Nhà văn Sơn Nam: Cuộc đời và trang viết
'Ông già đi bộ' - Sơn Nam đã rời trang viết 15 năm (1926 - 2008), nhưng kho tàng văn hóa mà ông để lại vẫn không vơi đi... Theo năm tháng, dường như kho tàng ấy còn được làm giàu thêm lên nhờ sự lan tỏa từ cuộc đời và tác phẩm của ông.
Ra mắt sách mới
Ngày 13/8/2023, đúng 15 năm ngày giỗ của cố nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Sơn Nam (nhưng ông thích nhất danh xưng nhà văn), tại Tp. Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ ra mắt hai tập sách: "Nhà văn Sơn Nam - những góc đời riêng lạ" và "Sơn Nam - Đi và ghi nhớ". Hai tập sách, như tâm nguyện của những người thực hiện, là hai "mảnh ghép" giúp người đọc hiểu thêm về nhà văn độc đáo trong dòng chảy văn hóa Nam bộ.
Những nhà văn, nhà báo đã từng gắn bó với Sơn Nam đã đến dự lễ ra mắt sách để cùng nhau tưởng nhớ, kể chuyện, tâm tình về con người và tác phẩm của ông. Từ đó, góp phần "định nghĩa" về chiều sâu và sức sống của Sơn Nam.
"Nhà văn Sơn Nam - những góc đời riêng lạ" giới thiệu hồi ức của bà Đào Thúy Hằng - con gái của nhà văn Sơn Nam về cha mình; cùng những bài viết của các tác giả Lý Lan, Lam Điền, Võ Đắc Danh, Phạm Sỹ Sáu, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Trọng Chức. Từ những câu chuyện được ghi lại, người đọc hiểu hơn về nhà văn Sơn Nam trong cách sống, cách viết, và những ứng xử đời thường (đối với bạn văn, với học trò, với gia đình, với tiền bạc vật chất…). Điều đọng lại là tình cảm và nhân nghĩa ông dành cho mọi người, từ đó, Sơn Nam có sự bao dung, tinh tế, lịch lãm giúp trang văn của ông sống mãi cùng năm tháng.
Tập sách "Sơn Nam - Đi và ghi nhớ" tập hợp 56 bài viết của nhà văn Sơn Nam trên Tạp chí Xưa & Nay. Những bài viết khá ngắn gọn, súc tích đã nói lên nhiều vấn đề văn hóa của các vùng đất: sự hình thành và phát triển của Sài Gòn - Gia Định, các vùng đất ven sông; con người và phong tục tập quán; các nhân vật và tác phẩm đặc sắc của Nam bộ; bàn về nghề báo, nghiệp văn v.v… Vốn là người con của vùng Rạch Giá, Kiên Giang, ông viết khá kỹ về vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Sơn Nam cũng dành cho Sài Gòn - Gia Đình sự khảo cứu rất kỹ càng. Trong số 40 tác phẩm đã xuất bản của Sơn Nam, các vùng đất và con người Nam bộ luôn được nhắc đến trong sự quan sát, khám phá tinh tế, thầm lặng và sự diễn đạt tinh lọc, dễ hiểu.
Nhà báo Nguyễn Trọng Chức ghi lại: "Có lần tôi hỏi ông về cách làm việc để có được những cuốn sách về miền Nam, về văn minh miệt vườn… Ông bảo lúc còn khỏe mạnh thì cứ sáu tháng lại đi rong khắp Nam bộ như cách mà sau này gọi là "xâm nhập thực tế", "đi điền dã", còn sáu tháng thì ông vào thư viện, văn khố tìm kiếm, tra cứu"...
Lan tỏa "tinh thần Sơn Nam"
Tại buổi lễ ra mắt sách tưởng niệm 15 năm ngày mất cố nhà văn Sơn Nam gồm nhiều thế hệ người cầm bút và bạn đọc có nhiều người trẻ tuổi. Nhà báo Dương Thành Truyền đúc kết những kinh nghiệm làm báo, viết báo của nhà văn Sơn Nam, và cho rằng chưa thể thống kê đầy đủ số bài báo mà ông đã viết. Nhà văn Ngô Khắc Tài phân tích cặn kẽ điều hay, cái đẹp trong các tác phẩm của cố nhà văn, đặc biệt là nghệ thuật ngôn từ vốn rất bình dị, nhưng đặc sắc, nhớ lâu.
Nhà báo Lê Minh Quốc khẳng định: Sơn Nam là một nhà văn tiêu biểu của Nam bộ, và cũng là của dân tộc Việt Nam; mặc dù ông từ chối và "bỏ lỡ" những giải thưởng và sự vinh danh, nhưng Sơn Nam là duy nhất không ai thay thế được. Nhà thơ Lam Điền nêu lên những khía cạnh ít người biết trong sở thích đọc và viết của ông. Nhà thơ Phan Hoàng cho rằng nhà văn Sơn Nam là người viết có tinh thần tự do và chọn cho mình một con đường sáng tác trong chông gai, nhọc nhằn; nhưng những gì ông "trả lại" cho đời là sự minh triết, là những tác phẩm văn chương mẫu mực và sắc sảo…
Con gái và con rể của nhà văn Sơn Nam nói về cha mình trong sự kính trọng, tự hào. Họ cho biết sinh thời không biết cha mình nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng với văn đàn như thế nào. Khi ông mất đi rồi, xuất phát từ trách nhiệm và lòng kính yêu, các con ông đã tạo lập một khu tưởng niệm mang tên ông, nhờ đó mà bạn văn, học trò và những người ngưỡng mộ, yêu thích Sơn Nam cũng có nơi lui tới, tiếp tục trò chuyện, "thù tạc" văn chương với ông.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Trẻ, cho biết, cùng với sự kiện ra mắt 2 tập sách tưởng nhớ 15 năm ngày mất của nhà văn Sơn Nam, NXB Trẻ đã trích Quỹ Sơn Nam để trao tặng 24 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho các em nhỏ ở Hà Giang. Quỹ Sơn Nam được NXB Trẻ xây dựng từ việc mua tác quyền từ năm 2003, và từ những lần tái bản hoặc xuất bản sách mới của nhà văn Sơn Nam. Sách của ông tuy không bán chạy, nhưng có sức hút riêng với một lượng bạn đọc ổn định; vì vậy trong 20 năm qua, NXB đã in và phát hành 22 tập sách của nhà văn Sơn Nam và vẫn đảm bảo thực hiện thỏa thuận tác quyền cũng như duy trì hoạt động của Quỹ Sơn Nam.
Đông đảo bạn đọc dự buổi trò chuyện ra mắt sách mới cho biết ít nhiều đã đọc tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, và ngưỡng mộ ông từ trang văn cho đến đời sống. Tuy nhà văn Sơn Nam đã ngừng đi, ngừng viết 15 năm, nhưng trang viết và nhân cách sống của ông vẫn có sức lan tỏa đặc biệt. Sự lan tỏa của ông đến với các nhà văn, nhà thơ trẻ theo một cách tự nhiên, thẩm thấu rồi chuyển hóa vào cách sống, cách viết mang phong cách của người Nam bộ. Những người như nhà văn Sơn Nam đã mang đến cho văn chương phương Nam cũng như văn chương nước nhà bản sắc và sức sống vui mới, thiện lành.
Những gợi ý mới
Từ sự khẳng định của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, có thể thấy nhà văn Sơn Nam không chỉ là một nhà Nam bộ học, mà còn là bậc thầy của thể loại văn học "phi hư cấu". Đi và viết, đó là "công thức" đơn giản, nhưng hết sức cần thiết để nhà văn có những trang viết chân thực, mang hơi thở cuộc sống và thấm sâu vào tâm hồn người đọc. Những tác phẩm ghi lại những điều đang diễn ra, thể hiện cảm nhận, mong muốn đời thường của con người, phản ánh "trạng thái" tinh thần xã hội… đang được người đọc và người viết quan tâm ngày càng nhiều. Viết như Sơn Nam, nhẹ nhàng, trong veo nhưng giúp cho người đọc thấm thía, dành thời gian suy ngẫm và thay đổi thái độ sống… chính là điều cần thiết.
Một số cây bút trẻ dự buổi giới thiệu sách mới của nhà văn Sơn Nam cho biết: Những thế hệ cầm bút 7x, 8x trở đi vốn chịu ảnh hưởng bởi đời sống công nghệ quen nghĩ nhanh, viết nhanh, sống vội thì Sơn Nam giúp cho cách nhìn nhận cuộc sống chậm rãi hơn, kỹ càng hơn, sống chậm lại, và nghiền ngẫm ý tưởng, câu chữ sao cho tác phẩm của mình có chất lượng hơn, sống được lâu hơn trong lòng người đọc.
Hướng tới 100 năm ngày sinh nhà văn Sơn Nam (1926 - 2026), nhà thơ Phan Hoàng - Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam - đề nghị gia đình nhà văn Sơn Nam và NXB Trẻ có kế hoạch phối hợp thực hiện những hoạt động tưởng nhớ ông, ghi dấu trăm năm hình ảnh và trang viết của một nhà văn tận hiến với văn chương.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nha-van-son-nam-cuoc-doi-va-trang-viet-i704962/