Nhà văn Dương Thị Xuân Quý: Tình yêu và sự dấn thân
Năm 1971, cuốn sách đầu tay 'Những tia nắng đầu tiên' của tôi được Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc.
Tôi trở thành một tác giả và cộng tác viên của NXB Kim Đồng. Lúc ấy với lòng háo hức của người thanh niên ở tuổi 20, tôi đã có suy nghĩ rất ngây thơ. Tôi mơ ước được đi B (vào chiến trường miền Nam) và nghĩ rằng: NXB Kim Đồng có thể giới thiệu tôi theo một đoàn nhà báo vào chiến trường B.
Nghĩ vậy tôi bèn viết đơn xung phong vào chiến trường B, kèm theo một bức thư tha thiết mong NXB Kim Đồng giúp đỡ tôi thực hiện nguyện vọng này. Đơn và thư tôi gửi anh Bùi Hồng, khi ấy là Phó Tổng biên tập NXB Kim Đồng.
Một thời gian sau, anh Bùi Hồng có hẹn tôi đến gặp anh tại trụ sở NXB. Khác hẳn mọi lần, hôm ấy tôi thấy nét mặt anh Hồng rất buồn. Anh nói vẻ xúc động trang nghiêm: “Dương Thị Xuân Quý đã hy sinh!”. Khi ấy tôi nghĩ chị Dương Thị Xuân Quý là một người bạn thân của anh, sự hy sinh của chị là một nỗi đau lớn không có gì bù đắp được đối với anh.
Thế rồi anh kể cho tôi nghe nỗi niềm tiếc nuối khôn nguôi. Ngày chị Dương Thị Xuân Quý đến tạm biệt anh để lên đường ra chiến trường anh lại không có nhà. Chị đã viết mấy chữ vào một tờ giấy, cài vào khe cửa phòng của anh. Những dòng chữ của chị Dương Thị Xuân Quý gửi lại anh Bùi Hồng đại ý: “Em luôn nhớ lời hứa với NXB Kim Đồng sẽ viết một cuốn sách cho thiếu nhi. Em sẽ về và viết cuốn sách mà em hằng ấp ủ”.
Anh Bùi Hồng buồn rầu nói: “Cô ấy không bao giờ về nữa và cuốn sách cũng không bao giờ được viết ra nữa... Nếu viết cho thiếu nhi thì tôi tin rằng Dương Thị Xuân Quý sẽ viết rất hay.”
Đến lúc ấy tôi mới hiểu vì sao anh Bùi Hồng lại thương tiếc chị Dương Thị Xuân Quý đến thế. Chiến tranh đã lấy mất đi một tác giả viết cho thiếu nhi đầy triển vọng. NXB Kim Đồng mất đi một cộng tác viên không gì có thể bù đắp được. Thế rồi anh trả lại cho tôi đơn xin đi B và nói: “NXB Kim Đồng không giúp cô được việc này”.
Tôi chưa bao giờ được gặp chị Dương Thị Xuân Quý, chỉ được biết chồng của chị là nhà thơ Bùi Minh Quốc. Anh Bùi Minh Quốc viết cho thiếu nhi từ khá sớm. Cuốn sách “Phi lao út của bé Ly” của Bùi Minh Quốc nổi tiếng từ năm 1961. Những năm niên thiếu của tôi cùng với các anh, các chị trong đại gia đình bên nội, bên ngoại, ai cũng say mê bài thơ “Lên miền Tây” của nhà thơ Bùi Minh Quốc. Những câu thơ:
“Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy.
Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường.
Sống ở Thủ đô mà dạ để mười phương.
Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn...”
Những câu thơ ấy như ngọn lửa trong trái tim của thế hệ học sinh Hà Nội thủa đó. Có lẽ tình yêu của đôi thi nhân văn sĩ Bùi Minh Quốc và Dương Thị Xuân Quý cũng gắn liền với những câu thơ ấy.
Tôi được biết chị Dương Thị Xuân Quý là con gái họ Dương ở phố Hàng Bông (Hà Nội). Một gia đình trí thức nổi tiếng. Chị có ông nội là Dương Trọng Phổ, chí sĩ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Cha là nhà giáo Dương Tự Quán sau là nhà báo làm việc với Văn học tạp chí và Tạp chí Tri Tân. Bác ruột là nhà nghiên cứu văn học GS Dương Quảng Hàm - tác giả “Việt Nam thi văn hợp tuyển”, “Việt Nam Văn học sử yếu”... Chị Dương Thị Xuân Quý còn có người bác họ là họa sĩ nổi tiếng Dương Bích Liên.
Tôi cũng được biết những đại gia đình trí thức xuất thân từ khoa bảng lâu đời ở Hà Nội như gia đình họ Dương ở phố Hàng Bông. Những thành viên của đại gia tộc ấy không chỉ là những người có trí tuệ tài hoa mà trong dòng máu là lòng yêu nước, niềm tự hào tự tôn dân tộc, tinh thần vì nước quên thân. Tình thần ấy là nền tảng gốc rễ để từng người trong đại gia đình thể hiện tài năng của mình trở thành những tên tuổi lớn.
Với gia đình họ Dương ở phố Hàng Bông tôi chỉ được biết các anh chị là con của cụ Dương Quảng Hàm như anh Dương Tự Minh (con trai út) là cựu cán bộ Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội hoạt động bí mật thời kỳ 1949-1954. Anh đã nhiều năm là Trưởng Ban thiếu nhi Thành đoàn Hà Nội, sau này anh về công tác tại Hội đồng Trung ương Đội TNTP của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Tôi cũng được biết giáo sư vật lý Dương Trọng Bái (con trai lớn) khi con trai tôi vào đội tuyển học sinh Việt Nam đi thi Olympic Vật lý quốc tế năm 1995; năm 1996, thầy Dương Trọng Bái đã tham gia giảng dạy cho các em học sinh trong đội tuyển. Thầy Bái đã góp phần quan trọng làm nên thành tích của các em học sinh Việt Nam, trong đó có con trai tôi.
Tôi kể hơi dài như vậy để mong bạn đọc sẽ hiểu hơn về truyền thống gia đình, nơi điểm tựa của đôi vợ chồng Dương Thị Xuân Quý và Bùi Minh Quốc trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam (1965-1975). Năm 1965, khi là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, nhà báo Dương Thị Xuân Quý đã viết đơn tình nguyện xin ra chiến trường. Đầu năm 1966 chị kết hôn với anh Bùi Minh Quốc, tháng 12 năm đó chị sinh con gái đầu lòng và cũng là duy nhất Bùi Dương Hương Ly. 5 tháng sau chồng chị lên đường vào chiến trường miền Nam. 1 năm sau, tháng 4/1968, Dương Thị Xuân Quý gửi lại con nhỏ cho người mẹ hiền và lên đường vào chiến trường miền Nam. Có thể nói rằng ở nữ nhà báo Dương Thị Xuân Quý tình yêu và khát vọng dấn thân mang khí chất của truyền thống gia đình. Khát vọng là ý chí lớn giải phóng miền Nam của toàn thể dân tộc. Đó chính là tình yêu, là lẽ sống của nữ nhà báo Dương Thị Xuân Quý.
Lên đường ra mặt trận với chị là hạnh phúc đích thực. Chị đã được cùng chồng dấn thân thực hiện khát vọng và lý tưởng của đời mình. Ở bên nhau trên chiến trường là toại nguyện. Thế rồi trong một chuyến đi công tác vào đêm ngày 8/3/1969 trên đất Duy Xuyên (Quảng Nam), Dương Thị Xuân Quý đã ngã xuống ở tuổi 28. Sự ra đi đột ngột ấy với nhà thơ Bùi Minh Quốc là nỗi đau “như mất nửa cuộc đời”. 6 tháng sau nhà thơ mới đủ bình tâm để viết nên bài thơ bất hủ - “Bài thơ về hạnh phúc”:
“Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi…”
Chị Dương Thị Xuân Quý đã hy sinh giữa tuổi xuân và như thế “mùa xuân ở mãi”. Nhà thơ đã thay lời người vợ nói về hạnh phúc của đôi vợ chồng văn sĩ trong thời chiến tranh:
“Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra
Cho đến ngày cất bước đi xa
Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt...
Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng
Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng
Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt
Bao dốc cao em cần cù đã vượt
Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh
Em nói tới những điều em định viết
Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép
Con sông Giàng gầm réo miên man
Nước lũ về... Trang giấy nhỏ mưa chan
Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc…”
Hạnh phúc của người cầm bút thời chiến là được ra mặt trận và ghi chép lại những hình ảnh chân thực nhất của người chiến sĩ. Dương Thị Xuân Quý đã đạt được tột đỉnh hạnh phúc đó. Sau khi chị hy sinh, truyện ngắn “Hoa rừng” của chị được in vào tháng 8/1969. Đọc truyện ngắn ấy tôi hiểu rằng nếu không trực tiếp đi hành quân trên những con đường vượt Trường Sơn ra trận thì sẽ không thể viết được những trang văn chân thực như vậy. Viết được những truyện ngắn về những con người thời chiến, để lại cho đời, nữ nhà văn ra đi thật thanh thản. Người chồng thân yêu của chị đã viết về cái chết của người vợ yêu quý:
“Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai…”
Những người sống trong thời bình chỉ ước mơ giản dị là được sống trong gia đình vợ chồng con cái hưởng niềm vui đầm ấm. Ở tâm thế thời bình sẽ cảm thấy khó thông cảm với quan niệm “hạnh phúc” của thời chiến. Tôi thiết nghĩ muốn hiểu được con người và thơ văn thời chiến, chúng ta phải trở về với tâm thế của thời đại đó. Như vậy mới có thể hiểu thấu được những cách nghĩ cách sống của một thế hệ thanh niên đã làm nên thành công của cuộc chiến tranh vì độc lập tự do thống nhất đất nước.
Cuộc đời ngắn ngủi của nữ nhà văn Dương Thị Xuân Quý cùng câu chuyện tình yêu của đôi thi nhân văn sĩ Dương Thị Xuân Quý - Bùi Minh Quốc cùng bài thơ “Bài thơ về hạnh phúc” đã đi vào lịch sử, để lại cho đời sau một câu chuyện thời chiến đáng quý, cũng đã truyền cho tôi cảm hứng lớn trong sự nghiệp suốt cả đời mình.