Nhà văn Sương Nguyệt Minh và bến văn nhân

Trước khi viết bài này, tôi đã đọc lại (lần thứ 3) truyện ngắn 'Đêm làng Trọng Nhân' của nhà văn Sương Nguyệt Minh để đo lại cảm xúc với tác phẩm này. Và nó lại làm tôi khóc, thực sự là như thế, tôi không hề nói quá lên đâu.

Bởi vì tôi cũng đã từng khóc khi đọc “Chợ tình” của Cao Duy Sơn, “Gióng” của Lê Minh Hà,... dẫu rằng cả ba truyện ngắn trên đều không phải là tác phẩm xuất sắc nhất của các nhà văn. Nhưng có lẽ mỗi câu chuyện đều đã rung lên một tiếng tơ lòng day diết và những thanh âm của nó đã khứa vào tôi một nỗi buồn thật ngọt. Hình như ai đó từng nói nhà văn nào lấy được nước mắt của độc giả, nhà văn đó ắt là một tài văn.

Với Sương Nguyệt Minh, Lê Minh Hà, Cao Duy Sơn thì tài năng, tên tuổi của họ đã được khẳng định trên văn đàn trong vài ba thập niên qua. Dĩ nhiên, một người chập chọe với chữ nghĩa như tôi thì đã học tập ở họ hoặc là rất nhiều hoặc ít nhất một điều gì đó.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh.

Quay trở lại với “Đêm làng Trọng Nhân”, Sương Nguyệt Minh đã tái hiện một cảnh huống trớ trêu, xa xót trong hàng ngàn vạn sự trái ngang, thống khổ của những người lính và gia đình họ sau chiến tranh. Tác giả cũng là một người lính trở về từ chiến trường Campuchia, vì lẽ đó, truyện cho tôi cảm giác chân thực, ruột gan.

Rất nhiều lần giữa mơ hồ tưởng tượng, tôi - một người lính tại ngũ - thấy mình là Trường đi về phía làng Trọng Nhân trong cái buổi tối trời ấy. Nhưng tôi đã quên hết mọi điều, quên gương mặt biến dị, ghê ghiếc, quên cả việc phải giả giọng, cả cái kịch bản đã định sẵn,... ngay từ phút giây đầu tiên nhìn thấy người cha gầy mòn, khắc khổ và người vợ xuân sắc héo hắt chờ chồng. Tôi ôm họ bằng nỗi nhớ thương của bao năm đằng đẵng ngóng trông dồn lại.

Tôi không làm được như Trường của Sương Nguyệt Minh, anh đã để chính anh và cha anh, vợ anh thêm một đêm dằn vặt, giằng xé, thấp thỏm, ngờ vực, hi vọng, hẫng hụt, tan nát... Cho đến khi chuyến tàu chuyển bánh, bóng ba người, hai già một trẻ tất tả đuổi theo con tàu, họ ngã dúi, lại đứng dậy chạy, rồi khi bất lực trước sự băng lướt vô tình của con tàu, một người già ngồi thụp xuống ôm mặt khóc thì “Trường cắn chặt môi cho khỏi khóc, ngực dềnh lên, anh với lên giá hành lý. Xốn sang, tần ngần, tay anh nắm chặt quai ba lô...”.

Sau này Sương Nguyệt Minh có những truyện ngắn đầy đặn, xuất sắc hơn, giọng văn cũng khác, phiêu hơn, hoạt hơn, nhất là các truyện trong tập “Dị hương” đoạt giải Hội Nhà văn năm 2010. Nhưng với tôi, bộ 3 tác phẩm: “Đêm làng Trọng Nhân”, “Người ở bến sông Châu”, “Mười ba bến nước” của anh cho tôi nhiều xúc động nhất, tôi thực sự đã từng sống trong thế giới mà những vật của Sương Nguyệt Minh hạnh phúc - buồn đau, yêu thương - sân hận, chia lìa - đoàn tụ,...

*

Một buổi trưa hơn 10 năm trước, các nhà văn đàn anh Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Mạnh Hùng kéo tôi ra một quán nhỏ trong một con hẻm ở phố Lý Nam Đế để uống rượu. Các văn nhân ở Nhà số 4 vẫn thường mang cách giao đãi phong lưu, hào sảng này dành cho anh em bạn bè chữ nghĩa khi ai đó đến ngôi đền văn chương này. Mấy anh em cuốc bộ, Nguyễn Thế Hùng bảo: “Tí nữa Sương Nguyệt Minh sẽ đến”. Tôi khá háo hức trước thông tin đó, vì lúc ấy, người mới viết như tôi, được ngồi với một nhà văn nổi tiếng như Sương Nguyệt Minh thì thật là vui.

Sương Nguyệt Minh đến, đúng phong thái của người anh từng trải, lịch duyệt, thân tình. Trong cuộc rượu, Sương Nguyệt Minh giữ vai trò chủ xướng, bởi anh có tài nói chuyện, rất duyên. Ngắm anh, một văn nhân nổi tiếng, to cao, điển trai lại nói “hay như đài”, tôi thầm nghĩ “ông nhà văn này hẳn là có nhiều nữ nhân ái mộ”. Mà không chỉ nữ nhân, có thể không ít nam nhân cũng ái mộ anh, vừa có chút gì đó như “gato” với anh.

Cuộc rượu của các anh làm tôi nhớ tới cuộc rượu bên Hồ Tây của Thạch Lam, Nhất Linh, Đinh Hùng và Huyền Kiêu. Một cuộc rượu tưng bừng trong men tình bằng hữu, tình văn nhân, kéo dài từ 6 giờ chiều hôm trước đến 12 giờ trưa hôm sau. Nhưng 4 nhà văn hậu bối chỉ chớp nhoáng buổi trưa với khoảng 2 chai 500 ml thôi, vì đầu chiều họ còn phải làm việc.

Gặp Sương Nguyệt Minh lần đầu nên tôi có chút e ngại, thi thoảng mới góp vài lời vào câu chuyện. Uống một lúc khá lâu, Sương Nguyệt Minh quay sang tôi bảo: “Tao chưa đọc của chú cái truyện nào”. Nghe hết câu của anh, tôi thấy... sượng trân! Bởi thời điểm ấy tôi cũng đã đăng dăm - bảy truyện ngắn, tản văn trên Tạp chí Văn nghệ quân đội rồi. Thực lòng, gặp anh, tôi chỉ muốn anh nói anh đã đọc cái gì đó của tôi, anh chê cũng được. Tôi lại phải tự trấn an mình, rằng Sương Nguyệt Minh đã chuyển sang ban phóng viên - sáng tác, không bình báo, chả mấy khi đến cơ quan nên anh không gặp truyện của tôi cũng là điều dễ hiểu.

*

Sương Nguyệt Minh bước vào con đường văn chương khá muộn so với những người cùng trang lứa, năm 35 tuổi anh mới có truyện ngắn đầu tiên in báo. Số là, cái sự viết văn của anh cũng do hoàn cảnh “xô đẩy”. Hơn 30 năm trước, vợ chồng anh cùng công tác ở Viện Quân y 103, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhất là khi cậu con trai đầu lòng ra đời. Thế là phu xướng phụ tùy, anh chị đồng tâm hiệp lực đi buôn, từ buôn trứng vịt lộn từ quê Ninh Bình lên Hà Nội, Hà Đông, đến “đánh quả” áo quần từ Nam ra Bắc. Nhưng sự nghiệp đi buôn của anh chị hụt trước hụt sau cả chì lẫn chài.

Rồi thì nuôi gà với mô hình “chung giường”, tức là trên giường người nằm, dưới gầm gà nằm. Được ba bảy hăm mốt ngày thì không thể chịu đựng nổi cảnh “chung giường” ấy nữa, thế là anh chị quay sang khoan giếng, làm nước sạch để bán cho mọi người trong khu tập thể, rồi cũng chả ăn thua. Và con đường cuối cùng để cải thiện kinh tế gia đình khả dĩ nhất là... viết văn.

Vậy là qua mấy bến chẳng nên công trạng, Sương Nguyệt Minh cập bến văn nhân. Tạp chí Văn nghệ Quân đội là nơi Sương Nguyệt Minh trao gửi đứa con tinh thần đầu tiên - truyện ngắn “Nỗi đau dòng họ”, ngay lập tức gây được chú ý, và cũng ngay lập tức tác giả “dính”... đơn kiện. Những người đại diện cho hai dòng họ Nguyễn, Ninh quê Sương Nguyệt Minh kiện anh. Họ cho rằng anh đã mang chính họ Nguyễn nhà anh và họ Ninh ra bêu riếu, dù truyện ngắn là sản phẩm hư cấu. Văn nghệ quân đội đã phải tận dụng hết mối quan hệ chung, riêng ra giải quyết mới êm thấm. Đúng 3 năm sau, những làn sóng phản đối, “tẩy chay” Nguyễn Ngọc Sơn (tên khai sinh của Sương Nguyệt Minh) tạm lắng xuống, anh mới dám về làng.

Muộn màng và trắc trở ngay từ những ngày đầu với văn chương như thế, nên Sương Nguyệt Minh dành nhiều sự quan tâm cho những người viết trẻ, nhất là những người đang khoác áo lính. Khi còn giữ cương vị biên tập, rồi Trưởng ban văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ quân đội anh đã viết thư tay cho không ít cộng tác viên là lính, có người sau này thay thế vị trí của anh ở Nhà số 4.

Năm 2011 - 2013, diễn ra cuộc thi truyện ngắn trên Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, Sương Nguyệt Minh được mời tăng cường làm biên tập, giám khảo vòng sơ khảo. Khi tiếp nhận vài truyện ngắn của tôi, anh gọi điện bảo dấn lên viết lấy vài cái chất lượng tốt hơn nữa. Anh còn mách nước phải “trốn” công việc, “trốn” vợ con dăm ngày, một tuần để mà viết. Có lẽ vì áp lực sau cuộc gọi của anh, tôi đã không viết được thêm truyện ngắn nào trong cuộc thi ấy nữa. Chung cuộc, tôi chỉ có một truyện được in trong top ten truyện ngắn của năm 2012.

Tôi có những người bạn thời đại học, thủ trưởng cũ và cả đồng nghiệp hiện tại quê rải rác ở các xã thuộc huyện Yên Mô, Ninh Bình, quê hương của Sương Nguyệt Minh. Đã nhiều lần tôi thả bộ bên sông Trinh Nữ, Hoàng Long, ngắm cánh đồng trơ gốc rạ, trâu bò nhởn nhơ, cò vạc bay trong dải sương chiều, những bóng núi nhập nhòa viền lên chân trời những đường gãy khúc.

Trong tiếng rì rào của sông, tôi nghe bạn kể về những tên đất, tên làng: Thổ Hoàng, Vân Thượng, Vân Hạ, Trinh Nữ (1, 2, 3, 4),... với những huyền tích kì thú, liêu trai. Phần nào tôi đã lý giải được, tại sao những con sông này, những vùng đất này hiện lên vừa gần gũi vừa kì lạ, vừa hiển lộ vừa ngầm ẩn sâu xa, vừa ngồn ngộn hiện thực vừa lãng mạn, kì ảo trong những sáng tác của Sương Nguyệt Minh.

Có lần, tôi đã nhắn cho Sương Nguyệt Minh: “Em mới về Yên Mô, qua mấy xóm Trinh Nữ và dòng Trinh Nữ, lúc ấy không thể không nhớ “Mười ba bến nước”, “Đi qua đồng chiều”, “Người ở bến sông Châu”,... của Sương Nguyệt Minh và “Sau mưa”, “Cha, mẹ và con”, “Những người đàn bà ở bến sông”... của Vũ Minh Nguyệt, bác ạ!”.

Đi trên đồng đất ấy, tôi lại nhớ trên đất nước này có bao nhiêu con sông và những con sông đã sinh ra biết bao văn nhân, thi sĩ. Tất cả rồi đất sẽ ôm mang, sông sẽ chuyên chở xuôi dòng, nhưng với những tài văn thì con chữ sẽ ở lại. Đọc văn của Sương Nguyệt Minh tôi cũng cứ nghĩ rằng, những con chữ của anh đã là một dòng sông, sáng lấp lánh, êm đềm chảy nhiều năm qua trong lòng bạn đọc.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nha-van-suong-nguyet-minh-va-ben-van-nhan-i721995/