Nhà nghiên cứu nặng lòng với văn hóa dân gian dân tộc
Anh vốn xuất thân từ sân khấu ca kịch Bài chòi, là đạo diễn - tác giả của nhiều vở diễn được yêu thích, đã từng được đào tạo bài bản về công tác đạo diễn ở Bulgaria.
Khoảng năm 1985, do sự điều động của lãnh đạo, anh về làm trợ lý nghệ thuật cho giám đốc sở, rồi được đề bạt làm Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thuận Hải. Tháng 4/1992, khi 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận tái lập, anh được phân công về làm Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Thuận. Bắt đầu từ đây, bên cạnh công tác quản lý hoạt động chuyên ngành, anh dành toàn bộ thời gian, trí tuệ, công sức cho một niềm đam mê mới: đó là việc nghiên cứu văn hóa dân gian, dân tộc vùng cực Nam Trung bộ.
Những điều tôi biết về anh, chủ yếu gắn với giai đoạn anh đóng góp cho Đoàn Dân ca kịch Thuận Hải rồi ngành VHTT Thuận Hải, mặc dù khi anh về Ninh Thuận, giữa chúng tôi vẫn có cơ duyên gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa-nghệ thuật.
Khi anh ở Đoàn Dân ca kịch, tôi là cán bộ biên tập - xuất bản của Phòng Văn hóa-Văn nghệ - Ty VHTT (sau này là Sở VHTT) do anh Lê Xuân làm Trưởng phòng. Hầu như, những buổi duyệt chương trình, kịch mục của 2 Đoàn Ca múa nhạc và Dân Ca kịch Thuận Hải, cán bộ Phòng VHVN đều được lãnh đạo sở cho tham dự để học hỏi. Thời gian gần đây, tôi có đọc một vài quyển sách viết về thời bao cấp, trong đó nội dung thiên về “kể khổ” nhưng ít ai đề cập đầy đủ đến một khía cạnh vô cùng tốt đẹp của thời ấy, đó chính là tình người và sự sẻ chia, đùm bọc trong khốn khó. Khi anh Hải Liên được phân nhà tập thể trong Khu 36ha - phường Phú Thủy, tôi còn ở nhà tập thể Xí nghiệp In (nơi vợ tôi công tác) trên đường Kim Đồng, thuộc phường Đức Nghĩa. Tôi nhớ căn phòng của mình chưa đầy 9m2 nguyên là một cơ sở khách sạn cũ đã xuống cấp, được Nhà nước trưng thu sau ngày giải phóng. Dù là dân văn nghệ nhưng vốn tính chịu thương chịu khó nên tranh thủ khoảnh đất nhỏ trước sân nhà, anh làm giàn trồng đậu đũa, rất sai trái. Cứ cách năm, bảy ngày, anh lại hái đậu đũa, cột thành bó, đem theo lên cơ quan tặng cho vợ chồng tôi, cải thiện bữa ăn. Đi công tác cơ sở, anh luôn dặn dò anh chị em cán bộ trẻ, không được thức khuya để giữ gìn sức khỏe, làm việc lâu dài. Được giao phụ trách Đoàn kiểm tra văn hóa của tỉnh, anh rất nghiêm khắc với các hoạt động kinh doanh văn hóa sai trái nhưng luôn tâm niệm: Răn đe, nhắc nhở, hướng dẫn là chủ yếu, còn xử phạt chỉ là thứ yếu. Nói theo ngôn ngữ bây giờ, anh chính là mẫu người lãnh đạo có tâm.
Tôi nhớ, năm 1983 Ban Vận động thành lập Hội VHNT Thuận Hải có tổ chức một lớp bồi dưỡng triết - mỹ học cho hội viên tại Khu Di tích Dục Thanh, bài thu hoạch của anh được viết rất công phu, dài đến mấy chục trang; trong khi có không ít hội viên dự học viết chưa đầy 2 trang giấy.
Trong những lần tham gia Ban Giám khảo Hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh, tôi và anh thường gặp nhau ở quan điểm: Luôn chăm chút, nâng niu các tiết mục sân khấu của phong trào, bởi vì đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp, đòi hỏi rất nhiều công sức. Tháng 5/1991, khi tỉnh có chủ trương thành lập Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm, tôi được anh giao nhiệm vụ chấp bút “Luận chứng về việc thành lập Trung tâm văn hóa Chăm” với sự hỗ trợ của các chú, các anh am hiểu sâu trên lĩnh vực văn hóa. Bản thảo đầu tiên, có bút tích của anh, hiện nay tôi vẫn còn cất giữ như một kỷ niệm đặc biệt khó quên trong suốt chặng đường 38 năm gắn bó với ngành VHTT.
Khi lao vào nghiên cứu văn hóa Chăm và Raglai (Rắc-lây) vùng cực Nam Trung bộ, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể, anh không tiếc thời gian lặn lội đi điền dã, gặp gỡ nghệ nhân ở các thôn, bản heo hút tận Bác Ái để ghi âm, ghi hình, phỏng vấn… làm tư liệu cho các công trình nghiên cứu. Thỉnh thoảng có sách in, bao giờ anh cũng gửi tặng tôi, kèm theo lời dặn ân cần “em đọc và góp ý cho anh nhé”. Anh là người xứng đáng được ghi công đầu tiên trong việc tác động với lãnh đạo huyện, hình thành Đoàn nghệ thuật bán chuyên dân tộc Chăm huyện Bắc Bình vào cuối năm 1989; đồng thời là người chịu trách nhiệm chính về chương trình, kịch mục của Đoàn ở giai đoạn sơ khai, với bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Đây cũng là thời kỳ nung nấu, ấp ủ để vở kịch hát dân ca Chăm “Ma Hoa - Trà Mứ” mà anh là tác giả kiêm đạo diễn ra đời, đạt huy chương vàng đặc biệt trong Hội diễn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995.
Năm 2018, Hội VHNT Bình Thuận có mời tôi tham gia Ban tuyển chọn tập Kịch ngắn sân khấu Bình Thuận cùng với các anh Thái Phụ và Đỗ Kim Ngư; ai cũng nhắc, nhớ đừng bỏ sót tác phẩm của kịch tác gia Nguyễn Tường Nhẫn (1924-2011) và anh Nguyễn Hải Liên.
Cụm công trình: “Âm nhạc và vai trò của nó trong lễ hội Chăm”, “Nhạc cụ tiêu biểu của người Raglai cực Nam Trung bộ” - với sự cộng tác của nhạc sĩ Hoài Sơn, “Trang phục cổ truyền của người Raglai cực Nam Trung bộ” của anh đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017. Anh lâm trọng bệnh nhiều năm nhưng vẫn lạc quan, kiên trì chữa bệnh và đặc biệt là không rời hoạt động nghiên cứu. Anh đã có một nghĩa cử cao đẹp là trao tặng cho Nhà nước toàn bộ các tư liệu, công trình nghiên cứu tâm huyết cả đời mình như một việc làm mang tính dự báo trước khi về cõi vĩnh hằng. Anh mất ngày 17/12/2020, hưởng thọ 86 tuổi, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận trong sự thương tiếc và quý trọng của những người thân yêu, bạn bè, đồng nghiệp.
Anh là một tấm gương sáng trong, bình dị để lớp hậu bối, trong đó có tôi học tập, noi theo - nhưng trước hết - anh là một nhà nghiên cứu luôn nặng lòng và giàu tâm huyết với di sản văn hóa dân gian, dân tộc trên vùng đất cực Nam Trung bộ.
(*) Anh Nguyễn Hải Liên (1934 - 2020) là Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.