Nhà sản xuất pin ít tên tuổi của Trung Quốc khiến Mỹ phải lo lắng

Một công ty Trung Quốc ít người nghe đến tên nhưng đang là trung tâm của cuộc chạy đua toàn cầu nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.

Hãng CATL của Trung Quốc hiện là nhà cung ứng pin xe điện khắp toàn cầu

Hãng CATL của Trung Quốc hiện là nhà cung ứng pin xe điện khắp toàn cầu

Tăng cường cơ chế giám sát

Mỹ và Trung Quốc có mối liên kết phức tạp đến mức khó có trụ cột nào của nền kinh tế không bị tác động bởi căng thẳng giữa 2 siêu cường này. Và chiến tuyến tiếp theo trong cuộc xung đột kinh tế giữa họ có thể là cuộc chiến về công nghệ pin điện.

Công ty TNHH Công nghệ đương đại Amperex của Trung Quốc, gọi tắt là CATL, là chuyên gia lưu trữ năng lượng và là nhà sản xuất pin cho xe điện (EV) lớn nhất thế giới. Nhưng bất chấp thực tế là công ty kiểm soát gần 2/5 thị trường pin xe điện trên thế giới, cung cấp cho Tesla, Volkswagen và BMW đồng thời công nghệ xe điện của họ vượt xa các sản phẩm của Mỹ, nhưng đến gần đây, công ty này mới bị Washington chú ý.

Vào tháng 2-2024, Duke Energy, một công ty năng lượng của Mỹ phục vụ hơn 8 triệu khách hàng cho biết, họ đang dần loại bỏ việc sử dụng pin CATL. Thay vào đó, họ sử dụng công nghệ từ “nhà cung cấp trong nước hoặc quốc gia đồng minh”. Quyết định này được đưa ra sau khi các nhà lập pháp Mỹ nêu lên mối lo ngại về việc sử dụng pin CATL tại Camp Lejeune, căn cứ của lực lượng Thủy quân lục chiến ở Bắc Carolina. Duke, công ty cung cấp cơ sở hạ tầng điện cho căn cứ quân sự, đã ngắt kết nối pin CATL vào tháng 12-2023 và hiện có kế hoạch ngừng hoạt động hoàn toàn cũng như loại bỏ chúng khỏi các dự án dân sự.

Hãng xe Ford cũng bị chỉ trích vì làm ăn với CATL. Thỏa thuận giữa hai công ty nhằm xây dựng một nhà máy sản xuất pin lithium iron phosphate giá rẻ cho xe điện sử dụng công nghệ CATL ở Michigan đã nhiều lần bị các nhà lập pháp Mỹ nghi ngờ. Ông Marco Rubio, Phó Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ cho biết, kế hoạch này sẽ đưa “đối thủ địa chính trị lớn nhất của Mỹ vào trung tâm”. Vào tháng 11-2023, Ford đã giảm quy mô kế hoạch xây dựng nhà máy, giảm công suất khoảng 40%.

Nhận xét về hoạt động giám sát CATL gần đây, Tu Le, người sáng lập Sino Auto Insights, một công ty tư vấn và thông tin kinh doanh có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc nói: “Đây không phải là điều đã được chính phủ Mỹ đề cập hoặc thảo luận trước đây. Trước đó, chưa bao giờ CALT bị cho là mối lo ngại”.

Mối lo ngại mới

Giới phê bình lo ngại rằng việc sử dụng pin CATL có thể tạo ra sự phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc và có thể trở thành điểm yếu trong trường hợp mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh xấu đi. Cũng có lo ngại rằng các khoản trợ cấp thuế của Mỹ cho công nghệ xanh có thể chảy vào các thực thể Trung Quốc. Dù vậy, các chuyên gia đều đồng ý rằng Mỹ khó có thể khử carbon nếu không có pin xe điện giá rẻ của Trung Quốc, rất có thể là từ CATL hoặc đối thủ chính của họ - BYD. Chuyên gia Tu Le lý giải, các công ty Mỹ chịu áp lực ngày càng tăng về hạn chế sử dụng pin Trung Quốc, nhưng nếu Mỹ muốn cạnh tranh trên thị trường toàn cầu với mặt hàng xe điện, thì đến năm 2030, họ sẽ phải sử dụng pin Trung Quốc.

Ông Michael Dunne, người sáng lập Dunne Insights, một công ty tư vấn về xe điện cho rằng, Mỹ đi sau nhiều năm về pin, chuỗi cung ứng pin và khoáng sản quan trọng. Hiện tại Mỹ cảm thấy “cấp bách” trong việc tăng cường công suất pin trong nước nhưng họ sẽ phải mất từ 5 đến 10 năm mới bắt kịp Trung Quốc.

Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm đã phát biểu tại một hội thảo: “Chúng tôi rất lo ngại về việc Trung Quốc đang lấn sân sang Mỹ khi chúng tôi đang xây dựng nền tảng sản xuất đáng kinh ngạc này”. Nhưng ông Granholm cũng thừa nhận rằng “quan trọng là mọi người phải mua xe điện với giá cả phải chăng”, nhưng điều đó không thể xảy ra trên thị trường hiện tại nếu không có pin Trung Quốc.

Nghiên cứu do Rhodium Group công bố gần đây đã kết luận rằng, “các công ty xe điện và pin của Trung Quốc đang ngày càng bị mắc kẹt bởi xu hướng không được chào đón ở Mỹ gia tăng trong khi Bắc Kinh thúc đẩy họ quốc tế hóa. Theo Rhodium Group, từ năm 2022 đến năm 2023, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào chuỗi cung ứng xe điện ở Bắc Mỹ đã giảm từ 4,8 tỷ USD xuống còn 2,7 tỷ USD.

Trong một tuyên bố được công bố vào tháng 12, hãng CALT nói: “Những cáo buộc về việc pin CATL gây ra mối đe dọa an ninh là sai sự thật và gây hiểu nhầm. Với tư cách là một công ty công nghệ toàn cầu, CATL hoan nghênh các cuộc thảo luận có trách nhiệm về các vấn đề an toàn và an ninh quan trọng, đồng thời chúng tôi xem xét nghiêm túc các câu hỏi về hoạt động kinh doanh của mình. Hoạt động kinh doanh và sản phẩm của CATL tại Mỹ không thu thập, bán hoặc chia sẻ dữ liệu đồng không thể tương tác trực tiếp với lưới điện hoặc bất kỳ cơ sở hạ tầng quan trọng nào khác”.

Theo Guardian

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nha-san-xuat-pin-it-ten-tuoi-cua-trung-quoc-khien-my-phai-lo-lang-post570460.antd