Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu qua đời

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu là người đã sưu tầm nhiều bản đồ xưa của Việt Nam và phương Tây, viết sách và giúp nhà nước sử dụng những tài liệu này để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Ông còn dịch thuật và viết nhiều tài liệu về lịch sử Sài Gòn, các tỉnh miền Nam và nhiều vấn đề sử địa của cả nước...

Nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: KKD

Nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: KKD

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu vừa qua đời trưa nay (ngày 20.9) tại TP.HCM, hưởng thọ 104 tuổi.

Sinh năm 1920 tại tại Hàng Giầy Hà Nội nhưng hơn phân nửa cuộc đời, học giả Nguyễn Đình Đầu gắn bó với Sài Gòn - TP.HCM và miền Nam không chỉ bằng các công trình nghiên cứu giá trị cao mà còn bằng phong cách sống giản dị và dấn thân.

Năm 1941, ông tốt nghiệp trường Bách Nghệ (Hà Nội), sau đó làm trưởng một xưởng công nghệ.

Sau Cách mạng Tháng Tám, khi Chính phủ lâm thời thành lập, ông được chỉ định làm bí thư mảng kinh tế cho bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà. Năm 1951, ông sang Pháp học tại Đại học Công giáo Paris, tốt nghiệp cử nhân năm 1953.

Trong thời gian ở Pháp, ông cùng các nhà trí thức Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Ngọc Bích tham gia vận động phong trào kêu gọi chính phủ Pháp đàm phán với chính phủ Hồ Chí Minh; năm 1954, ông cùng các trí thức nói trên sang Thụy Sĩ ủng hộ phái đoàn do Phạm Văn Đồng dẫn đầu dự hiệp định Genève.

Đầu năm 1955 ông về nước làm giáo sư sử địa tại trường trung học Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn (trường Bùi Thị Xuân ngày nay). Những năm 1960, ông bắt đầu công bố các công trình nghiên cứu của mình trên báo chí miền Nam và được giới nghiên cứu công nhận là một học giả uy tín. Bên cạnh đó ông cũng là người tích cực đấu tranh cho hòa bình; ông được xem là “lực lượng thứ ba” (ôn hòa) trong chính trường miền Nam.

Vào cuối tháng 4.1975, là một nhân sĩ trong lực lượng thứ Ba, học giả Nguyễn Đình Đầu đã tham gia nhóm thương lượng hòa bình do chính phủ Dương Văn Minh cử đến gặp phái đoàn quân sự của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, tại trại David trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau ngày đất nước thống nhất, học giả Nguyễn Đình Đầu tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu, viết sách, viết báo. Ông từng là Ủy viên Thường vụ Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, đồng thời là thành viên Hội đồng Khoa học Xã hội TP.HCM nhiều năm liền.

Ông là người dầy công nghiên cứu tài liệu địa bạ nhà Nguyễn về Nam Kỳ bằng tiếng Hán - Nôm để đúc kết thành tài liệu lịch sử phục dựng diện mạo miền đất mới của Việt Nam vào cuối thế kỷ 19.

Ông cũng đã sưu tầm nhiều bản đồ xưa của Việt Nam và phương Tây, viết sách và giúp nhà nước sử dụng những tài liệu này để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Ông là người sở hữu bộ sưu tập bản đồ quý giá với hơn 3.000 bản đồ cổ, trong đó có nhiều tấm bản đồ thể hiện rất rõ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.

Ngoài ra, ông còn dịch thuật và viết nhiều tài liệu về lịch sử Sài Gòn, các tỉnh miền Nam và nhiều vấn đề sử địa của cả nước.

Sách Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang Nam kỳ Lục tỉnh có nhiều thông tin hữu ích cho những ai đang nghiên cứu về lịch sử Nam bộ cũng như tìm hiểu về chế độ công điền công thổ ngày xưa. Sách cũng phù hợp cho những học sinh, sinh viên và giáo viên để có thể có thêm nguồn tài liệu quý giá trong việc học tập và nghiên cứu về văn hóa, lịch sử nước nhà.

Sự kiện kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM (tổ chức vào năm 1998) là một dấu ấn trong hành trình nghiên cứu Sử - Địa của ông. Nhà nghiên cứu được TP.HCM “đặt hàng” tham gia thực hiện công trình nghiên cứu về địa chí thành phố. Trong công trình này ông cùng làm việc với một số nhà trí thức lớn, trong đó có GS. Trần Văn Giàu, học giả Trần Bạch Đằng...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu từng vinh dự hai lần nhận Giải thưởng Trần Văn Giàu, mà lần 2 là cho cụm tác phẩm Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn thuộc Nam kỳ lục tỉnh (gồm 8 quyển). Ông cũng là người đầu tiên nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu khoa học vào năm 2009.

Năm 2020, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu ra mắt sách Tạp ghi Việt Sử Địa tập 3, nối tiếp tập 1 và tập 2 đã được phát hành trước đó. Đây là quyển sách được ông dày công ghi chép trong nhiều năm liền, giúp bạn đọc có thêm nhiều tư liệu quý giá liên quan đến địa lý và lịch sử dân tộc.

Cách đây khoảng một tháng, NXB Trẻ cho ra mắt cuốn sách biên khảo mới nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh. Đây là công trình nghiên cứu quá trình khẩn hoang lập ấp và chế độ công điền công thổ của Nam kỳ Lục tỉnh từ cuối thế kỷ XVI khi lưu dân người Việt bắt đầu công cuộc khai phá vùng đất này, cho đến khi Thực dân Pháp xâm chiếm vào năm 1860. Tác giả đã sử dụng nhiều nguồn tư liệu trong quá trình nghiên cứu: tư liệu trong thư tịch Hán Nôm, tư liệu khảo sát của người Pháp khi mới chiếm Nam kỳ...

Một tác phẩm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trao quyền cho NXB Trẻ khai thác:

Địa bạ, gồm: Sơn Nam Thượng; Thanh Hóa; Nghệ An (cuốn 1); Nghệ An (cuốn 2); Hà Tĩnh; Quảng Bình; Quảng Trị; Thừa Thiên; Quảng Nam (cuốn 1); Quảng Nam (cuốn 2); Quảng Ngãi; Bình Định (cuốn 1); Bình Định (cuốn 2); Bình Định (cuốn 3); Phú Yên; Khánh Hòa; Bình Thuận; Biên Hòa; Gia Định; Định Tường; Vĩnh Long; An Giang; Hà Tiên.

Sách khác ngoài địa bạ:

Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh; Quân điền Bình Định; Tạp ghi Việt Sử Địa tập 1; Tạp ghi Việt Sử Địa tập 2 (Hành trình của một tri thức dấn thân); Tạp ghi Việt Sử Địa tập 3; Gia Định phong cảnh vịnh (Trương Vĩnh Ký chép nôm, Nguyễn Đình Đầu giới thiệu); Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức; Petrus Ký - Nỗi oan thế kỷ; Việt Nam quốc hiệu và cương vực, Hoàng Sa - Trường Sa; Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII cho đến khi Pháp xâm chiếm 1859; Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (dịch và chú thích); Tiểu giáo trình địa lý Nam kỳ (dịch); 100 câu hỏi đáp về Gia Định - Sài Gòn TP Hồ Chí Minh; Cố cả Léopold Cadìere từ Việt Nam học đến Việt Nam hóa; From Saigon to Hochiminh City - 300 years history (tiếng Anh); De Saigon à Hochiminh Ville - 300 ans d’histoire (tiếng Pháp); Petrus J. B. Trương Vĩnh Ký một nhà bác học và người yêu nước của Nam kỳ (của Jean Bouchot. Nguyễn Đình Đầu chú thích, giới thiệu); Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam trên Biển Đông (đang viết).

Những sách của tác giả đã in tại NXB Trẻ (từ 2013 đến nay):

- Việt Nam quốc hiệu và cương vực - Hoàng Sa Trường Sa (in năm 2013)

- Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức (in năm 2013)

- Tạp ghi Việt Sử Địa tập 1 (in năm 2016)

- Tạp ghi Việt Sử Địa tập 2 (in năm 2017)

- Tạp ghi Việt Sử Địa tập 3 (in năm 2020)

- Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, bản dịch và chú giải (in năm 2022)

Sách in trong năm 2023

- Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII cho đến khi Pháp xâm chiếm 1859

- Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh

- 100 câu hỏi đáp về Gia Định - Sài Gòn TP Hồ Chí Minh

- Cổ Gia Định phong cảnh vịnh (Trương Vĩnh Ký chép Nôm, Nguyễn Đình Đầu giới thiệu)

T.H - NXB Trẻ

Trà My

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nha-nghien-cuu-nguyen-dinh-dau-qua-doi-45344.html