Nhà văn có cần đi thực tế sáng tác?
'Thực tế' có nội hàm rất rộng. Quan niệm, nhận thức về 'thực tế' tùy theo lĩnh vực cụ thể mang ý nghĩa khác nhau. Trong đời sống văn chương thì 'đi thực tế' là đến một nơi nào đó để trải nghiệm rồi sáng tác.
“Đi thực tế sáng tác” là cụm từ hay được nhắc, hay bàn luận. Theo nhà văn Nguyễn Minh Châu thì có loại nhà văn sinh ra để viết văn, họ “không cần đi thực tế, vẫn có thể viết, viết suốt đời…. Đời sống chỉ có ý nghĩa gợi ý hay dựng vấn đề, còn tất cả mọi loại nhân vật, mọi tình cảnh, mọi tư tưởng đều đã có sẵn trong cuộc sống tinh thần tư tưởng của họ”.
1. Nhà thơ Chế Lan Viên không đến Tây Bắc mà vẫn sáng tác được “Tiếng hát con tàu”, Tố Hữu không tham gia chiến dịch Điện Biên mà lại có bài thơ bất hủ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”… là minh chứng sinh động cho nhận định này. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng nói đến kiểu nhà văn thứ hai là “phải đi nhiều, tiếp xúc với đời sống thực tế rồi viết và viết được nhiều”. Đi nhiều, tiếp xúc với đời sống thực tế chính là “đi thực tế sáng tác”.
Tôi cũng đã từng nghĩ rằng: Chẳng cần đi thực tế cũng viết được văn. Bởi sinh ra con người thì cũng phải sống, chính cái đời sống mỗi người với bao nhiêu mối quan hệ đã là thực tế, là kho lẫm tư liệu văn chương rồi. Sống bằng ấy năm trên đời gặp bao nhiêu con người, mỗi con người là một nhân vật, một số phận. Vậy thì cái trải nghiệm cuộc sống của mình, mình biết nhất, hiểu nhất chính là thực tế rồi, cứ từ đó mà viết chứ tìm kiếm ở đâu xa? Có nghĩa là cứ mở “hành trang” của đời mình ra mà chọn cái cần viết trước, cái để lại, thư thả viết sau.
Chẳng hạn, chỉ trong cái làng, hay ngõ phố nhà mình, cái gia đình, dòng họ nhà mình cũng bao nhiêu con người có thể bước vào trang sách để trở thành nhân vật. Thậm chí bản thân nhà văn cũng đã là nhân vật rồi, cứ đem mình ra mà viết. Có người bảo “tự ăn thịt mình” có phần mang ý nghĩa như thế. Thực tế trong đời sống văn chương cũng có nhà văn rất thành công khi lấy cuộc đời thật của mình làm cảm hứng sáng tạo dưới hình thức tự truyện. Có nhà văn chỉ lấy “bóng dáng” những người mà mình đi qua cuộc đời họ, còn cơ bản là hư cấu, sáng tạo cũng vẫn thành công.
Tôi cũng có niềm tin: Nhà văn chỉ viết những gì mình hiểu biết nhất. Có nghĩa là khi có ý định sáng tạo, thì nhà văn bao giờ cũng chọn cái mình đã thấy, đã can dự, đã đọc, đã sống, đã trải nghiệm, đã chiêm nghiệm. Nhưng, tại sao vẫn có nhiều nhà văn chủ trương phải đi thực tế? Đi thực tế bởi trong lao động nhà văn có chuyện: Viết mãi rồi cũng đến lúc người rỗng ra, chẳng còn chuyện để viết. Viết mãi rồi cũng đến lúc xơ cứng, cảm xúc chai lì. Đi thực tế để gây cảm xúc mới, để nuôi dưỡng cảm xúc lâu dài. Đi thực tế là hình thức thâm nhập, thu lượm tìm kiếm ý tưởng, chủ đề, câu chuyện mới để viết. Nhưng cũng có trường hợp tác giả đã có ít nhiều vốn sống về vấn đề muốn viết, họ đi thực tế chỉ để tìm kiếm, bổ xung cho vùng khuyết thiếu của nhà văn.
2. Một thời, đi thực tế như một nhiệm vụ bắt buộc của nhà văn. Nhà văn phải hòa mình vào cuộc kháng chiến và con người kháng chiến, phải sống cuộc đời công - nông - binh trước đã, rồi sau mới để viết.
“Vô địch” đi thực tế có lẽ là nhà văn Tô Hoài? Ông đi cùng bộ đội giải phóng Tây Bắc. Hòa bình lập lại, Tô Hoài đi thực tế nông thôn “về xã ngót hai năm, ba đợt làm anh đội cải cách rồi anh đội sửa sai”; trước đó “nửa năm về Thái Bình” cùng với nhà văn Phùng Quán, nhà thơ Trần Lê Văn, nhà thơ Hoàng Cầm do nhà thơ Hoàng Trung Thông làm tổ trưởng. Nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng cũng đi Tây Bắc. Nguyễn Khải đi nông trường Điện Biên.
Theo Tô Hoài thì nhà văn Kim Lân “vác xà beng đi đào sông bên Bắc Hưng Hải”, còn “Nguyên Hồng đẩy xe goòng nhà máy xi măng Hải Phòng và Võ Huy Tâm đội mũ thợ, tay xách đèn bão, đi lò ở mỏ than Hồng Quảng”, nhà thơ Chế Lan Viên về Hưng Yên đeo xà cột vải, đội mũ lá, mặc quần áo bà ba như một ông cán bộ xã… Đi thực tế sáng tác rầm rộ, đến mức vào sáng tác của Chế Lan Viên bằng bài thơ “Đi thực tế”: “Suốt một đời ăn hạt gạo nhân dân/ Lần thứ nhất nhà văn đi học cấy/ Bỗng hối tiếc ngàn câu thơ nước chảy/ Chửa “vì người” bằng một bữa ăn cơm”.
Nếu không đi thực tế ở Tây Bắc, Nguyễn Tuân sẽ không có tùy bút “Sông Đà” nổi tiếng nhất sự nghiệp của ông sau năm 1945. Không đi theo bộ đội giải phóng Tây Bắc thì Tô Hoài sẽ không có “Truyện Tây Bắc”, mà ấn tượng nhất là “Vợ chồng A Phủ” nhiều năm vào đề thi phổ thông, và không có những năm tháng đi thực tế nông thôn thì ông cũng không có tiểu thuyết “Ba người khác”. Nhà văn Võ Huy Tâm nếu không quay lại vùng mỏ than Quảng Ninh đội mũ thợ lò, thì sẽ không có tiểu thuyết “Những người thợ mỏ”. Nguyễn Khải không đi thực tế các nông trường Điện Biên sẽ không có “Mùa lạc” để rồi làm say đắm bao nhiêu thế hệ thầy trò và cũng làm “khốn khổ” hàng triệu học sinh phổ thông thi tốt nghiệp v.v...
Lại có những tác phẩm của các chuyến đi thực tế viết rất nhanh về người thật việc thật một thời trở thành biểu tượng anh hùng rực rỡ để toàn dân noi theo. Từ cuộc sống lao động, chiến đấu ở ngoài đời, nguyên mẫu bằng xương bằng thịt với những hành động phi thường bước vào tác phẩm của nhà văn để trở thành nhân vật văn học như Đinh Núp trong “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong “Sống như anh” của Trần Đình Vân, chị Út Tịch trong “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi, và cô du kích Kan Lịch dân tộc Pa Kô trong tiểu thuyết “Kan Lịch” của Hồ Phương, rồi liệt sĩ Phan Thị Ràng trở thành nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết “Hòn Đất” của Anh Đức…
3. Nhà văn đi thực tế sáng tác hay hoặc dở là do tài năng, và lao động sáng tạo của mỗi người. Cô Mỵ lầm lũi làm dâu mà thân phận không bằng con ở và tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” vẫn sống đến ngày nay. Anh Núp cứ sống lừng lững mãi cùng “Đất nước đứng lên”, chị Sứ vẫn đi cùng năm tháng với tiểu thuyết “Hòn đất”… Nhưng cũng có nhiều người thật việc thật đi vào tác phẩm rồi lại bước khỏi trang sách cùng sự lãng quên của bạn đọc. Có người đem thực tế vào trang viết rất gượng gạo, sống sít, giả tạo. Không xây dựng được hình tượng nhân vật, mà lại thành người tốt việc tốt. Người thực việc thực ùa vào tác phẩm vừa đơn giản vừa xơ cứng nên ra một thứ văn thơ đạt được ý nghĩa tuyên truyền, nhưng mất mùa nghệ thuật văn chương.
Sở dĩ có tình trạng đi thực tế sáng tác, người thì gặt hái bội thu văn chương, người thì mất mùa trắng tay còn do quan niệm nghệ thuật, nhận thức đời sống khác nhau và dẫn đến sáng tạo khác nhau. Người nào vượt qua khả năng sao chép hiện thực để sáng tạo hiện thực sẽ làm ra tác phẩm ưu tú. Thấy gì ghi đó, nghe gì kể nấy, rồi chọn lựa cái đặc sắc nhất, sinh động nhất cho có chuyện để kể bằng một năng lực “viết có văn” xét đến cùng vẫn là sao chép hiện thực có chọn lọc.
Đi thực tế sáng tác được trải nghiệm hiện thực, nhưng nhà văn phải tư duy, phải đứng ngoài và đứng xa để nhìn và nghĩ ngợi về “khối quặng thô” vừa lượm được. Từ đó, huy động sức tưởng tượng, kinh nghiệm, trải nghiệm sống, kỹ năng viết văn để đột phá nhận thức mới, và trăn trở phương thức thể hiện mới, thì may ra mới khái quát, sáng tạo ra hiện thực mới và hình tượng nghệ thuật mới.
Bây giờ, đi thực tế sáng tác theo kiểu phong trào thường là không mấy hiệu quả. Một đoàn nhà văn, nhà thơ được một tổ chức chuyên môn, hay một doanh nghiệp, một cơ quan mời đến một vùng đất nào đó ăn, ngủ, nghỉ, khai tác tài liệu để viết. Ngắn thì một tuần, dài thì một tháng. Kết thúc nộp tác phẩm, nơi nào có kinh phí thì in thành sách ngay. Văn chương phong trào sau mỗi chuyến đi thực tế in để biếu tặng, chẳng mấy ai đọc.
Đi thực tế sáng tác phải là nhu cầu nội tại, tự thân nhà văn thì hiệu quả mới cầm chắc trong tay. Có nghĩa là nhà văn tự lên kế hoạch cho chuyến đi của mình, đến vùng miền và không gian văn hóa nào, ăn ngủ nghỉ ra sao, gặp những con người nào, lấy tư liệu gì, đi lần thứ nhất chưa đủ thì đi lần thứ hai…
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường đang làm biên tập văn xuôi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, chợt một ngày ông nhận ra: Phải đi khỏi Hà Nội để “viết một cái gì đó cho ra hồn”. Một mình ông âm thầm về nông thôn Hải Dương, Hưng Yên; một mình ông khoác ba lô đựng mấy bộ quần áo về các huyện: Nga Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn (Thanh Hóa) “nằm vùng” cùng ăn cùng ở với nông dân, rồi thấy một cái gì đang vỡ ra ở nông thôn khi cái cũ chưa qua, cái mới đang đến, để viết tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”.
Nhà văn Vũ Xuân Tửu dành ra 3 năm lần theo những bước chân, những chuyến đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở mọi vùng đất nước, để gặp gỡ các nhân vật sống cùng thời, để hiểu biết không gian địa lý, để được sống trong “từ trường Đại tướng” để viết tiểu thuyết “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” dày 800 trang…
Nhà văn đi thực tế sáng tác không ai giống ai đâu. Mỗi nhóm đi một kiểu cách, mỗi người một mẹo mực. Nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Quang Sáng đi thực tế thường là không ghi chép gì cả. Nhìn bề ngoài cứ nghĩ các ông đi chơi, như đi chơi mà chẳng cái gì qua con mắt các ông. Đi chơi mà vẫn quan sát, nghĩ ngợi. Cái gì vô vị thì trôi đi, quên mất; cái gì nhớ lâu, nhớ sâu thì đọng lại. Lao động nhà văn biết lấy cái “đọng lại” ấy lúc nào và sử dụng ra sao. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường kể: “Những chuyến đi thực tế tôi đi cùng Nguyễn Khải và không viết gì, chỉ để quan sát xem ông làm những gì, hỏi gì, và khi về ông viết như thế nào. Một chuyến đi như thế thu hoạch được nhiều lắm”.
Nhưng phần đông nhà văn đi thực tế là ghi chép kĩ càng, tỉ mỷ. Ông bà nào cũng tay sách vở, tay bút mực sẵn sàng ghi những gì thấy, những gì nghe có ích, có hiệu quả cho sáng tác. Nhà văn Tô Hoài là một người đi nhiều, viết lắm. Ông rất chịu khó ghi chép, ghi cả những chi tiết, mẩu chuyện tưởng như vặt vãnh trong cuộc sống. Ông có 7 năm làm tổ trưởng dân phố, các chuyện lặt vặt đời thường ở ngõ phố, dân phố, hay lúc họp hành ở tổ dân phố, ở phường đều được ông ghi chép lại. Nguyễn Khải, Phan Tứ đi thực tế cũng ghi chép tỉ mỉ. Về sau, từ những tư liệu quý giá trong sổ tay, cảm xúc và lao động nhà văn đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị.
Có vô số chuyến đi thực tế sáng tác của rất nhiều nhà văn. Nhưng, chất lượng sáng tác thế nào, hiệu quả đến đâu lại phụ thuộc vào tài năng, tâm huyết và cả cách đi thực tế nữa.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nha-van-co-can-di-thuc-te-sang-tac--i735454/