Nhà nước Hồi giáo tự xưng vẫn là một mối đe dọa an ninh toàn cầu nghiêm trọng
Hội đồng Bảo an nhất trí nhóm khủng bố IS vẫn là một mối đe dọa an ninh toàn cầu nghiêm trọng, bất chấp việc cộng đồng quốc tế nhiều năm qua đã nỗ lực không ngừng nhằm tiêu diệt tổ chức này.
![Cảnh đổ nát sau một vụ tấn công tại Damascus, Syria. (Ảnh: THX/TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_293_51444059/ad13d648e2060b585217.jpg)
Cảnh đổ nát sau một vụ tấn công tại Damascus, Syria. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 10/2 tại trụ sở Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp để thảo luận về mối đe dọa từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí nhóm khủng bố IS vẫn là một mối đe dọa an ninh toàn cầu nghiêm trọng, bất chấp việc cộng đồng quốc tế nhiều năm qua đã nỗ lực không ngừng nhằm tiêu diệt tổ chức này.
Hội đồng Bảo an cũng tập trung thảo luận về báo cáo 2 năm lần thứ 20 của Tổng thư ký Liên hợp quốc về mối đe dọa mà IS gây ra cho hòa bình và an ninh quốc tế.
Phát biểu trước các thành viên Hội đồng Bảo an, Phó Tổng thư ký kiêm Giám đốc Văn phòng Chống khủng bố của Liên hợp quốc Vladimir Voronkov nhấn mạnh "chủ nghĩa khủng bố vẫn là một mối đe dọa đáng kể và ngày càng gia tăng đối với hòa bình và an ninh toàn cầu. Đây là mối đe dọa mà không quốc gia nào có thể một mình đương đầu."
Quan chức Liên hợp quốc cho rằng tình hình bất ổn tại Cộng hòa Arab Syria hiện rất đáng quan ngại, nhất là nguy cơ kho vũ khí hiện đại có thể rơi vào tay lực lượng khủng bố IS.
Trong khi đó tại khu vực châu Phi cận Sahara, IS và các nhánh của nhóm này tiếp tục gia tăng hoạt động và mở rộng lãnh thổ kiểm soát.
Tại cuộc họp, Giám đốc điều hành Ủy ban Chống khủng bố Natalia Gherman (CTED) cũng cảnh báo IS đang âm mưu lợi dụng các cuộc xung đột hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới để gia tăng gây bất ổn.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, tại Côte d'Ivoire, Ghana, Malawi, Mauritania và Tanzania, dù đã đạt được một số tiến bộ, song các lỗ hổng an ninh biên giới, chống tài trợ khủng bố và hợp tác khu vực vẫn là những thách thức nghiêm trọng.
Bà Natalia Gherman một lần nữa kêu gọi các quốc gia triển khai những chiến lược dài hạn theo hướng tôn trọng nhân quyền và pháp quyền.
Để đối phó với chủ nghĩa khủng bố nói chung và nhóm IS nói riêng, cộng đồng quốc tế cần theo đuổi cách tiếp cận đa phương và có phối hợp./.