Nhà thầu cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn vẫn gặp khó vì mỏ vật liệu
Nhiều mỏ vật liệu đất đắp được cấp phép thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, nhưng trên thực địa nhà thầu không thể ra mỏ được do người dân đòi hỏi giá bồi thường quá cao, hoặc có mỏ đường tiếp cận hạn chế dẫn đến không thể khai thác.
Gần một năm nhà thầu vẫn chưa thể ra mỏ trên thực địa
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại các mỏ đất được tỉnh Quảng Ngãi hoàn tất hồ sơ cho nhà thầu ra mỏ cho thấy, sau gần một năm nhiều mỏ trong số đó vẫn là rừng cây, là đất trồng keo và các loại hình canh tác khác thay vì một công trường nhộn nhịp.
Tại gói thầu XL02, đoạn qua địa bàn huyện Mộ Đức và Đức Phổ, đến nay ngoài một số mỏ đã được đưa vào khai thác, còn nhiều mỏ vẫn dang dở chưa thể đưa vào khai thác dù đã được tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương cho phép lập hồ sơ khai thác như mỏ Dốc Cộ, Dốc Cao, Bren có trữ lượng khoảng 1,65 triệu m3.
Tại đoạn qua gói thầu XL01 đoạn qua địa bàn xã Đức Hòa, ngoài hai mỏ Núi Thị 1 và Núi Thị 2 được đưa vào khai thác thì các mỏ Núi Thị 3 và Núi Thị 5 vẫn phải chờ.
Ghi nhận tại nhóm mỏ Núi Thị 1, Núi Thị 2, Núi Thị 3, Núi Thị 5 (xã Đức Hòa) và Brem (xã Phổ Phong) do nhà thầu Đồng Khánh thực hiện cho thấy, để ra được mỏ khai thác đất nhà thầu phải chi số tiền vượt hàng trăm triệu đồng so với giá dự toán.
Đại diện nhà thầu Đồng Khánh cho hay, việc chi trả tiền bồi thường cây trên đất cho người dân căn cứ trên quy định của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi. Cụ thể, vành cây từ 40-44cm là 170 nghìn đồng/cây, từ 30-40cm là 120 nghìn đồng/cây và dưới nữa là 80 nghìn đồng/cây.
"Với mật độ trung bình cây trồng mỗi 1ha là 5.000 cây, cho áp mức giá trung bình là 120 nghìn đồng/cây thì để ra được mỏ trên thực địa nhà thầu phải cho số tiền không dưới 600 triệu đồng/ha. Vượt hơn 100 triệu đồng/ha so với giá dự toán", đại diện nhà thầu nói.
Theo kế hoạch, tổng nhu cầu đất đắp cho cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn khoảng 12 triệu m3. Tại tỉnh Quảng Ngãi, địa phương này đã đưa vào quy hoạch khoảng 30 mỏ vật liệu đất đắp, trong đó có 20 mỏ đất để phục vụ thi công tuyến chính.
Đã gần một năm trôi qua, nhưng đến nay số lượng mỏ được cấp phép và đi vào khai thác trên thực địa chiếm tỷ lệ khoảng 50%, số mỏ còn lại vẫn "dậm chân tại chỗ".
Tại mỏ đất Truông Ổi (xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa), có diện tích 23ha với trữ lượng lên đến 1 triệu m3 và là mỏ đất chính để thi công đoạn đầu tuyến của dự án. Song, qua nhiều lần tháo gỡ của cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cũng như nhà thầu, đến nay mỏ đất này vẫn là rừng keo xanh tốt.
Đại diện nhà thầu Dacinco cho biết, hồ sơ, thủ tục đã xong, nhưng trên thực địa không triển khai được vì người dân có diện tích lên đến 16ha ra giá lên đến 1,3 tỷ đồng/ha.
"Để ra mỏ nhà thầu phối với với tỉnh Quảng Ngãi thực hiện hoàn chỉnh hồ sơ, tiến hành nộp tiền ký quỹ và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để được xác nhận và từ cơ sở đó tiến hành thương thảo với người dân. Nhưng nhiều tháng nay không thể ra mỏ được vì người dân không đồng ý "giảm giá".
Công ty rất muốn nhanh ra mỏ để khai thác và thi công tuyến chính nhưng thực sự rất khó khăn. Mong tỉnh Quảng Ngãi có cơ chế hỗ trợ nhà thầu để sớm ra mỏ để khai thác thi công dự án", đại diện nhà thầu Dacinco kiến nghị.
Cần cơ chế hỗ trợ từ nhiều phía
Thời gian qua, lãnh đạo Bộ GTVT cùng địa phương nhiều lần kiểm tra thực địa, chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm đưa các mỏ vật liệu phục vụ cao tốc vào khai thác.
Tuy nhiên trước các quy định hiện hành về khoáng sản cùng các vướng mắc phát sinh trong quá trình đền bù khiến mỏ Truông Ổi cùng một số mỏ vật liệu khác chưa thể "khai sinh, khai thác".
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nhiều lần bày tỏ trăn trở vấn đề mỏ vật liệu cao tốc.
Được biết, Bộ TN&MT đã có văn bản trả lời Quảng Ngãi là nếu thực hiện thỏa thuận với người dân không được thì cưỡng chế. Nhưng cơ sở để địa phương thực hiện lại không có vì các mỏ đất này được cấp theo hình thức chỉ định nên không thể lập dự án. Từ đó, không ra được thông báo thu hồi đất. Mà đã không có thông báo thu hồi đất thì căn cứ vào đâu để ra quyết định cưỡng chế theo quy định của nhà nước.
Theo ông Minh, về mặt pháp luật không thể cưỡng chế, nhưng nếu như người dân có đất nằm trong quy hoạch mỏ mà đòi hỏi quá đáng thì xã huyện đó phải vào cuộc. Đất này khai thác xong thì hoàn trả lại cho người dân chứ không phải thu hồi luôn. Do vậy, trong một chừng mực nào đó người dân cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với người dân.
Riêng mỏ đất Truông Ổi, ông Minh khẳng định: Khu vực này là đất công, người dân chỉ canh tác trên phần diện tích đất đó. Nếu người dân không thống nhất được với nhà thầu để thỏa thuận về giá bồi thường, hỗ trợ ra mỏ trên thực địa thì huyện Tư Nghĩa phải vào cuộc.
Đại diện nhà thầu cho biết đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi và các cấp liên quan trực tiếp cùng với nhà thầu, chủ đầu tư thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu xác nhận chi phí thực tế cho để nhà thầu làm cơ sở ghi nhận vào giá cấu thành đơn giá 1m3 vật liệu để làm cơ sở cho nhà thầu thực hiện nếu tỉnh không có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về giá bồi thường.
"Việc chậm ra mỏ đang khiến nhiều đoạn tuyến của các gói thầu gặp không ít khó khăn. Kiến nghị các bộ ngành và tỉnh Quảng Ngãi xem xét hỗ trợ để các nhóm mỏ đất sớm ra mỏ trên thực địa phục vụ công tác thi công dự án thuận lợi hơn", đại diện nhà thầu Đèo Cả kiến nghị.