Nhà máy thủy điện lớn thứ 2 thế giới bắt đầu hoạt động hết công suất
Lượng năng lượng sạch do Bạch Hạc Than tạo ra có thể tiết kiệm tới 19,68 triệu tấn than tiêu chuẩn và giảm 51,6 triệu tấn khí thải CO2.
Bạch Hạc Than (Baihetan), cơ sở thủy điện lớn thứ hai của Trung Quốc trên nhánh thượng nguồn của sông Dương Tử đã chính thức hoàn thành hôm 20/12 sau khi tổ máy phát điện cuối cùng được kết nối với lưới điện.
Đây cũng là nhà máy thủy điện lớn thứ hai thế giới về tổng công suất lắp đặt, chỉ đứng sau dự án đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc.
Với 16 tổ máy phát điện có công suất lắp đặt 1 gigawatt mỗi tổ máy, nhà máy Bạch Hạc Than có thể tạo ra 62.400 GW giờ điện mỗi năm, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của khoảng 75 triệu người.
Đập thủy điện Bạch Hạc Than là một công trình kỹ thuật lớn trên sông Kim Sa, là một phần của thượng nguồn sông Dương Tử và chạy qua các tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam ở phía Tây Nam Trung Quốc.
Với độ cao chênh lệch 5.100 mét, dòng sông là nơi lý tưởng để cung cấp năng lượng cho thủy điện, nhưng cũng là thách thức đối với bất kỳ con đập nào trong việc chịu áp lực nước.
Dự án này đã tạo ra hơn 53 tỷ kWh điện kể từ khi vận hành 2 tổ máy đầu tiên vào tháng 6/2021, theo tập đoàn đầu tư China Media Group (CMG).
Bạch Hạc Than là một trong 6 trạm thủy điện khổng lồ dọc theo sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc. Tập đoàn Tam Hiệp, nhà phát triển dự án, đã mô tả con đập dài 289 mét và cơ sở hạ tầng liên quan là một trong những dự án kỹ thuật lớn nhất và thách thức nhất của đất nước.
Việc xây dựng công trình này bắt đầu vào năm 2017, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 170 tỷ nhân dân tệ (24,38 tỷ USD). Là một dự án lớn nhằm cung cấp điện cho các tỉnh Giang Tô và Chiết Giang ở miền Đông Trung Quốc.
Nguyễn Tuyết (Theo CGTN, Yicai Global, Channel News Asia)