Nhà văn Phạm Công Thắng tái xuất cùng ký ức
Nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Phạm Công Thắng vừa cùng một lúc đón hai sự kiện. Thứ nhất, đầu tháng 6, anh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam với danh hiệu: 'Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Nhà báo Phạm Công Thắng – Người sáng lập Ký ức Nhiếp ảnh – Không gian lưu giữ và trưng bày bộ sưu tập kỷ vật, hiện vật của ngành Nhiếp ảnh do các cá nhân, đơn vị trong và ngoài nước trao tặng với số lượng nhiều nhất tại Việt Nam'. Thứ hai, anh vừa tái xuất văn đàn với tập truyện ngắn Linh hồn ký ức, NXB Văn học, quý II/2025.
Gọi là “tái xuất” chỉ có nghĩa tương đối, bởi 5 năm qua, NSNA – Kỷ lục gia Phạm Công Thắng “sòn sòn” 2 năm in một tập. Cho đến nay, anh đã xuất bản 4 tập truyện ngắn và đều được dư luận yêu văn chương đánh giá tốt. Gọi NSNA Phạm Công Thắng là nhà văn đúng với mọi nghĩa của danh xưng cao quý này, dù anh chưa là hội viên của một hội văn học nghệ thuật nào do Nhà nước “khai sinh” và quản lý.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (trái ảnh), Thường trực Hội đồng VietKings và Kỷ lục gia TS. Thế Hùng (phải ảnh), thành viên Hội đồng trao bằng kỷ lục Việt Nam đến Kỷ lục gia Phạm Công Thắng. Ảnh: Trung Hiền
Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu nói: "Nhà văn chỉ tồn tại khi có tác phẩm" – là nhấn mạnh vai trò trung tâm của tác phẩm trong việc khẳng định sự tồn tại của người viết. Trước khi đến với văn học, NSNA Phạm Công Thắng là nhà báo, công tác trong một đơn vị báo chí lĩnh vực hàng không.
Linh hồn ký ức gồm 20 truyện ngắn. Ngoài truyện ngắn cùng tên được chọn làm nhan đề chung, các tác phẩm trong tập đều mang màu sắc ma mị, kinh dị. Có thể kể đến vài cái tên như: “Bí mật ngôi biệt thự ma”, “Bản án của địa ngục”, “Bóng ma trong khu đô thị hoang”, “Giấc mộng oan hồn”, “Oan hồn dưới hố sâu”...
Linh hồn ký ức là tập truyện mang màu sắc ma mị tâm linh, được viết bằng sự rung cảm chân thành và trải nghiệm sâu sắc từ một người cầm bút bước ra từ làng báo và nhiếp ảnh” (Nhà xuất bản Văn học: Lời giới thiệu).
Phạm Công Thắng chia sẻ chân thành: “Tôi là người viết văn không chuyên, đến với văn chương như một lối rẽ tự nhiên từ nghề báo và nhiếp ảnh – nơi tôi đã gửi gắm trọn đam mê suốt cuộc đời. Có những điều ống kính không thể ghi lại hết, có những tâm sự mặt báo không thể giãi bày trọn vẹn. Văn chương với tôi, là cách kể tiếp phần ký ức còn thiếu” (Phạm Công Thắng: Lời tác giả).
Đó là lý do NSNA Phạm Công Thắng “bước vào” văn chương. Dẫu sống kỹ với mình, với cuộc đời nhưng “ký ức” chỉ trở thành “năng lượng chữ” khi có tài năng và đam mê. Đây cũng là lý do vì sao Phạm Công Thắng viết “hùng hục” và bước đầu ghi dấu ấn trên văn đàn.
Linh hồn ký ức, tên truyện ngắn trong tập, là câu chuyện lấy bối cảnh từ “Ký ức nhiếp ảnh” mà anh đang sở hữu. Gọi “Ký ức nhiếp ảnh” là gallery nghệ thuật, tư liệu – cũng đúng; gọi là bảo tàng tư nhân về nhiếp ảnh – không sai. Nhân vật “tôi” trong truyện ngắn cũng đang sở hữu một không gian như vậy.
Về nhân vật “tôi” trong truyện ngắn hoặc văn chương nói chung, đó là người kể chuyện, có thể là người trực tiếp tham gia vào câu chuyện hoặc chỉ là người quan sát, tường thuật lại. Nhân vật “tôi” có thể là một phiên bản của tác giả, hoặc một nhân vật hư cấu, nhưng vai trò của họ thường rất quan trọng trong việc truyền tải thông điệp, cảm xúc và ý nghĩa của câu chuyện đến người đọc. Nhân vật “tôi” trong Linh hồn ký ức chính là phiên bản của NSNA Phạm Công Thắng.
Trong cơn mê, vì mệt mỏi sau một ngày làm việc, “tôi” gặp vị thần cai quản trong xứ. Vị thần nói: “Ngươi là người được chọn. Ngôi nhà này, nơi ngươi đang sống, đang chất chứa vô vàn máy ảnh, từng gắn bó với đời người và những người đã khuất. Ngươi phải gánh lấy sứ mệnh tạo dựng nơi đây thành một thế giới đặc biệt: Một không gian lưu giữ ký ức. Không chỉ là hiện vật mà là linh hồn của những nghệ sỹ, nhà báo từng sống chết với chiếc máy ảnh. Hãy để mỗi bước chân đến đây phải lặng đi, để rồi thốt lên: Đây là chốn linh thiêng của nhiếp ảnh” (trang 122).

Bìa tác phẩm “Linh hồn ký ức” của nhà văn Phạm Công Thắng
Truyện kể về nhiều hiện vật trong không gian ấy, chính “tôi” cũng bất ngờ – không chỉ vì “con đường đi” của từng chiếc máy đến với không gian ký ức, mà bởi từng chiếc máy như có linh hồn. Có lúc như thể có ai bấm máy, tiếng “cạch, cạch” cứ khẽ khàng rung lên trong đêm khuya.
Nhiều người từng là phóng viên chiến trường, đã ngã xuống như một người lính trên chiến hào, hiện vật được con cái họ mang đến tặng “Ký ức nhiếp ảnh”. Và cũng không chỉ từ máy ảnh, nhiều bức ảnh như có “ma nhập”. Trong một lần ngắm một bức ảnh như thế, “tôi” giật mình: “Bỗng ánh đèn flash lóe lên. Không phải từ đâu khác mà từ bức ảnh treo trên tường. Ánh sáng phát ra tựa như cú bấm máy vừa chụp, một khoảnh khắc sống lại” (trang 125) và chính “tôi lặng người đi. Không thể là ngẫu nhiên”.
“Có đêm tôi thấy mình đứng giữa căn phòng, nhưng mọi thứ xung quanh đều mờ ảo như trong một bức ảnh âm bản. Từng chiếc máy ảnh phát ra ánh sáng nhè nhẹ, và bên mỗi chiếc là một bóng người. Họ đứng lặng, tay đặt lên thân máy như đang thực hiện một nghi lễ cổ xưa” (trang 129).
Từ những giấc mơ, hiện linh bước ra từ ảo giác: “Từ hôm ấy, mỗi khi chạm tay vào máy, tôi lại thấy như có một đôi mắt dõi theo mình. Không hằn học, không oán trách, chỉ là ánh mắt của những người đã gửi gắm tâm huyết cả đời qua từng khung ảnh” (trang 129).
Những giấc mơ kỳ lạ luôn bám lấy nhân vật “tôi”. Trong một lần được đón tiếp những hình bóng hiện ra từ những góc khuất: “Tôi quỳ xuống. Không phải vì sợ, mà vì xúc động đến tột cùng. Tôi hiểu rõ: Từ khoảnh khắc đó, sứ mệnh của tôi không còn là một đam mê cá nhân mà là một thiên chức, một lời thề âm dương ký thác” (trang 133).

NSNA, nhà báo, nhà văn Phạm Công Thắng
Nếu như “tôi” là một phiên bản của NSNA Phạm Công Thắng, thì không gian ký ức trong truyện ngắn Linh hồn ký ức chính là phiên bản của gallery “Ký ức nhiếp ảnh” mà chính anh đang sở hữu, phát huy giá trị về giáo dục, lịch sử, văn hóa.
Nói về hiện thực của gallery “Ký ức nhiếp ảnh”, hôm Tổ chức VietKings vinh danh Kỷ lục gia Phạm Công Thắng, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá cao “bảo tàng mini” này của anh. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cảm nhận "hồn" và "cốt" của bảo tàng, coi đó là một thành công lớn.
Cũng xin nói thêm, về hiện thực được nhà văn Phạm Công Thắng sử dụng làm bối cảnh cho truyện ngắn: đến nay, không gian “Ký ức nhiếp ảnh” đã có gần 1.000 hiện vật lớn nhỏ, từ các loại máy ảnh cổ chụp bằng kính, máy ảnh có hộp xếp, máy ảnh chụp phim 35mm, máy ảnh digital, máy ảnh chụp lấy ngay, máy chiếu phim dương bản, máy quét phim âm bản; dụng cụ buồng tối dùng để in, tráng ảnh; phụ kiện chụp ảnh, máy quay phim...
NSNA Phạm Công Thắng không nhớ rõ, nhưng anh ước chừng có trên 300 nghệ sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia… trong và ngoài nước đã trao gửi kỷ vật và niềm tin nơi anh.
Tập truyện ngắn Linh hồn ký ức xuất bản vào đầu tháng 7/2025, thời điểm cả đất nước đang thực hiện nhiều chương trình “Uống nước nhớ nguồn”, bước vào “Tháng tri ân” kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Có lẽ với ý nghĩa ấy, báo Văn Nghệ – cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam – đã chọn truyện ngắn Linh hồn ký ức đăng trên số 27, ngày 5/7/2025. Ngày 27/7 và số báo 27 – một sự trùng hợp giàu ý nghĩa.
Phạm Công Thắng đến với văn xuôi thật tự nhiên. Từ Ngã rẽ (năm 2020), Tình yêu thời hậu chiến (năm 2022), Bão đời (năm 2024) đến Linh hồn ký ức (năm 2025); các tập truyện ngắn không ồn ào, kịch tính, cầu kỳ thủ pháp. Văn xuôi như con người anh, bước ra từ đời sống, là những “lát cắt” lặng lẽ từ đời sống.
Điều đáng ghi nhận ở văn xuôi Phạm Công Thắng là: qua mỗi truyện ngắn đều hé lộ những trắc ẩn của những thân phận tưởng như bị lãng quên. Hành trình của Phạm Công Thắng, chính vì vậy, là hành trình gọi ký ức. Đằng sau mỗi truyện ngắn của anh ẩn chứa quá khứ, hiện tại, tương lai; có tác dụng kết nối, mang đến những giá trị thức tỉnh.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nha-van-pham-cong-thang-tai-xuat-cung-ky-uc-a29434.html