Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Buông bỏ chấp niệm, tự biết thế nào là đủ
Nhà thơ Hồng Thanh Quang tuổi Nhâm Dần. Nhân dịp đầu Xuân, anh cởi mở chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về cuộc sống hiện tại và tâm thế an yên đón tuổi mới.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang vui vẻ khoe với tôi 3 tập thơ “Cỏ bạc triền đê” vừa in ráo mực. Ông bảo: “Tất cả là 999 bài, viết từ năm 2013 đến 2021. Tôi không sắp xếp theo chủ đề nào mà bỏ ngẫu nhiên vào 3 cuốn thơ này.”
Dưới tán đào phai dáng huyền tại tư gia của thi sĩ, tôi xem một mạch tựa đề các bài thơ, quả thực người ta có thể đọc thơ Hồng Thanh Quang theo cách “bói Kiều.” Nghĩa là giở bất kỳ một trang nào ra và đọc xem bài thơ của ngày hôm nay nói về điều gì.
Câu chuyện ngày Xuân của tôi với nhà thơ tuổi Nhâm Dần bắt đầu từ những bài thơ như thế…
“Say men cuộc sống”
- Những 999 bài thơ, đồ sộ như vậy mà sao anh không chia thành các chủ đề như “Chút sen còn lại” hay “101 bài thơ tình”?
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi bỏ tất cả 999 bài vào một “cái giỏ thơ” tưởng tượng, lấy ra ngẫu nhiên 333 bài làm thành một tập rồi cứ thế làm thành hai tập còn lại.
Mỗi một tập thơ giống với cuộc đời của một con người. Có những người rành mạch, khoa học, logic, duy lý, biết sắp đặt cuộc đời mình theo một thời gian biểu, có những mục tiêu cần đạt được rất rõ ràng. Còn một kiểu người khác, sống hoàn toàn bản năng, không có định hướng rạch ròi, không trù liệu, sống một cách ngẫu nhiên theo dòng đời.
Thơ của tôi chính là như thế. Mỗi tập là khoảng thời gian nhiều năm, nhiều giai đoạn, nhiều cung bậc, nhiều chủ đề khác nhau. Bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời tôi cũng đều đa dạng như thế và trong sự rối rắm ấy vẫn có một mạch chảy nhất quán, có phong cách của mình, có thái độ, bản lĩnh, tâm tính của mình với cuộc sống, từ đó tạo ra cảm xúc của mình. Dù viết về chủ đề gì, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù làm thơ, làm báo hay khi yêu, thì cũng vẫn là tôi.
- Anh là một nhà thơ, một nhà báo, từng lãnh đạo cả một cơ quan báo chí mà lại không phải tờ báo chuyên về văn chương. Nhìn lại sự nghiệp của mình, anh có thấy mình từng rơi vào mâu thuẫn không?
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Trước đây rất nhiều người từng bảo tôi rằng làm thơ ảnh hưởng đến làm báo, nhất là giai đoạn tôi làm Phó Tổng biên tập báo Công an nhân dân và Tổng biên tập báo Đại đoàn kết. Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ rằng công việc, nghề nghiệp hay chức danh cũng chỉ là những thứ bên ngoài. Cái chính là dù ở đâu, trên cương vị nào mình vẫn trung thành, nhất quán với phong cách mà mình đã chọn.
Một nhà báo có tâm hồn thi ca thì có thể nhìn nhận các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội một cách nhân văn và tạo ra sự hấp dẫn, dễ hiểu trong việc diễn giải tất cả các chủ đề ấy. Tư duy báo chí cũng giống như một cái “chốt an toàn” cho tâm hồn thơ. Trong những “cú trượt” đầy sự lãng mạn trong đời mình, tôi vẫn có một “sợi dây bảo hiểm” đó. Chính vì thế, làm thơ và làm báo cùng lúc tạo ra sự hợp lý nhất định trong mọi hành vi của tôi. Cả hai đều là nhu cầu tự thân không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.
- Năm vừa qua, thành công lớn nhất của anh là gì?
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Năm 2019, tôi mắc bệnh nan y. Sau khi thu xếp, bàn giao mọi công việc tại báo Đại đoàn kết thì lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tạo điều kiện cho tôi nghỉ để chữa bệnh.
Từ đó đến nay, tôi được quay trở về với bản thân mình, chữa bệnh cả thân và tâm. Năm vừa qua, thành công của tôi là được bác sỹ thông báo “đã khỏi bệnh.” Thỉnh thoảng tôi vẫn gửi kết quả xét nghiệm máu cho bác sỹ của mình ở Singapore để kiểm tra. Giờ tôi có thể yên tâm sống thêm 10-15 năm nữa.
- Nghĩa là hiện nay anh thực sự được nghỉ ngơi, an dưỡng, sống cùng với những thú vui của mình trong ngôi nhà có khu vườn đẹp như thế này?
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Thú thực tôi không làm gì, không góp phần gì trong khu vườn đẹp mà bạn nói. Tôi cũng không có thú chơi cầu kỳ nào cả. May mắn là tôi được Trời thương, có hậu phương vững chắc, nên có người làm thay tôi tất cả từ việc trồng hoa đến bày trí trong nhà. Nhà thơ tự chăm sóc mình đã mệt lắm rồi (cười).
Niềm vui của tôi vẫn là đọc và viết. Nghề chính của tôi là viết còn làm chức vụ gì chỉ là việc phụ mà nghiệp viết tạo ra. Ngay cả khi đã nghỉ hưu, tôi vẫn cộng tác với các cơ quan báo chí. Tôi cũng vẫn có rất nhiều kênh để tiếp cận độc giả của mình, do đó lúc nào tôi cũng bận bịu với công việc yêu thích. Cuộc sống hiện nay của tôi rất thoải mái.
Trước đây, do tính cách thích giao tiếp với mọi người nên tôi uống rất nhiều rượu, có lúc làm ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành vi của mình. Giờ đây tôi không còn như vậy. Tôi vẫn “say men” nhưng là chất men của cuộc sống. Tôi được lựa chọn, giữ lại những mối quan hệ thực sự đáng quý, đáng trân trọng và tạo cho mình cảm xúc tích cực.
‘Biết đủ tức là đủ’
- Năm nay là “năm tuổi” của anh. Dường như anh đang ở giai đoạn rất hạnh phúc, yên ổn và không còn mưu cầu điều gì?
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Không có nhà thơ nào có thể nói cuộc sống riêng tư của mình yên ổn, bởi nếu vậy thì sẽ không thể làm thơ được mà có làm thơ cũng không hay được. Với người làm sáng tạo, không bao giờ được thôi đau khổ. Không trăn trở về vấn đề của mình thì lại “đau đớn” vì vấn đề của người khác, của nhân loại. Nhưng may mắn là họ chỉ khổ sở về nhu cầu sáng tạo tinh thần chứ không phải khốn đốn về mặt vật chất. Tôi thấy may mắn là mình có một hậu phương vững chắc. Nhờ sự khoan dung, thấu hiểu và tha thứ của gia đình mà tôi có sự yên tâm về vật chất.
Còn nói về sự đầy đủ, nhìn cốc càphê này bạn bảo rằng “còn ít,” tôi lại thấy là nhiều, có thể nhâm nhi thêm một lúc lâu nữa. Sự “nhiều, ít” rất tương đối. Cảm thấy đủ thì là đủ thôi.
Tôi thấy hạnh phúc vì được làm những việc mình yêu thích, vẫn còn có độc giả yêu quý, còn có người nhớ đến “năm tuổi” của tôi. Ở tuổi này, tôi mới biết cư xử đúng đắn hơn với bản thân mình, với thế giới xung quanh, không chấp niệm thiệt hơn nữa.
Làm thơ, viết báo là lẽ sống của tôi. Đó là những suy tư, cảm xúc của mình muốn thổ lộ với mọi người. Viết ra là tôi đã được chia sẻ rồi. Còn chuyện bài thơ ấy có thành công hay được thích hay không thì lại là câu chuyện thứ hai. Mà ở độ tuổi của tôi bây giờ thì điều đó không còn quan trọng nữa.
- Nói đến Tết cổ truyền, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tết là dịp để mọi người trở về với cội nguồn, tổ ấm của mình, tất nhiên cũng có những công việc đặc thù phải xa nhà như bộ đội, công an... Bản thân tôi cũng từng có những cái Tết xa nhà do đi công tác nước ngoài. Lúc đó, cảm giác nhớ nhà da diết lắm. Sau này thì tôi cố gắng sắp xếp để Tết nào cũng được ở nhà.
Với người Việt thì Tết dương lịch là một ngày nghỉ rất thong thả. Đó chỉ là sự kết thúc năm cũ sang năm mới. Tuy nhiên, Tết âm lịch thì khác hẳn. Chúng ta thấy giai đoạn này bắt đầu cả tháng trước đó. Ý nghĩa của Tết nằm trong gene của mỗi người Việt. Càng gần Tết âm lịch thì chúng ta càng cảm thấy sự thiêng liêng trong lòng, rất nhiều cảm xúc tích cực thức dậy. Không có một ngày lễ nào trong năm khiến người ta có thể đoàn kết lại với những cảm xúc rất giống nhau như thế.
Ngày Tết, hàng xóm láng giềng trong năm có những bất hòa gì thì sẽ giải quyết hết, người ta cũng kiêng đánh cãi nhau, làm việc xấu. Những điều này nếu thành thói quen được áp dụng trong cả ngày thường thì sẽ còn tốt hơn nhiều.
Do đó, tôi nghĩ chúng ta không nên từ bỏ một dịp để đoàn kết dân tộc như ngày Tết âm lịch. Tết là một thành trì, trụ cột, chỗ dựa về công cuộc bảo vệ bản sắc dân tộc. Đã là người Việt Nam thì không nên bỏ bản sắc ấy của mình, cần phải giữ lại ngày Tết như một điểm neo những tập tục truyền thống.
- Có một “nghi thức” nào đó anh nhất định phải làm trong ngày Tết cổ truyền?
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Bất kể năm gì tôi cũng là người xông đất nhà mình. Đêm giao thừa, tôi thường ra phố, đến một ngôi chùa nào đó gần nhà thắp hương rồi về xông đất và khai bút đầu Xuân. Sáng mùng Một, tôi đến mừng tuổi ông bà, bố mẹ.
Theo tôi, những phong tục truyền thống cũ càng giữ được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, đó là điều rất tốt cho người Việt.
- Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ./.