Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam mỏi mòn chờ cứu trong 'bão giá'

Vật lộn trong 'bão giá' vật liệu xây dựng, đại diện các nhà thầu cao tốc Bắc - Nam liên tục gửi đơn kiến nghị lên Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ giải pháp cụ thể.

Nhà thầu kiệt quệ

“Trong cơn bão giá vật liệu xây dựng, với tiềm lực về tài chính, khả năng quản trị thi công, chúng tôi đã rất cố gắng song cũng đang phải "ăn vào" toàn bộ phần khấu hao thiết bị máy móc đã đầu tư để đưa vào thi công”, đại diện Phương Thành Tranconsin chia sẻ.

Hiện, hầu hết các vật liệu chính để làm đường đều tăng giá. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp này ký hợp đồng, giá dầu chỉ 11.000 đồng/lít thì có lúc lên 30.000 đồng/lít, tăng 260%; nhựa đường tăng 1,5 lần, từ 11 triệu đồng/tấn lên 16,5 triệu đồng/tấn; xi măng cũng tăng từ 11 triệu lên 17 - 18 triệu đồng/tấn; sắt thép tăng từ 11,5 triệu đồng/tấn lên tới 19 - 20 triệu và hiện còn 16,5 triệu đồng/tấn… “Tổng thể, trượt giá so với giá đấu thầu thì hiện nhà thầu đang lỗ khoảng 35%”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Theo Hiệp hội các nhà thầu đại diện cho 21 nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, khan hiếm vật liệu và "bão giá" các loại vật liệu chính khiến họ đối mặt nguy cơ phá sản, dự án có nguy cơ vỡ tiến độ. Chẳng hạn, đất đắp tăng giá 30 - 50% (có gói thầu tăng 154%), cát vàng tăng 15 - 40% (có gói thầu tăng 187%), nhựa đường tăng 35 - 50%, đá đổ bê tông nhựa tăng 20 - 55%, đá dăm loại 1 tăng 30 - 45% (có gói thầu tăng 129%)…

Mặc dù các hợp đồng cao tốc Bắc - Nam đều có cơ chế điều chỉnh giá song các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng “càng làm càng lỗ” do các địa phương công bố chỉ số giá chưa kịp thời, chưa sát thực tế.

Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận, giá nhiên, vật liệu thời gian qua biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan. Việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường (đã được quy định trong hợp đồng) chưa bù đắp được mức độ biến động giá khiến nhà thầu thua lỗ và thiếu hụt tài chính, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Mặt khác, trong cuộc làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế khảo sát tình hình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam ngày 2.8, đại diện nhà thầu Vinaconex (thi công gói XL - 04 đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và gói XL - 03 đoạn Phan Thiết - Dầu Giây) phản ánh, theo hợp đồng thì chỉ điều chỉnh giá với 7 yếu tố gồm: nhân công, máy, nhựa đường, cát, đá, xi-măng, thép. Trong khi đó giá vật liệu đất đắp chiếm tỷ trọng tới 25% lại không được điều chỉnh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc điều chỉnh giá cho các hạng mục khác.

Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam đang trông chờ giải pháp cụ thể trong cơn "bão giá" vật liệu
Ảnh: Vũ Quang

Mong chờ giải pháp cụ thể

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam, các hiệp hội như Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Trong đó, đại diện doanh nghiệp kiến nghị thuê tư vấn căn cứ thực tế biến động giá vật liệu xây dựng trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng, xây dựng giá tại chân công trình và chỉ số giá riêng cho các gói thầu làm cơ sở tính toán điều chỉnh giá cho nhà thầu nhằm bù đắp một phần thiệt hại do biến động giá. Bổ sung đất đắp nền đường vào công thức điều chỉnh giá hợp đồng; điều chỉnh định mức, đơn giá cho phù hợp. Ngoài ra, đại diện nhà thầu kiến nghị cần thống nhất về giá vật tư cho cao tốc Bắc - Nam từ Trung ương xuống địa phương. Muốn vậy, Bộ Xây dựng phải vào cuộc.

Tuy vậy, theo Chủ tịch VARSI Trần Chủng, đến nay chưa thấy rõ giải pháp nào từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Xây dựng. Nhấn mạnh “điều mà các chủ đầu tư, nhà thầu mong chờ là các bộ liên quan phải có giải pháp cụ thể chứ không phải là tiếp tục nghiên cứu, vì thực tế đã rõ”, ông Trần Chủng cho rằng, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương liên quan. “Không thể tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm!”.

Đại diện một nhà thầu đề xuất, Nhà nước có thể xem xét áp dụng bù giá trực tiếp; hoặc cho phép nhà thầu, chủ đầu tư ký kết trực tiếp với Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) khảo sát giá thực tế trong 2 năm qua để đưa ra thông báo về chỉ số trượt giá chính thức cho công trình cao tốc Bắc - Nam, thay vì để địa phương tự làm do năng lực có hạn.

Bên cạnh đó, định mức, đơn giá quá thấp, lạc hậu cũng đang là rào cản rất lớn với nhà thầu. Để thi công cao tốc Bắc - Nam, nhà thầu phải mua máy móc thiết bị công suất lớn, chất lượng nhưng tính khấu hao không phù hợp đơn giá máy móc. Chưa kể để bảo đảm tiến độ, nhân công phải làm ngày làm đêm nhưng đơn giá rất thấp, không có hệ số tăng ca, làm đêm… “Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng cần phối hợp để sớm điều chỉnh cho phù hợp, ít nhất để doanh nghiệp không bị thua lỗ, có thể “sống” được để làm việc”, đại diện nhà thầu kiến nghị.

Trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm không lùi bất cứ mốc tiến độ nào của dự án cao tốc Bắc - Nam, việc các bộ ngành liên quan sớm có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công là vấn đề bức thiết, không thể dây dưa. Đó không chỉ bảo đảm cho tiến độ toàn bộ dự án mà còn không gây hiểu nhầm là các nhà thầu bị thiệt thòi do nhận công trình làm cho Nhà nước nhưng giờ giá tăng nên bị thua lỗ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/nha-thau-cao-toc-bac---nam-moi-mon-cho-cuu-trong-bao-gia-i297116/