Nhà sinh, nhà cuối đời - những dự án độc đáo ở châu Âu
Ở thủ đô Brussels của Bỉ có một ngôi nhà đặc biệt - 'Pass-ages' (Nhà cuối đời), dành cho người mắc bệnh nan y sống những tuần cuối cùng trong đời. Tại đây, họ được các tình nguyện viên chăm sóc chu đáo và ra đi trong ấm áp của tình người.
Khi bà Steph (50 tuổi), đến sống ở “Pass-ages” vào tháng 6/2023, cư dân tòa nhà rất ngạc nhiên. Người hàng xóm mới này luôn chuẩn bị sẵn một trò chơi và hầu như tuần nào cũng mời bạn bè đến dự tiệc. Bà cũng ngay lập tức bắt tay vào làm vườn và chơi với trẻ con trong tòa nhà. Một người phụ nữ luôn vui vẻ và hòa đồng, nhưng không ai biết, Steph đang bước vào giai đoạn cuối của cuộc đời vì bà bị bệnh nan y.
“Nhà cuối đời”
Stéphanie là một trong bốn cư dân đầu tiên của “Nhà cuối đời”. Bất cứ ai bị bệnh nan y và không muốn hoặc không thể sống những tuần hoặc tháng cuối cùng ở nhà hoặc bệnh viện đều có thể đến đây. Ngôi nhà cuối đời có ba phòng trong một căn hộ có bếp chung, phòng khách và sân vườn. Người dân tự mang theo hỗ trợ y tế nhưng cũng có thể tin tưởng vào mạng lưới tình nguyện viên để hỗ trợ họ.
“Chúng tôi đón tiếp bất kỳ người lớn nào đang trong giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ, muốn trút hơi thở cuối cùng tại nhà nhưng việc đó khó khăn hoặc không thể thực hiện được. Ở đây, những vị khách của chúng tôi cảm thấy như được sống trong chính căn nhà của mình”, Marc, cư dân và điều phối viên dự án, giải thích.
“Nhà cuối đời” là một phần trong khu tập thể gồm 10 căn hộ, nơi các thế hệ và những người có mức thu nhập khác nhau cùng chung sống, trong đó 3 căn hộ là nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp.
Khánh thành vào tháng 5/2022, thuộc dự án do Ủy ban châu Âu và Ủy ban Cộng đồng chung của Bỉ tài trợ, “Nhà cuối đời” là nơi ở duy nhất ở Bỉ, và thậm chí ở châu Âu, hỗ trợ những người sống giai đoạn cuối đời và ra đi thanh thản. Trong một năm rưỡi qua, những cư dân của ngôi nhà như Lucie, Mireille, Stéphanie và Arlette đã sống những tuần cuối cùng ở đây.
“Nhà sinh”
Cùng với “Nhà cuối đời” là “Nhà sinh”, dành cho những phụ nữ không thích môi trường bệnh viện và muốn sinh con tại nhà.
Tất cả cư dân trưởng thành sống tại chung cư này đều tự động trở thành tình nguyện viên và cống hiến từ 5 đến 20 giờ cho mỗi tuần cho “Pass-ages”. Họ có thể làm việc ở “Nhà cuối đời" hoặc “Nhà sinh”. Cho dù đó là nấu ăn, mua sắm, chơi cùng các cư dân đặc biệt, hay chỉ lắng nghe…, mọi người luôn sẵn sàng.
Sabrina chọn “Nhà sinh” là nơi sinh con và cô đã ở lại đây 4 ngày. Cô không muốn sinh con trong môi trường siêu y tế của bệnh viện. “Bạn bè tôi không chỉ có ký ức tồi tệ về chuyện đó, chồng tôi có thể ngủ ở đây, các tình nguyện viên lo liệu mọi việc. Chúng tôi muốn một nơi mà chúng tôi có thể làm quen với nhau như một gia đình ba người. Thành thật mà nói, khi xem trang web, ý tưởng sinh con bên cạnh những người sắp chết không làm tôi ấm lòng. Nhưng dù sao thì một người bạn đã thuyết phục tôi đến thăm nơi này. Chuyến thăm đó và sự chào đón nồng nhiệt của các tình nguyện viên là yếu tố quyết định. Nó thực sự là trải nghiệm mà chúng tôi mong đợi", Sabrina bộc bạch.
Những hộ lý thân thiết
“Pass-ages” hợp tác với các đội ngũ chăm sóc y tế thứ cấp để thực hiện chăm sóc các cư dân trong những ngôi nhà đặc biệt. Trong thời gian ở đó, các cư dân được bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ vật lý trị liệu, và các y tá của họ theo dõi... "Những gì chúng tôi cung cấp không chỉ đơn thuần là chăm sóc y tế. Sứ mệnh của chúng tôi là lắng nghe, hiện diện bên cạnh các cư dân và xây dựng một phong cách cộng đồng", chị Isabelle, thành viên và người sáng lập của “Pass-ages” cho biết.
Trường hợp của bà Arlette là một ví dụ. Người phụ nữ 75 tuổi đang trong giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ và bị ngã. Bà không thể đi lại được nữa. Không thể ở nhà nhưng bà cũng từ chối vào viện dưỡng lão. Bà đã chọn nghỉ ngơi một tháng tại “Pass-ages” và qua đời ở đó sau tuần thứ tư.
Kokoro là một thanh niên người Nhật. Cô gia nhập đội ngũ tình nguyện viên của “Pass-ages” từ tháng 9 vừa qua và chăm sóc cư dân của "Nhà cuối đời". “Tôi đã ở bên Arlette trong những ngày cuối cùng trong cuộc đời bà. Arlette ra đi trong sự ấm áp, có người thân của bà và y tá. Cho đến giờ tôi vẫn cảm thấy xúc động", Kokoro chia sẻ.
Cư dân, tình nguyện viên hay người thân của người đã khuất, ai cũng đặc biệt hào hứng với dự án “Pass-ages”. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có 4 người sử dụng "nhà tử" và 4 người khác sử dụng "nhà sinh" dù cả hai đều đã mở cửa được một năm rưỡi. Đó không phải là nhiều. "Những gì chúng tôi đang làm ở đây thực sự là một sự thay đổi mô hình và cần có thời gian để mọi người nhận ra rằng họ có thể tự mình nắm lấy sự sống và cái chết”, chị Salomé cho biết.
Ông Dominique Bouckenaere, cựu Chủ tịch Liên đoàn chăm sóc giảm nhẹ và liên tục Brussels, rất ủng hộ sáng kiến như "Pass-ages". “Nó chắc chắn có ý nghĩa. Những hình thức chăm sóc cấp trung như vậy, giữa môi trường bệnh viện và thời gian ở nhà, nhìn chung sẽ nhận được nhiều hỗ trợ hơn”.
Còn bà Dominique, chị họ của bà Arlette, người thường xuyên đến thăm bà, tâm sự: “Em tôi đã trải qua những ngày cuối đời tuyệt vời nhất ở đây. Chúng tôi không bao giờ có thể nghĩ rằng nó lại đẹp đến thế. Tôi thực sự có cảm giác tất cả những người tham gia đều giành chiến thắng: bản thân Arlette, những người thân yêu của em ấy và các tình nguyện viên. Khi đưa Arlette đến đây, có một tấm biển ở lối vào ghi "Chào mừng Arlette!". Sau khi em tôi qua đời, tôi nhìn thấy "Cảm ơn Arlette!".