉ nhiệt điện được đánh giá là phù hợp cho việc sử dụng làm nguyên vật liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng cho xây dựng. Quyết định số 1696/QĐ-TTg và 452/QĐ-TTg là cơ sở cho việc thúc đẩy việc xử lý, sử dụng tro xỉ nhiệt điện ở Việt Nam. Để đạt được các mục tiêu về xử lý, sử dụng tro, xỉ đặt ra, cần sự tham gia của tất cả các chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước, chủ các NMNĐ, các đơn vị tiếp nhận, sử dụng tro xỉ...

Nhằm triển khai đồng bộ và có tính hệ thống các công việc liên quan. Theo đó, các chuyên gia, nhà khoa học, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị:

Thứ nhất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền tăng cường công tác tuyên truyền khuyến khích các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về sử dụng các sản phẩm từ ứng dụng tro xỉ thay thế vật liệu xây dựng.

Thứ hai, ban hành các quy định pháp lý yêu cầu bắt buộc thị trường vật liệu xây dựng sử dụng các sản phẩm sản xuất từ tro, xỉ, thạch cao, bê tông, gạch không nung...

Thứ ba, nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu ứng dụng, tham gia hợp tác kinh doanh với các nhà máy nhiệt điện trong việc xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao.

Thứ tư, xem xét sửa đổi Nghị định 38/2015/NĐ-CP theo hướng xem tro, xỉ nhiệt điện khi đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng thì được coi là sản phẩm hàng hóa và không bị điều chỉnh theo quy định về chất thải công nghiệp thông thường.

Thứ năm, kiến nghị sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật quy định việc xử lý, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, giao thông, san lấp mặt bằng...

Ngoài ra, với các đối tác vận chuyển, sử dụng tro xỉ, cần nghiên cứu kỹ và chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường; có phương án, kế hoạch tiếp nhận, tiêu thụ tro, xỉ dài hạn. Đặc biệt, các đơn vị cùng hợp tác để nghiên cứu sử dụng, khai thác nguồn tro, xỉ của các NMNĐ than để đạt được hiệu quả cao nhất.

V. Trí – B. Minh – T. Khoa

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/nha-may-nhiet-dien-vinh-tan-4-hanh-trinh-tieu-thu-tro-xi-bai-3-143473.html