Nhà thơ Đỗ Anh Vũ: Người tài hoa

Nhà thơ trẻ, tiến sĩ Đỗ Anh Vũ là một cây bút tài hoa khá đặc biệt ở cả lĩnh vực thi ca và văn xuôi. Không chỉ thế, anh còn là một MC dẫn chuyện khá hấp dẫn cả trên truyền hình và các chương trình văn học nghệ thuật. Trên mảng sách báo về văn chương, Đỗ Anh Vũ giàu năng lượng sáng tạo, viết nhiều, viết khỏe và rất có duyên với bạn đọc. Với hơn chục đầu sách là tác giả và chủ biên, anh đang là một cây bút đáng chú ý trên văn đàn hôm nay.

Tôi nhớ hôm 10/7/2024 mới đây, tôi mời Đỗ Anh Vũ tham gia chương trình tọa đàm về “Thi ca đương đại và các nhà thơ cách tân” của Hội Nhà văn Hà Nội, anh nhận lời ngay và vác cây đàn guitar đến dự. Các buổi tọa đàm văn học có Đỗ Anh Vũ tham gia thường rất vui và cuốn hút người nghe, bởi anh thuyết trình khá có bài bản về các vấn đề thi ca, văn chương rồi đàn, hát minh họa luôn. Hôm rồi, Đỗ Anh Vũ nói khá sâu về thơ cách tân của hai nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Bình Phương, rồi anh đệm đàn trình bày các ca khúc anh phổ thơ của hai nhà thơ này với sự quan tâm, chú ý của mọi người trong hội trường.

Nhà thơ Đỗ Anh Vũ

Nhà thơ Đỗ Anh Vũ

Vừa đàn hát xong, đột nhiên, Đỗ Anh Vũ ghé tai tôi nói nhỏ: “Anh thấy em có gầy rộc đi không, em bị sút 12kg đấy, không hiểu bệnh gì, sáng nay ngồi với anh, chiều nay em phải đi khám bệnh tổng thể tìm nguyên nhân”. Tôi lo quá bảo Vũ: “Em phải đi khám bệnh ngay và luôn nhé, không chủ quan được đâu, có thể do em làm việc quá sức, lại phải nuôi vợ đẻ liên tục 5 đứa con nên cơ thể bị suy sụp rồi, khám bệnh và chữa trị sớm đi nhé!”.

Hôm sau, tôi gọi điện thoại hỏi chuyện Vũ đi khám có phát hiện bệnh gì không, thì Vũ cười phe phé hồn nhiên bảo: “Không sao đâu anh ơi, em bị bệnh cường tuyến giáp thôi, không phải ung thư đâu!”. Tôi bảo: “Không chủ quan được, sút đến 12kg là báo động đấy, em ơi!”. Vũ lại cười: “Họ bảo bị cường giáp thì sút cân là chuyện thường, anh ạ, anh yên tâm nhé!”. Yên tâm thế nào được, Vũ nhỉ!

“Bế con tắm lại đời trai của mình”

Trong các thể loại thi ca, Đỗ Anh Vũ mê nhất là thơ lục bát, anh có thể ứng khẩu trước mọi chuyện, mọi điều, mọi việc, mọi tình thế…bằng lục bát trữ tình. Vũ viết lục bát khá nhiều và có nhiều bài đọng lại qua thời gian, trong đó bài thơ “Tắm nắng cho con” là bài có tứ thơ khá độc đáo: “Bế con tắm nắng ngoài hiên/ Nghe ban mai thở dịu hiền vào mây/ Bế con tắm nắng cùng cây/ Xem bao tiếng hót rót đầy không gian/ Bế con tắm nắng mùa sang/ Giấc mơ còn đọng trên hàng mi yêu/ Đời cha nắng gắt đã nhiều/ Chỉ mong con nhận những điều nắng mai/ Cứ qua đi mỗi đêm dài/ Bế con tắm lại đời trai của mình”. Bài thơ này cứ lẳng lặng thấm vào cảm xúc trữ tình da diết trong mỗi câu chữ ngọt ngào như một khúc hát ru con trìu mến và thân thương quá đỗi. Vợ chồng Vũ còn trẻ mà đẻ liên tục 5 đứa con (4 trai 1 gái), rồi thay nhau chăm sóc, thế thì cũng tài thật, lạ thật, hihi!

Đỗ Anh Vũ sinh năm 1980, quê Thường Tín, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn anh về công tác tại Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam, sau đó chuyển sang làm biên tập viên, Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam. Có thể thấy hành trình văn chương của Đỗ Anh Vũ có nhiều dấu ấn đột phá, đổi mới của ngôn ngữ học trong “hệ thống” những bài luận khá đặc sắc của anh, như: Luận về sự vô ngôn; Luận về cõi khác; Luận về hoa rụng; Luận về những loài chim; Luận về những cánh bướm; Rồi Luận về đao kiếm ở trong thơ; Luận về nụ hôn; Luận về mái tóc; Ghen luận; Luận về sinh thực khí…

Và, dưới đây là bài “Thơ tình của nhà ngôn ngữ học” Đỗ Anh Vũ: “Anh là từ điển của em/ Lật qua lật lại bao đêm trước đèn/ Anh là thủ pháp cải biên/ Mang bao mới mẻ đời em mỗi ngày/ Đôi ta ngẫu hợp đắm say/ Từ đơn thành ghép phơi bày lên trang/ Đừng làm từ cổ đa đoan/ Cũng không vay mượn ngoại bang xa vời/ Tình yêu - ngữ pháp của lời/ Sẽ như hơi thở tới nơi tận cùng…”.

Lục bát của Đỗ Anh Vũ là vậy, nó hiện thực gần gũi với đời thường bụi bặm mà cũng không ít khi thăng hoa, tài tử trong mộng du phong trần. Lục bát của anh không ham dài và điều đặc biệt là hai câu kết bao giờ cũng nâng hình tượng của bài thơ lên một cách bất ngờ như hai câu kết trong bài “Tắm nắng cho con”: “Cứ qua đi mỗi đêm dài/ Bế con tắm lại đời trai của mình”, hay trong bài “Thơ tình của nhà ngôn ngữ học”: “Tình yêu - ngữ pháp của lời/ Sẽ như hơi thở tới nơi tận cùng”.

Mới đọc qua thì cứ nghĩ thơ Vũ mê đắm trong nhạc điệu lục bát, nghĩa là mê đắm thật, nhưng đọc rồi mới thấy thơ Vũ tỉnh táo lắm, tinh tế lắm trong cái điệu kết luôn muốn hướng tới sự chiêm nghiệm trong thơ như bài thơ “Sực tỉnh” với nhiều nỗi niềm này: “Ta đi lên núi đêm nay/ Bỏ thành thị với mưa bay một chiều/ Ta đi lên núi liêu xiêu/ Ngàn hoa lả tả rơi theo con đường/ Ta đi lên núi mù sương/ Càng đi càng gặp nỗi buồn bao la/ Ta đi lên núi trăng tà/ Đuổi tìm hình bóng nhạt nhòa cố nhân/ Giật mình một giấc tinh vân/ Đẩy ta trở lại hồng trần trắng tay”.

“Nơi nao mời rượu đấy là quê hương”

Trong tập thơ “Tục thi” của Đỗ Anh Vũ in năm 2021, phần Thơ rượu với 21 bài thơ về rượu theo dạng “Trà dư tửu hậu-rượu vào thơ ra” nghe rất khoái hoạt đến mức khoái thú lạ thường, theo kiểu: “Cạn ly ngửa cổ quăng ly/ Bao nhiêu sông núi thiên di dưới trời/ Em là kỳ nữ trong đời/ Anh là lãng tử bên trời khói mây/ Gặp nhau giữa chốn rồng bay/ Uống nhau một trận đất lay chuyển trời/ Mây tình đan tím chiều rơi/ Vẫn thầm từ nẻo xa xôi gọi về/ Cơn mê nào réo sơn khê/ Ướt qua tháp cổ khóc hề hồ ly/ Rượu rót ra chén làm gì/ Mỗi người thẳng một chai đi lên trời/ Tàn thuốc rơi, tàn thuốc ơi/ Vĩ thanh mà, lúc sương trôi ngang đầu/ Mong manh thì ở rất sâu/ Khép vào là một nhiệm màu đêm đêm”.

Một số tác phẩm của nhà thơ Đỗ Anh Vũ.

Một số tác phẩm của nhà thơ Đỗ Anh Vũ.

Trong lời mở đầu phần Thơ rượu này, Đỗ Anh Vũ trải lòng: “Này rượu kia, ngươi có biết anh em ta đã uống cùng nhau 3000 ngày có lẻ, chúng ta sầu nỗi sầu dâu bể, vui niềm vui thế nhân. Tại sao trong đời rượu lại nên cần, vì rượu gọi mê vào hồn, gọi những cơn say, cho ta yêu hơn từng giây phút tỉnh. Ôi, uống rượu hào sảng chớ nên uống một mình mà phải uống cùng bằng hữu trong đời. Uống rượu có núi sông trong lòng thì ngồi ở thành thị cũng như dạo chơi chốn núi rừng, cảm hứng gửi vào khói mây thì lướt sóng biển khơi cũng là phiêu bồng đỉnh núi. Uống rượu tất đọc thơ vì thơ hay mượn cái thần của rượu, cũng như nước xanh kia từng mượn sắc núi xanh…”.

Viết về khoái thú uống rượu như trên cho thấy Đỗ Anh Vũ phần nào đó, trong cơn say cũng là một Tửu nhân-Thi nhân lãng đãng tài hoa rồi. Bàn về Thơ rượu không thể nào không nói tới bài thơ nổi tiếng về rượu của đại thi hào Nguyễn Du: “Lim dim bên cửa rượu say/ Ngoài sân hoa rụng vương đầy rêu xanh/ Sống không chuốc cạn chén quỳnh/ Chết rồi ai tưới mộ mình mấy ly?/ Sắc xuân dần đổi, oanh đi/ Thời gian thôi thúc già về tóc phai/ Trăm năm mong chỉ được say/ Một làn mây nổi thương thay chuyện đời” (bản dịch của Trần Nhất Lang).

Và, trong cơn say phiêu linh tang bồng với rượu, Đỗ Anh Vũ lại chợt nhớ đến cụ Nguyễn Du, một Đại-thi-hào-rượu trong những câu thơ sau: “Uống đi uống cạn đêm sương/ Uống mười năm uống một đường phiêu linh/ Uống cho rã bóng tan bình/ Uống cho nét chữ tượng hình liêu xiêu/ Uống cho Vân khóc thay Kiều/ Uống cho họ Nguyễn hồn kêu phách rời/ Lan xưa gió cuốn bay rồi/ Rút đường gươm cũ nước trôi lạnh lùng/ Rượu trong cho tới rượu hồng/ Rượu đêm hợp cẩn rượu không biết buồn/ Rêu xanh uống với đá mòn/ Ừ thôi hai đứa là con giang hồ/ Ngày nay rồi sẽ ngày xưa/ Năm lần theo tháng, tháng lừa sang năm/ Thanh bình rót tới vĩnh hằng/ Ta vung bút rượu thành trăng giữa trời”.

Chưa hết, nói về thú uống rượu, Đỗ Anh Vũ lại bàn tiếp: “Ta mơ được uống thật say trong cơn mưa mùa đông có mỹ nhân ân cần châm tửu, bằng hữu chung quanh. Giây phút ấy mới thật là thực khoái ở đời. Rượu rót ra rồi, rượu có linh hồn, rượu biết chung vui niềm vui kẻ sĩ; rượu biết nồng nàn trộm nét môi xinh; rượu biết bất bình trái ngang thời thế; rượu vì tài tử giai nhân mà nhỏ lệ; rượu đắm say rượu cười nói rượu ca hát rượu man cuồng. Rượu bay lên trời cao mà đổ xuống yêu thương, cho thế gian ngập tràn ân ái. Và rượu hãy mang những người tình trở lại, chung vạn nẻo đường mùa nắng mùa mưa. Rượu đến cùng ta uống trận giang hồ, thỏa sức rong chơi quần hùng thiên hạ. Ta đi giữa một vùng cỏ lạ. Rượu đến mà nghe Kiến tửu ca: “Uống say ai biết đâu nhà/ Nơi nao mời rượu đấy là quê hương”.

Với ngọn bút đang độ tài hoa phát tiết của mình, dường như Đỗ Anh Vũ viết cái gì cũng hay, chí ít là đọc được mà có lẽ lục bát là cái tạng du ca rút ruột của thơ anh: “Anh ngồi đốt sợi thời gian/ Đốt tàn cả buổi chiều hoang mang trời/ Đốt cho rượu bỏng môi người/ Đốt mùa xuân tới tàn rơi lá vàng/ Cái còn là cái vô thường/ Đốt rồi là cái chán chường mênh mông/ Ông trời đốt mảnh trăng trong/ Thì ta đốt cái vĩnh hằng của sao/ Hư vô đốt với chiêm bao/ Đốt cho vũ trụ tan vào biển đêm/ Chỉ còn nỗi nhớ về em/ Đốt lòng anh cháy một niềm du ca” (“Đốt”-thơ Đỗ Anh Vũ).

Nguyễn Việt Chiến

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nha-tho-do-anh-vu-nguoi-tai-hoa-i739198/