Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu - Người lặng lẽ 'tìm trầm' giữa đất ngàn Hống
Vài ngày sau khi cụ Lê Trần Sửu tạ thế (6/9/2023), tôi mở lại cuốn sách cụ đã run run ký tặng trong cuộc gặp gỡ mấy năm trước. Nét chữ rõ ràng mà không kém phần bay bổng đã khiến tôi nhớ lại, suy nghĩ về những điều cụ đã chia sẻ và cả những điều ẩn sâu trong sự nghiệp nghiên cứu của cụ. Những bước chân miệt mài đi 'tìm trầm' giữa nhân gian đã dừng lại nhưng trầm hương mà cụ để lại thì còn tỏa thơm đến muôn sau.
Một nhà giáo ham tìm hiểu văn hóa, lịch sử quê hương…
Khi đọc lại những tư liệu về cụ Lê Trần Sửu, tôi mới cảm nhận được thật rõ mạch nguồn văn hóa quê hương thấm đẫm trong con người ấy. May mắn được sinh ra trên miền địa linh nhân kiệt Đức Thọ, gia đình lại có truyền thống khoa bảng lâu đời, cậu học trò Lê Trần Sửu (sinh năm 1925) đã sớm được mẹ định hướng theo con đường học hành.
Tôi vẫn nhớ rất rõ lời cụ chia sẻ trong cuộc gặp gỡ lần trước: "Tôi chăm chỉ học hành lắm. Bố tôi là thầy giáo mà. Hơn nữa, gia đình tôi có truyền thống khoa bảng lâu đời với nhiều nhân tài, đóng góp nhiều công trạng trong nhiều thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, cố nội tôi là cụ Lê Dụ, từng là Khâm sai đại thần, giữ chức Tổng đốc An Tĩnh luôn là tấm gương gần nhất cho tôi noi theo".
Chính vì chăm chỉ học hành nên cậu học trò Lê Trần Sửu đã không quản đường xa, khăn gói theo học tại Trường Quốc học Vinh, tốt nghiệp Thành chung (Cao đẳng Tiểu học) rồi sau đó lại ra Hà Nội theo học Trường Trung học Bảo hộ (Trường Chu Văn An ngày nay). Mặc dù lúc bấy giờ đất nước rơi vào cảnh lầm than, người dân sống trong cảnh một cổ hai tròng nhưng chàng thanh niên Lê Trần Sửu vẫn vững vàng, kiên định con đường học tập.
Năm 1945, sau khi tham gia Việt Minh, khởi nghĩa giành chính quyền ở quê mẹ Yên Phúc (nay là Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh) chàng thanh niên Lê Trần Sửu lại được bồi đắp thêm nhiều hoài bão và ý chí, tiếp tục nghiệp đèn sách. "Lúc bấy giờ tôi nghĩ, có nhiều cách cứu nước, trong đó, dạy học là một giải pháp cần thiết. Chính vì thế, tôi khao khát được trở thành thầy giáo. Năm 1946, tôi theo học Trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng tại Đức Thọ. Một năm sau, tôi được bổ nhiệm dạy Trường Trung học kháng chiến Bình Trị Thiên (trường dành cho con em Bình Trị Thiên sơ tán ra vùng tự do) ở Hương Khê, Hà Tĩnh" (nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu chia sẻ với phóng viên năm 2019).
Năm 1955, thầy giáo Lê Trần Sửu về công tác ở Ty Giáo dục Hà Tĩnh, rồi dạy học ở Trường cấp 3 Phan Đình Phùng. Trong kháng chiến chống Mỹ, được biệt phái sang làm công tác tuyên truyền ở Liên hiệp Công đoàn Hà Tĩnh rồi một thời gian sau lại trở lại làm thầy giáo cho đến năm 1985. Chính trong những năm dài đi dạy ở nhiều vùng quê khác nhau và thời gian làm công tác tuyên truyền ấy, thầy giáo Lê Trần Sửu đã được tiếp cận với nhiều giá trị văn hóa quê hương và luôn nuôi dưỡng niềm đam mê tìm hiểu các giá trị đó.
Mặc dù có thói quen tìm hiểu, ghi chép về các nhân vật lịch sử nhưng lúc bấy giờ, thầy giáo Lê Trần Sửu chưa có ý thức trở thành nhà nghiên cứu hay nhà địa phương học như sau này. Trái lại, lúc đó, người thầy giáo ấy lại nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tác với rất nhiều truyện ký, truyện ngắn. Sự nghiệp sáng tác của người thầy đam mê văn chương ấy khá dày dặn với 5 tập truyện ngắn và bút ký nhưng chính cụ cũng không ngờ rằng, đó không phải là "gia tài" lớn nhất trong sự nghiệp viết lách của mình. Và chính mạch nguồn văn hóa quê hương đã tưới đẫm quãng đời thanh xuân của cụ lại một lần nữa khai mở trong trí tuệ tài năng ấy một suối nguồn khác. Đó chính là con đường trở thành một nhà địa phương học, một nhà nghiên cứu văn hóa.
Miệt mài tìm lại dấu xưa
Trong 99 năm cuộc đời, có rất nhiều mối nhân duyên kiến tạo nên sự nghiệp của cụ Lê Trần Sửu và tôi tin chắc rằng, mối duyên gặp gỡ với 2 nhà nghiên cứu văn hóa gạo cội của Hà Tĩnh là cụ Võ Hồng Huy và cụ Thái Kim Đỉnh chính là một trong những duyên phận đẹp đẽ nhất.
Cụ từng kể rằng, năm 1959, khi Hà Tĩnh thành lập Hội Văn nghệ, trở thành hội viên chuyên ngành văn xuôi, cụ bắt đầu quen biết với cụ Võ Hồng Huy và cụ Thái Kim Đỉnh. Kể từ đó, cụ được học rất nhiều thứ từ 2 nhà địa phương học nổi tiếng ấy, nhất là học chữ Hán từ cụ Huy (yếu tố vô cùng cần thiết để tiếp cận với nhiều sử liệu), học cách đánh giá, tôn trọng lịch sử và cách làm việc khoa học của các bậc đàn anh trong nghiệp viết.
Năm 1991, khi chính thức trở thành Hội viên Hội văn nghệ dân gian Hà Tĩnh, là thành viên nhóm địa phương học Hà Tĩnh, thầy giáo Lê Trần Sửu mới chính thức đánh thức những tư liệu quý mà mình đã ghi chép, sưu tầm suốt thời gian còn đi dạy học. Với sự chia sẻ, giúp đỡ của các cụ Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh, cụ Lê Trần Sửu đã bắt đầu định hình cho mình nghiên cứu theo 3 mảng: Sự kiện lịch sử, danh nhân và danh thắng. Cụ đã tham gia nhóm địa phương học đi điền dã rất nhiều miền quê và khảo cứu, giới thiệu các di sản văn hóa truyền thống, các danh nhân Hà Tĩnh.
Trên cơ sở các mảng đã định hình, nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu vẫn luôn dành sự ưu tiên lớn cho những tư liệu quý ở quê mẹ (Yên Hồ ngày nay) và quê cha (Trung Lễ, nay là xã Lâm Trung Thủy) vì với cụ đó là những giá trị rất thân thuộc, gần gũi, hơn nữa đó cũng là trách nhiệm của một người con đối với dòng tộc. Cụ đã dành nhiều tâm huyết cho những công trình nghiên cứu và bài viết về các nhân vật ở quê nội và quê ngoại như: cụ cố nội Lê Dụ, Giáo sư Lê Thước (người làng Trung Lễ); Đức thánh Nghĩa vương Nguyễn Biểu, Quang Lộc tự khanh tuần phủ Hà Tĩnh Hoàng Xuân Phong, nhân sĩ Phạm Khắc Hòe, giáo sư Hoàng Xuân Hãn (người tổng Yên Hồ). Sau này, khi nhóm nghiên cứu xuất bản cuốn sách "Làng cổ Việt Nam", cụ đã có bài viết về hai làng là Trung Lễ và Yên Hồ.
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu cũng luôn đau đáu về việc vẫn còn rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử ẩn sâu trong cuộc đời của các nhân vật gắn với nhiều giai đoạn lịch sử dân tộc chưa được tìm hiểu, khai thác và giới thiệu. Trong những bước chân điền dã tướm máu của mình, trong những ngày tháng miệt mài bên thư án với những sử liệu ghi chép được, cụ Lê Trần Sửu đã cảm nhận rõ ràng hơn thân phận của nhiều nhân vật lịch sử, hiểu được nỗi đau thời cuộc của họ và cảm phục trước những nghị lực sống phi thường trong hoàn cảnh khó khăn.
Bởi vậy, với người và đất Hà Tĩnh, cụ luôn vẹn nguyên niềm đam mê được tìm tòi, nghiên cứu. Và, rất nhiều bài viết của cụ về những nhân vật như: Tiến sĩ Trương Quốc Dụng, Nguyễn Xí, Nguyễn Công Trứ, Chí sĩ Phan Đình Phùng, Lê Ninh, vua Hàm Nghi, vua Duy Tân, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện v.v…; về những địa danh như: Thác Vũ Môn, núi Long Ngâm, làng Tiên Điền… đã mang đến những góc nhìn mới, những kiến thức mới cho độc giả cũng như tạo kho tư liệu quý cho những người nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Hà Tĩnh.
Con cháu của cụ Lê Trần Sửu kể rằng, trong trí nhớ của họ, người cha, người ông của mình luôn trong hình ảnh là một cụ già mái tóc bạc trắng, mắt đeo mục kỉnh, một tay cầm bút, một tay cầm kính lúp miệt mài bên thư án bề bộn các loại sách cổ và những tài liệu chép tay. Cụ mất ở tuổi 99 nhẹ nhàng như một giấc ngủ bởi 5 ngày trước khi tạ thế, cụ vẫn không ngừng đọc và viết. Dẫu không được gặp cụ trong những ngày cuối đời nhưng tôi vẫn lờ mờ đoán được, cụ đang miệt mài với những trang sách về Nguyễn Du và "Truyện Kiều" bởi trước đó, cụ luôn tâm niệm dành những năm tháng cuối đời để nghiên cứu về đề tài này.
Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu đã lựa chọn rời xa dương thế, đi tìm các bạn viết Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh trong một ngày mùa thu rất đẹp, để lại trong lòng cháu con và độc giả niềm tiếc thương vô hạn. Trong lòng người ở lại, cụ mãi mãi là một nhà giáo hiền lành, điềm đạm; là một nhà nghiên cứu nghiêm cẩn, chỉn chu và đầy tâm huyết; là một con người yêu tha thiết cuộc đời, từ tâm với mọi người, có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Và, tác phẩm mà cụ để lại sẽ như những thanh trầm hương, tỏa thơm trong kho tàng kiến thức về văn hóa, lịch sử của miền núi Hồng - sông La.